(GDVN) - Sau nghề cơ khí, "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh còn từng mở lò sản xuất kẹo dừa, làm quảng cáo và vẽ truyện tranh để kiếm sống. Có lần chở vợ về quê xin "tiếp viện", hai cha con ông đã phải đói lả ở ngoài đường vì chẳng có nổi một đồng trong túi.
{iarelatednews articleid='6401,6261,6216,6165,6126,6076'}
Tận cùng thất bại
Có người khi đã thành đạt rồi thì ngại nhắc lại thuở hàn vi. Thế nhưng Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì khác. Thấy tôi hỏi và lắng nghe, ông hào hứng kể. Hào hứng như những gian truân, vất vả đó mới diễn ra hôm qua chứ không phải đã lùi xa mấy chục năm về trước.
Châm tiếp điếu thuốc không rõ thứ bao nhiêu trong buổi trò chuyện, giọng ông trầm trầm: "Lấy vợ xong tôi về ở nhà vợ tại Bến Tre và không phải đi lang thang mướn nhà nữa. Ngày ở Bến Tre tôi đã bắt đầu viết văn chương và quen khá nhiều ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Mẹ tôi là nhà thơ Ngân Giang nổi tiếng, có lẽ vì vậy tôi thừa hưởng được ít nhiều năng khiếu của mẹ tôi, nên cũng có một tập truyện ngắn, mấy tập thơ và rất nhiều truyện cười.
Ngày xưa khi tôi còn trẻ thì thanh niên chúng tôi không có nhiều trò giải trí như bây giờ. Mỗi khi chúng tôi tụ tập với nhau thì kể truyện cười là một hoạt động thú vị.
Hiện nay, tôi đang chuẩn bị in lại và hiệu chỉnh 2 tập Thu say và Trăng say xấp xỉ nghìn bài văn vần tôi làm lúc cao hứng.
Nhà văn nữ Phạm Thị Ngọc Điệp của Bến Tre đã lấy nguyên mẫu cuộc đời tôi viết thành truyện ngắn nổi tiếng "Người đàn ông mặc áo nâu". Truyện này đã được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Phụ nữ Việt Nam lúc ấy.
Song song với làm cơ khí, tôi mở một lò làm kẹo dừa Bến Tre. Không ngờ kinh doanh thua lỗ, tôi trắng tay và bỏ lên Sài Gòn. Thời gian này tôi làm cho công ty quảng cáo Ánh Dương và tham gia sáng lập ra tờ báo Mua & Bán.
Sau khi công ty quảng cáo thất bại thì một thành viên trong công ty thấy tôi có một số khả năng nên hợp tác với tôi làm truyện tranh Việt Nam. Tôi vừa vẽ vừa viết kịch bản. Truyện của tôi về mặt vẽ chưa đạt vì tôi bỏ hội họa lâu quá. Nhưng về kịch bản thì NXB Kim Đồng phải mời tôi cộng tác.
Truyện tranh viết theo kiểu commic Nhật và tôi là người đầu tiên làm ở Việt Nam. Lúc đó tôi còn có ý tưởng sử dụng nghệ thuật truyện tranh hiện đại Nhật bản để phục hồi lại tất cả các giá trị văn hóa Việt Nam cổ.
Tôi đã sản xuất được mười mấy đầu sách thì không may thị trường bắt đầu xuất hiện Đô rê mon, Bảy viên ngọc rồng… Tôi lại không thông thạo trong vấn đề quan hệ với NXB nên tôi lại thất bại".
Nhịn đói ngồi viết sách
Liên tiếp thất bại trong công việc, "dị nhân" đành phải đi bán truyện tranh ế để sống và trả vốn cho bạn.
Trong quá trình đi lang thang gặp nhiều hiệu sách, ông vô tình phát hiện ra việc người ta phủ nhận văn hóa Việt gần 5.000 năm lịch sử.
Ông nhớ lại: "Trong một cửa hiệu sách cũ, tôi vớ được một quyển sách của ông Nguyễn Khắc Thuần - Chủ nhiệm khoa Sử ĐH Tổng hợp TP.HCM. Đầu tiên tôi định viết một bài báo để phản biện lại quyển sách này. Nhưng tính tôi nghiêm túc, viết bài báo thì cũng phải nghiêm chỉnh nên tôi mới đi tìm tư liệu. Càng tìm tòi sâu tôi càng phát hiện ra một phong trào phủ nhận Việt sử gần 5.000 năm văn hiến. Vì thế, tôi thấy không thể chỉ viết một bài báo được mà phải viết hẳn một cuốn sách.
Hai cuốn sách của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh |
Cuốn sách đầu tiên của tôi ra đời năm 1998 có tên "Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại". Cuốn đó nổi tiếng ngay từ khi in ra. Người ta phải photocopy truyền tay nhau đọc.
Thừa thắng xông lên, tôi lại làm tiếp, cũng được đến 7,8 cuốn rồi trong đó mới nhất là Tìm về cội nguồn Kinh Dịch và Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt.
Cũng nhiều gian truân lắm. Tôi không có mấy thời gian để ngủ, mệt lúc nào tôi chợp mắt lúc đó, kể cả trên xe ô tô. 3h sáng tôi đã thức dậy để làm việc. Tôi đã làm việc liên tục như thế mười mấy năm rồi".
Những ngày Nguyễn Vũ Tuấn Anh ngồi viết cuốn sách đầu tiên, không có thu nhập gì, vợ ông phải đi quạt bánh tráng ở đầu đường để nuôi ông viết sách. 2 tháng trời bố con ông chỉ dám ăn mỳ mà vẫn không dành dụm đủ mấy trăm nghìn tiền thuê nhà. Mà những đồng tiền đó cũng là do ông xem bói lai rai kiếm được.
Có một câu chuyện mà ông nhớ mãi không quên. "Khoảng năm 1998, có một lần vợ tôi về Bến Tre xin viện trợ từ gia đình. Trên Sài Gòn 2 cha con đói quá. Tôi nghĩ đến một nhà sách mà tôi vừa vẽ cho họ bộ truyện tranh "Dế mèn phiêu lưu ký". Hai cha con phải đạp xe từ ngoại thành vào thành phố, đến nơi thì họ chưa xin được giấy phép xuất bản nên họ chưa trả tiền.
Tôi lại nhớ ra vừa vẽ một cái bản đồ cho công ty Ánh Dương. Khi đến nơi thì công ty cũng chưa có tiền. Con trai tôi lúc đó đói quá không thể đi nổi nữa. May sao đúng lúc ấy thì bà giám đốc công ty Ánh Dương đến và lì xì cho con trai tôi 20 ngàn đồng. Hai cha con mừng húm đi ăn đúng hết 20 ngàn đó thì về. Hôm sau vợ tôi lên mới có gạo ăn tiếp.
Cũng vì thế tôi nghĩ thương con trai nên tôi lấy tên nó làm bút danh của tôi. Quà của tôi cho nó bây giờ chính là cái tên Nguyễn Vũ Tuấn Anh mà người ta biết đến. Còn tên thật của tôi là Nguyễn Vũ Diệu".
(Còn nữa)
Nguyễn Huệ