Những vấn đề đáng chú ý về Biển Đông trong cuộc gặp Duterte - Tập Cận Bình

20/10/2016 07:00
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Nếu Trung Quốc "cho phép" hay Philippines phải "xin phép" họ cho ngư dân tới đánh bắt ở ngư trường này, thì vô hình chung ông Duterte đã thừa nhận "chủ quyền".

LTS: Tiến sĩ  Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh cách tiếp cận vấn đề Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm nay. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc 4 ngày của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi, nhất là hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra hôm nay.

Mặc dù mục đích chính của chuyến thăm này là làm ấm lại quan hệ giữa hai nước sau mấy năm thăng trầm vì những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông và tập trung chủ yếu vào hợp tác kinh tế - thương mại, đồng thời "cấu hình lại" chính sách đối ngoại của Philippines, nhưng Biển Đông vẫn là vấn đề nóng bỏng khiến dư luận quan tâm, bàn tán không ngớt.

Tiền chủ, hậu khách

The Straits Times ngày 20/10 đưa tin, Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng ông là khách mời của nhà nước Trung Quốc, do đó ông sẽ không chủ động nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông lên bàn nghị sự.

Thay vào đó, ông Duterte nhường ông Tập Cận Bình quyền chủ động nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ngày hôm nay.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Phán quyết Trọng tài có thể được hai bên xem xét sau một thời gian nữa, thảo luận sẽ được giới hạn trong những gì Phán quyết Trọng tài đã nêu ra.

Ông Rodrigo Duterte nói điều này khi bị báo chí truy vấn tại khách sạn Grand Hyatt, Bắc Kinh tối 19/10 trước khi đi gặp kiều dân Philippines. Ông chủ Điện Manacanang phát biểu:

"Tôi phải lịch sự, và tôi phải chờ ngài Chủ tịch đề cập đến nó và tôi sẽ trả lời. Trong văn hóa phương Đông, tôi là khách, tôi không thể phá hủy bầu không khí thiện chí bằng cách cứ thỉnh thoảng lại bật ra một cái gì đó.

Tôi không phải đến đây để đồng ý nói về Biển Đông. Bạn có thể bớt đề cao nó một chút."

Cán bộ ngoại giao của hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ để sắp xếp một nghị trình rộng rãi về vấn đề Biển Đông. [1]

Cá nhân tôi cho rằng, trong trường hợp này ông Rodrigo Duterte ứng xử khéo léo, vừa không làm mất mặt chủ nhà, vừa không né tránh trách nhiệm bảo vệ lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc trên cương vị Tổng thống.

Muốn đối thoại, phải có thiện chí. Cứ ngồi lại được với nhau trước đã, những tranh chấp phức tạp đến đâu rồi cũng có thể tìm được tiếng nói chung nếu đôi bên thực sự thiện chí, cầu thị, khách quan và thượng tôn pháp luật.

Quyền đánh bắt ở Scarborough

Trước đó bản tin đặc biệt của hãng thông tấn Reuters ngày 19/10 cho hay, Trung Quốc sẽ "xem xét khả năng cho ngư dân Philippines truy cập có điều kiện" đầm phá trong bãi cạn Scarborough trong hội nghị Rodrigo Duterte - Tập Cận Bình hôm nay.

Một quan chức ngoại giao Philippines nói với Reuters, ông chủ Điện Manacanang có kế hoạch "trình bày hoàn cảnh" của ngư dân Philippines với người đứng đầu Trung Nam Hải.

Còn nguồn tin từ phía Trung Quốc nói với Reuters, Bắc Kinh đang xem xét một nhượng bộ với ông Rodrigo Duterte trong vấn đề Biển Đông để đáp lại thiện chí đảo ngược chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm.

Hai nước sẽ phải thành lập các nhóm làm việc để bàn chi tiết, ngư dân Philippines có thể đến Scarborough, nhưng sẽ có điều kiện.

Tổng thống Rodrigo Duterte gặp gỡ báo chí bên ngoài khách sạn, ảnh: Reuters / The Straits Times.
Tổng thống Rodrigo Duterte gặp gỡ báo chí bên ngoài khách sạn, ảnh: Reuters / The Straits Times.

Nếu tất cả diễn ra theo đúng kịch bản, hợp tác nghề cá sẽ là một trong mười hiệp định khung mà hai nước ký kết trong chuyến thăm này, nguồn tin từ Trung Quốc nói với Reuters.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị né tránh câu hỏi của Reuters về việc, liệu Trung Quốc có khả năng nhượng bộ nào với Philippines trong vấn đề Biển Đông hay không. Ông Nghị chỉ nhắc lại những phát biểu mang tính nguyên tắc:

"Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Không có sự thay đổi và sẽ không có sự thay đổi. Lập trường này phù hợp với các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế."

Hiện tại đó mới là nguồn tin từ Reuters, tuy nhiên khả năng Philippines và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận nào đó về hợp tác nghề cá ở Scarborough là khá cao.

Vấn đề quan trọng là ngư dân Philippines chỉ có thể đến Scarborough trong một số "điều kiện" nhất định. Điều kiện đó là gì thì hai bên chưa công bố.

Chỉ có điều người viết thấy cần lưu ý, đó là về mặt pháp lý, nếu hai bên "thỏa thuận về gác tranh chấp, hợp tác nghề cá ở Scarborough" thì đó là một thắng lợi lớn của Philippines cụ thể hóa Phán quyết Trọng tài 12/7.

Nhưng nếu Trung Quốc "cho phép" hay Philippines phải "xin phép" họ cho ngư dân tới đánh bắt ở ngư trường này, thì vô hình chung ông Duterte đã thừa nhận "chủ quyền" của Trung Quốc.

Nếu điều đó xảy ra, ông có thể sẽ phải đối mặt với những rắc rối ở nhà.

Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc dù vẫn tiếp tục tham vọng độc chiếm Biển Đông, nhưng sẽ không đẩy người bạn mới đến bờ vực.

Do đó về mặt chủ trương chung, nhiều khả năng hai phía sẽ tiếp tục tìm cách giảm nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, về mặt câu từ các nhà ngoại giao hai nước sẽ phải làm việc cùng nhau để tìm ra tiếng nói chung nhất, tối đa hóa khả năng hợp tác nhưng không ảnh hưởng đến lập trường, yêu sách của mỗi bên.

Hiện tại chưa có tuyên bố chính thức nào từ hai phía về việc này, nên sẽ phải tiếp tục theo dõi. Đối thoại với Trung Quốc hay các bên liên quan khác là giải pháp hợp lý, hợp tình. Vấn đề còn lại chỉ là đối thoại như thế nào mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/s-china-sea-issue-takes-a-back-seat-for-now-duterte

[2]http://www.reuters.com/article/us-china-philippines-exclusive-idUSKCN12I19I

Ts Trần Công Trục