Trong buổi tiếp công dân ngày 12/8 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cô giáo Hoa Anh đã nghẹn lời khi kể lại những tháng ngày đen tối nhất sau biên bản mà Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành buộc cô phải ký khi họ kiểm tra nhà và bắt gặp 15 em học sinh đang học môn Toán tại đây.
Cô Hoa Anh vẫn nuôi hy vọng mong manh sẽ gặp được người lãnh đạo cao nhất ở tỉnh Đắk Lắk (Ảnh CTV). |
Có lẽ xới lại nỗi đau buồn và sự oan ức khó giãi bày, thế nên câu chuyện cô Hoa Anh kể cứ bị ngắt nửa chừng bởi tiếng khóc nấc nghẹn dù cô đã cố gắng kìm nén.
Những tháng ngày tuyệt vọng của cô giáo Hoa Anh khi danh dự, nhân phẩm và quyền lợi bị mất hết
Sau biên bản lập về dạy thêm trái phép, do con còn nhỏ nên chưa phải thuyên chuyển công tác.
Ngày 17/8/2018, tôi chính thức nhận quyết định chuyển trường.
Tôi sốc vì danh dự, quyền lợi, công sức 25 năm đi dạy giờ đây đổ sông, đổ biển.
Thế nên, cầm quyết định trên tay, vì quá sốc nên tôi bệnh phải nằm bệnh viện 2 tháng trời chỉ có hơn 5 triệu tiền bảo hiểm, ngoài ra không có thêm một đồng tiền lương nào.
|
Đau buồn, chán nản, đã không ít lần tôi nghĩ tiêu cực và muốn tìm đến cái chết.
Cũng may, gia đình đã chăm sóc, động viên, giúp đỡ kịp thời để tôi tiếp tục trở lại trường giảng dạy.
Những tháng ngày ấy, gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh thật sự bi đát.
Khi bị chuyển trường, cuộc sống của gia đình tôi bị xáo trộn nghiêm trọng.
Một mình nuôi 2 con học đại học và một đứa con nhỏ.
Cả nhà chỉ có một cái xe, tôi vừa chạy đi dạy nơi xa, vừa chạy về đón con đi học.
Đã thế, thu nhập của bản thân cũng bị giảm sút vì dạy ở trường cũ một tháng còn có thêm vài triệu đồng để nuôi con.
Nay bất ngờ bị chuyển trường, thu nhập không còn, cuộc sống gia đình tôi lâm vào bế tắc.
Đang từ một tổ trưởng chuyên môn, về trường mới chỉ đi dạy “lót” cho người khác.
Tôi có tên trong danh sách nâng lương trước thời hạn vì đạt nhiều thành tích trong giảng dạy nhưng bị gạt phăng đi cũng chỉ vì cái “án” dạy thêm.
Tới cuộc họp nào cũng có người rêu rao: “Như cô Hoa Anh vi phạm bị chuyển trường, có đi kiện ở đâu thì cũng có làm gì được không?”
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần làm rõ việc cô giáo Hoa Anh có vi phạm dạy thêm hay không?
Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã nói trong buổi tiếp dân ngày 12/8 vừa qua:
“Cô nói không thu tiền, cần xác định rõ, không phải cứ nói là không thu tiền sẽ không vi phạm”.
Không sai! Nếu ai đó cứ dạy thêm và khi bị phát hiện cứ nói không thu tiền là không vi phạm.
Bởi thế, cần xác định rõ như lời ông Phó Chủ tịch thành phố nói là việc cần làm, nên làm và nhất định phải làm.
Thế nhưng, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã làm gì để xác định rõ việc cô Hoa Anh dạy có thu tiền hay không?
Trong một tờ trình gửi thành phố của mình, cô giáo Hoa Anh có liệt kê tên, số điện thoại của những phụ huynh gửi con học thêm tại nhà cô.
Nếu muốn xác nhận chuyện này cũng chẳng hề khó.
Chỉ cần vài cuộc điện thoại mời họ lên thì mọi việc sẽ sáng tỏ.
Phụ huynh đã tốn tiền cho con đi học thì chẳng vì lý do gì để họ nói rằng không.
Thế nhưng Ủy ban Nhân dân thành phố, thậm chí Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã làm việc này chưa?
Họ chỉ căn cứ vào biên bản được lập của Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành (ngay cả khi trong biên bản có ghi dòng chữ không thu tiền) để kỷ luật.
Vẫn hy vọng vào sự giải quyết công minh của Bí thư và Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk
|
Đến bây giờ, ngay cả khi nhận được lời khuyên của ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk trong buổi tiếp dân sáng ngày 12/8:
“Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định không sai và yêu cầu cô Hoa Anh chấp hành đừng làm đơn kiện sẽ mất thời gian, tiền bạc và sức khỏe”.
Cô giáo Hoa Anh vẫn nuôi một hy vọng dù mong manh sẽ được gặp Bí thư hoặc Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk vào ngày 25/8 tới đây, để được xem xét một cách thấu đáo trên cơ sở đúng lý và trọn tình.
Bởi cô nghĩ, với cương vị là những người đứng đầu một tỉnh, những vị cán bộ này sẽ có cái nhìn nhân văn hơn, có cách giải quyết thấu tình đạt lý hơn để tránh gây oan sai cho những người vô tội yếu thế.