Ngày 23/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em dự Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức.
Cùng dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khi người dân nhận thức đúng và vào cuộc thì công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em khó mấy cũng làm được. (Ảnh: VGP/Đình Nam) |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đã nỗ lực, ưu tiên giành được những kết quả tốt hơn, nhiều mặt nổi bật về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội nói chung.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam xác định rất rõ các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Việt Nam là một trong số 69 quốc gia có đề án về chăm sóc trẻ em từ 0-8 tuổi.
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng nêu một số bất cập, hạn chế về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo.
Trước hết, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự sâu sắc nên chưa dành sự quan tâm, đầu tư nguồn lực, thời gian lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác trẻ em, cũng như nhiều vấn đề xã hội khác.
"Quốc hội thông qua Luật Trẻ em năm 2016, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều chất vấn về công tác trẻ em, nhưng chỉ một điểm quy định trong Luật Trẻ em là mỗi xã phải có đầu mối về công tác bảo vệ trẻ em mà đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo hội nghị toàn quốc về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn không ít địa phương chưa có đầu mối này", Phó Thủ tướng nêu ví dụ và đề nghị các đại biểu Quốc hội, trong quá trình hoạt động ở địa phương, chú ý hơn nữa vấn đề này.
Giáo dục trẻ chỉ mình ngành giáo dục thôi chưa đủ |
Bên cạnh đó, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn nhiều điểm chưa đúng theo xu thế mới.
Phó Thủ tướng dẫn chứng: Chúng ta thường nghĩ rằng hằng năm chỉ có mấy nghìn vụ xâm hại trẻ em được ghi nhận trên hơn 25 triệu trẻ em, trong khi theo cách tiếp cận của quốc tế thì có tới 68% số trẻ em được khảo sát có bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau không chỉ bằng roi, vọt mà cả những câu nói, thái độ gây tổn thương cho trẻ em.
Vì thế các quyền của trẻ em như được bày tỏ chính kiến, được tham gia, được lắng nghe... chưa được quan tâm đúng.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến ý nghĩa của việc hiểu biết những tri thức chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Ví dụ những kiến thức về 1.000 ngày đầu đời, giáo dục sớm, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng… chưa được phổ biến rộng rãi.
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế cho trẻ em, Phó Thủ tướng đặc biệt chú ý đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
“Đơn cử, trong giáo dục miền núi, chúng ta phải có những biện pháp rất cụ thể, tổ chức lại trường lớp, trường nội trú, bán trú, bếp ăn để bảo đảm cho các cháu đến lớp được ăn no, đủ dinh dưỡng, không phải bỏ học”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Cùng với đó, những tác động của những vấn đề mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và những hiểm họa trên môi trường mạng, công tác tư pháp đối với trẻ em cần phải được quan tâm giải quyết.
“Mặc dù cơ chế phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tương đối đầy đủ nhưng cần có lực lượng nòng cốt đó là những người làm nghề công tác xã hội”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Nhấn mạnh một số điểm cần tập trung đặc biệt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng đầu tiên là phải hành động thật cụ thể đối với những mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em đã được xác định trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; trong các đề án cùng như khuyến nghị từ chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về trẻ em.
Theo Phó Thủ tướng, phải hình thành nhanh nhất mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em, không chỉ gồm các cơ quan Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội mà cần kết nối mạng lưới cộng đồng, các tổ chức hoạt động nhân đạo rất sát với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời đẩy mạnh đổi mới giáo dục-đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang khơi dậy sự sáng tạo, giá trị của từng học sinh.
“Chúng ta cần tận dụng thật tốt những mặt tích cực của công nghệ thông tin, internet để phổ biến tri thức, pháp luật về bảo vệ trẻ em rộng rãi trong cộng đồng bằng những câu chuyện dễ hiểu, sinh động.
Khi người dân nhận thức đúng và vào cuộc thì khó mấy cũng làm được, nếu không thì có nhiều văn bản đến mấy cũng không làm được”, Phó Thủ tướng bày tỏ.