Nỗi lo gần 200 học sinh Phú Quý vào đất liền tập trung chờ thi tốt nghiệp

02/08/2020 05:53
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu một thí sinh của huyện đảo có nguy cơ lây nhiễm thì với kiểu ăn ở tập trung chờ thi của gần 200 em thế này hậu quả sẽ sao đây? Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tàu chở học sinh huyện đảo Phú Quý vào thi mắc cạn không thể cập cảng

Gần 200 em học sinh tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã lên tàu vào đất liền tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020.

Tàu chở học sinh huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi bị mắc cạn ngoài khơi nên phải dùng thuyền nhỏ chở học sinh vào bờ (Ảnh CTV)

Tàu chở học sinh huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi bị mắc cạn ngoài khơi nên phải dùng thuyền nhỏ chở học sinh vào bờ (Ảnh CTV)

Đoạn đường từ đảo vào đất liền gần 100 ki lô mét, tàu cao tốc chạy cũng gần 3 tiếng đồng hồ. Dù được trang bị thuốc chống ói và có cán bộ y tế, giáo viên theo cùng nhưng một số học sinh vẫn say sóng đến lả người.

Sau 3 tiếng trên sóng nước, có em không còn sức để lên bờ phải nhờ bạn cõng. (Ảnh tác giả)Sau 3 tiếng trên sóng nước, có em không còn sức để lên bờ phải nhờ bạn cõng. (Ảnh tác giả)

Không như những năm học trước thời tiết thuận lợi, năm học này, học sinh Phú Quý vào đất liền dự thi đúng vào những ngày Bình Thuận đang có mưa to, gió lớn.

Đã thế, tàu chở học sinh bị mắc cạn ngoài khơi không thể cập cảng, nhà tàu đã phải dùng thuyền nhỏ để vận chuyển dần học sinh vào bờ.

Một số học sinh cho biết, đi tàu đã mệt vì say sóng nên khi tàu mắc cạn phải xuống thuyền nhỏ vào bờ càng làm sự mệt mỏi, bất an dâng lên bội phần.

Được lo chu đáo phương tiện đi lại, đón tiếp và nơi ở…

Để tổ chức cho học sinh đi thi được thuận lợi nhất, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã nỗ lực tìm nguồn tài trợ giúp các em.

Đội tình nguyện tiếp sức mùa thi chờ đón học sinh ngay tại cảng (Ảnh CTV)

Đội tình nguyện tiếp sức mùa thi chờ đón học sinh ngay tại cảng (Ảnh CTV)

Đó là sự giúp đỡ của Ngân hàng Liên Việt - Chi nhánh Bình Thuận với 40 triệu đồng cho tất cả các thí sinh vào đất liền dự thi.

Là sự chia sẻ của công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải hành khách Thành Thành Phát đã giảm 50% vé tàu cho thí sinh.

Tỉnh đoàn đã vận động thêm các nguồn lực khác để hỗ trợ kinh phí, suất ăn miễn phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó là hơn 30 đoàn viên trong chiến dịch Hoa Phượng Đỏ của Đoàn Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã phối hợp với huyện Đoàn tổ chức hoạt động Tiếp sức mùa thi.

Huyện Đoàn, Trung tâm Y tế và một số cá nhân đã tài trợ khẩu trang, thuốc, gel rửa tay khô cho các bạn trước khi bước lên tàu.

Học sinh được phát khẩu trang và khử trùng bằng nước rửa tay (Ảnh CTV)

Học sinh được phát khẩu trang và khử trùng bằng nước rửa tay (Ảnh CTV)

Tại Cảng Vận tải Phan Thiết, Tỉnh đoàn tổ chức đón các thí sinh tham dự kỳ thi vô cùng chu đáo.

Tỉnh đoàn đã bố trí 2 đội tình nguyện "tiếp sức mùa thi" với 50 tình nguyện viên đến từ Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận và Thành đoàn Phan Thiết để đưa đón thí sinh.

Tàu chưa cập bến nhưng các tình nguyện viên đã có mặt đông đủ tại cảng Phan Thiết và chuẩn bị đầy đủ các công đoạn phòng chống dịch Covid-19 cho học sinh, cho cộng đồng.

Học sinh được phát khẩu trang miễn phí, rửa tay sát khuẩn. Nhiều em được đội tình nguyện hỗ trợ xách hành lý, hướng dẫn lên xe taxi.

Tại ký túc xá Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Hưng Đạo thành phố Phan Thiết, các thanh niên tình nguyện cũng đã chờ sẵn để đón và phân phòng ở cho các em thí sinh. Những căn phòng đã được chuẩn bị chu đáo đảm bảo thuận lợi cho việc nghỉ ngơi chờ ngày thi tốt nghiệp.

…nhưng học sinh vẫn khát khao được thi tại quê nhà

Ngoài một số học sinh lần đầu tiên được đi tàu vào đất liền tỏ ra hào hứng còn phần đông các em, phụ huynh và nhiều thầy cô giáo đều mong muốn học sinh được thi tốt nghiệp tại trường.

Nhưng, ước muốn này đã bao nhiêu năm vẫn chưa được thực hiện mặc dù hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường đã khang trang hơn nhiều, phương tiện đi lại giữ đảo và đất liền cũng rất nhanh chóng hơn.

Vậy mà năm nào cũng thế, học sinh vẫn phải cắp ba lô lên đường, vượt sóng, vượt gió, vượt cả những cơn say tàu để gồng sức mình cho những ngày thi quan trọng của cuộc đời.

Em Th. chia sẻ với chúng tôi: “Con bị say sóng nên rất sợ đi tàu. Nhưng không đi thì biết phải làm sao? Giá chúng con được thi tại trường…”.

Ước muốn của em cũng là niềm mong ước của không ít phụ huynh và thầy cô nơi đây. Nhưng ước mong chỉ là mong ước khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận vẫn không đồng ý thành lập hội đồng thi tại đảo với nhiều lý do được đưa ra.

Lý do Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Thuận đưa ra là gì?

Thương con em mình phải vất vả vào đất liền dự thi, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đề nghị được tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cho học sinh tại đảo.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận trả lời cử tri huyện đảo về việc không đồng ý tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại đảo (Ảnh tác giả)

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận trả lời cử tri huyện đảo về việc không đồng ý tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại đảo (Ảnh tác giả)

Trả lời công văn kiến nghị của huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đã có công văn trả lời như sau:

Kỳ thi trung học quốc gia hàng năm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thường được tổ chức vào những ngày cuối tháng 6 Dương lịch, thời điểm này không thể lường trước được diễn biến phức tạp của thời tiết trên biển đặc biệt đối với biến đổi khí hậu đang diễn ra rất khó lường;

Phương tiện vận chuyển và di chuyển đến huyện đảo Phú Quý chỉ độc đạo duy nhất là đường biển không có phương án vận chuyển dự phòng khác ví dụ như đường hàng không…

Vì vậy việc vận chuyển và bảo quản đề thi với yêu cầu tuyệt đối an toàn và bảo mật, nếu có sự cố bất thường nào xảy ra thì ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi trên toàn quốc;

Đồng thời đội ngũ làm công tác thi như: Trưởng phó điểm thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi, cán bộ giám sát, trật tự viên…được điều động từ đất liền ra huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của kỳ thi trên phạm vi toàn quốc;

Mặt khác Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ có 01 ngày để vận chuyển đề thi đến các điểm thi.

Việc bảo quản và vận chuyển bài thi của thí sinh sau kỳ thi cũng là một nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đồng thời đảm bảo về mặt thời gian và tiến độ chấm thi theo thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng trên toàn quốc.

Từ thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo không đồng ý tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2019-2020 tại huyện đảo Phú Quý.

Lo cho cán bộ, giáo viên hơn sự an toàn của học sinh?

Theo công văn trả lời của Sở Giáo dục, chúng ta thấy một trong những lý do được nêu ra “…đội ngũ làm công tác thi như: Trưởng phó điểm thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi, cán bộ giám sát, trật tự viên…được điều động từ đất liền ra huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của kỳ thi trên phạm vi toàn quốc”.

Câu hỏi nhiều người đặt ra: “Cán bộ, giáo viên…ra đảo coi thi sẽ gặp rất nhiều khó khăn…Vậy tại sao gần 200 học sinh vào đất liền đi thi lẽ nào lại gặp thuận lợi hơn các thầy cô giáo?”.

Một giáo viên của trường (xin được giấu tên) cho biết: “Gần 200 học sinh với 10 phòng thi sẽ cần hơn 30 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi. Số lượng cán bộ, giáo viên chỉ bằng 1/6 học sinh nên việc ra đảo sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Hơn nữa, nếu giáo viên có bị say sóng, bị mệt còn có người coi thi dùm, nhưng học sinh nếu gặp sự cố sẽ mất nguyên một năm học để chờ đợi mùa thi sau”.

Và giáo viên này cũng khẳng định nhà trường đã đủ cơ sở vật chất, điều kiện để tổ chức một kỳ thi đảm bảo an toàn và thành công.

Đó là chưa nói đến đảo Phú Quý hiện vừa được tỉnh Bình Thuận công nhận là khu du lịch cấp tỉnh thì không có lý do gì để nói rằng mọi điều kiện sẽ không đảm bảo để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp tại đây.

Ai sẽ chịu trách nhiệm khi học sinh ăn ở tập trung trước nguy cơ dịch Covid-19 đang rất nguy hiểm?

Nhiều phụ huynh, giáo viên đang đứng ngồi không yên trước nỗi lo dịch Covid-19 đang lan rộng ở một số địa phương và ít nhất đã có 2 người tử vong.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định dịch bệnh lần này diễn biến phức tạp hơn lần trước, với nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng vì thế cần ứng phó nhanh hơn, khẩn trương hơn.

“Thời gian tới dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta cần cùng nhau cố gắng. Câu chuyện của Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở Đà Nẵng mà có xu hướng lan ra một số tỉnh khác như Quảng Nam nguy cơ rất cao, địa phương này đã thực hiện việc giãn cách xã hội với một khu số vực.

Số lượng người đi đến Đà Nẵng trong thời gian qua rất đông. Cơ quan chức năng đã lập danh sách toàn bộ gần 800.000 người đã đi đến Đà Nẵng từ ngày 1/7, yêu cầu những người này liên hệ với cơ quan chuyên môn y tế…[1]

Vậy mà, gần 200 học sinh huyện đảo Phú Quý đang được ăn ở tập trung sinh hoạt tại Trường Trung học chuyên Trần Hưng Đạo đợi ngày dự thi.

Trước dịch Covid-19, học sinh Phú Quý vẫn sinh hoạt tập trung (Ảnh Báo Bình Thuận)

Trước dịch Covid-19, học sinh Phú Quý vẫn sinh hoạt tập trung (Ảnh Báo Bình Thuận)

Người Bình Thuận đi du lịch Đà Nẵng cũng nhiều, Thành Phố Hồ Chí Minh nơi cách Bình Thuận khoảng 150 ki lô mét đã có 5 người lây nhiễm thì ai dám chắc Bình Thuận sẽ tuyệt đối an toàn?

Nếu xảy ra chuyện, một trong những thí sinh của huyện đảo có nguy cơ lây nhiễm thì với kiểu ăn ở tập trung chờ thi gần 200 người thế này sẽ khống chế sao đây? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://dantri.com.vn/suc-khoe/quyen-bo-truong-y-te-nhieu-tinh-co-nguy-co-cao-trong-dot-dich-covid-19-20200801111508206.htm

Đỗ Quyên