Thế là niềm mong mỏi, hy vọng của nhiều phụ huynh, của nhiều học sinh nơi huyện đảo Phú Quý đã bị dập tắt khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận vẫn quyết định đưa các em vào đất liền để tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm 2018-2019 như bao năm nay vẫn thế.
Các em học sinh huyện đảo Phú Quý đi tàu vào đất liền để tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh: tác giả ). |
Đủ điều kiện tổ chức hội đồng thi sao không làm?
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay huyện đảo Phú Quý có 217 thí sinh dự thi, trong đó có 200 học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền và 17 thí sinh tự do.
Với số lượng thí sinh như thế, sẽ có khoảng 10 phòng thi và sẽ cần khoảng 40 cán bộ và nhân viên phục vụ cho công tác thi.
Giám thị, nhân viên phục vụ sẽ điều động giáo viên bậc trung học cơ sở tại đảo làm công tác coi thi. Và chỉ cần điều động lãnh đạo, giám sát và thanh tra từ đất liền ra đảo là đủ.
Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền với cơ sở vật chất đầy đủ, phòng học khang trang, an ninh trật tự đảm bảo thì việc thành lập một hội đồng thi đảm bảo tốt theo yêu cầu sẽ chẳng có khó khăn gì.
Sao không vì học sinh?
Phụ huynh huyện đảo Phú Quý tha thiết mong tổ chức cho học sinh thi tại đảo |
Năm nào cũng thế, để chuẩn bị vào đất liền dự thi, hàng trăm học sinh phải chuẩn bị đi trước đó cả tuần.
Bởi, mùa thi đúng vào mùa mưa bão, cùng với việc đi cả một chặng đường dài lênh đênh trên sóng nước, không ít em học sinh không chịu nỗi cảnh tàu rung lắc nên bị say sóng khật khừ phải nằm vài hôm mới lại sức.
Chúng tôi có cuộc trao đổi trên điện thoại với ông Ngô Tấn Lực, Phó chủ tịch Ủy ban huyện đảo Phú Quý về việc “Chính quyền địa phương có ý kiến gì về việc để học sinh phải vào đất liền thi mà không đặt hội đồng thi tại đảo?”
Ông Ngô Tấn Lực cho biết chính quyền nơi đây cũng đã yêu cầu Trường Trung học Ngô Quyền có ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Về phía chính quyền cũng đã nêu đề xuất với tỉnh nhưng được Sở Giáo dục trả lời không thể tổ chức hội đồng thi tại đảo vì mùa mưa bảo, việc vận chuyển đề thi sợ không đảm bảo an toàn do khoảng cách từ đảo vào đất liền quá xa, hơn 100 km.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Mùa mưa bão, đường vào đất liền xa, sợ không an toàn với đề thi, vậy không sợ không an toàn với học sinh hay sao?”
Ông Ngô Tấn Lực cho biết “Học sinh được tổ chức đi thành đoàn, có thầy cô đi cùng và vào đất liền trước đó cả tuần. Còn đề thi vận chuyển cận ngày nhỡ gặp mưa bảo sẽ không an toàn”.
Hành trình "áp tải" đề thi vượt biển ra đảo, ngược xuôi miền núi |
Khi chúng tôi đặt câu hỏi liên hệ với đảo Lý Sơn họ vẫn tổ chức thi tại đảo cho học sinh nhiều năm nay sao đề thi vẫn vận chuyển, bảo quản tốt?
Ông Ngô Tấn Lực trả lời, đảo Lý Sơn cách đất liền không xa như đảo Phú Quý.
Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cũng từng trả lời với phóng viên của báo “đây là mùa mưa bão, học sinh đã được bố trí vào đất liền trước một tuần.
Nếu thi ngoài đảo, gặp ngày sóng lớn, gió giật cấp 8 biên phòng sẽ không cho tàu ra khơi, việc vận chuyển đề trước một ngày sẽ gặp khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến việc thi cử của các em.
Chỉ khi có máy bay, mới có thể tổ chức thi ngoài đảo được”.
Đợi tỉnh Bình Thuận có sân bay mới có thể tổ chức thi ngoài đảo thì có lẽ hàng chục năm nữa học sinh huyện đảo Phú Quý mới không phải khăn gói vào đất liền dự thi.
Tổ chức hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia tại đảo sẽ đem đến cho tỉnh 2 điều lợi.
Thứ nhất, tạo thuận lợi, niềm phấn khởi, sự tự tin cho các em học sinh khi được thi ngay tại quê nhà. Điều này sẽ giúp các em làm bài tốt hơn.
Thứ hai, sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn (do phải vận động xã hội hóa) khi phải đưa hàng trăm học sinh vào đất liền dự thi hàng tuần liền.
Thế nên, nhiều người vẫn không hiểu vì sao bao năm nay tỉnh Bình Thuận vẫn không thể tổ chức một hội đồng thi tại đảo như mong mỏi của nhiều người dân nơi huyện đảo này.