Những ngày cuối tháng tám, đầu tháng chín, luôn là những ngày đặc biệt đối với người dân Việt Nam, trong suốt hơn 70 năm qua.
Bởi, đó là những ngày người ta tưởng nhớ về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, không những thế còn là những ngày chuẩn bị cho một năm học mới với nhiều kỳ vọng.
Nhưng sự thật vẫn còn đó, những tiếng thở dài trước bao cảnh nhãn tiền nhức nhối, những làn sóng uất hận trước ngoại bang ngang ngược xâm phạm bờ cõi…
Người ta đang trăn trở về tương lai của đất nước, trăn trở về sự lựa chọn, trước những cơ hội và những thách thức, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và rủi ro này.
Nhớ về ngày độc lập, khiến chúng ta nhớ lại quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, trong suốt 30 năm (1945-1975).
Và với quốc hiệu này, người Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc.
Hơn nữa, như nhiều phân tích khoa học đã chỉ ra rằng: dân chủ, nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, là bốn yếu tố lập nên một thể thống nhất không thể tách rời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình 2/9/1945 (Ảnh: cand.vn). |
Cũng như thực tiễn lịch sử cho thấy, trong thời đại ngày nay, những quốc gia phát triển, văn minh và tiến bộ, đều xuất phát từ việc thừa nhận “Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là những giá trị phổ quát. Rằng đó cũng là những quyền căn bản của con người, được tạo hóa ban tặng.
Vốn là một nước nhỏ - lạc hậu, lại ở cái vị trí địa lý đặc biệt, khiến đất nước ta phải gánh chịu, ứng phó với bao toan tính của các nước siêu cường.
Bởi thế “Dĩ bất biến ứng vạn biến” luôn là cái triết lý hành động của người Việt. Nhưng còn lựa chọn thì sao? Thiết tưởng cái triết lý của sự lựa chọn, có thể chăng như hai câu thơ dưới đây trong Kinh Thi:
Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về.
Và quả thật không còn nghi ngờ gì, “Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” chính là ngọn “núi cao” để người ta trông. Đó cũng chính là cụm từ, trong quốc hiệu của nhà nước non trẻ - năm 1945 như đã đề cập ở trên.
Như vậy, người Việt đã có núi cao để hướng tới. Nhưng còn cái vế “đường rộng” thì sao? Rõ ràng đó là sự lựa chọn - chọn đường để lên được đỉnh núi cao.
Ngày nay, mặc dù đất nước đã có độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, được nhân loại thừa nhận về mặt pháp lý, nhưng vấn đề giữ gìn nó, vẫn luôn không tránh khỏi sóng gió, thậm chí nguy cơ còn lâu dài.
Ngoài ra, còn cái đích “Dân chủ - Tự do - Hạnh phúc” của nhân dân, đã thực hiện được đến đâu, thì thực tế đã có câu trả lời. Vì thế phải chăng việc lựa chọn “đường rộng” vẫn còn đó những vấn đề mở?
Giá trị của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận |
Ngày nay, thế giới đã có nhiều đổi khác, nhiều giá trị của thế kỷ trước đã bị sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa đã không còn. Việc lựa chọn quan hệ “phe phái” của một thời đã qua đi.
Người Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, bằng chính sách ngoại giao đa phương và đa dạng các quan hệ.
Tuy nhiên, hình như cái bóng của “ý thức hệ”, vẫn như hạn chế tầm nhìn của chúng ta hoặc chí ít còn làm cho chúng ta bị lấn cấn khó xử chăng?
Đành rằng, chúng ta chẳng muốn coi ai là thù, nhưng rõ ràng những bài học lịch sử hàng nghìn năm qua cũng như sự tráo trở của những người, ngỡ tưởng cùng chung “ý thức hệ”, không thể không khiến chúng ta cảnh giác, thậm chí từ bỏ.
Chính điều này, càng thêm khẳng định cho tính đúng đắn của hành xử, giữ vững “độc lập dân tộc” và sẵn sàng làm bạn với tất cả, miễn là trên cơ sở bình đẳng - hợp tác - tôn trọng và cùng có lợi.
Những điều vừa đề cập, ấy là câu chuyện bang giao bên ngoài. Còn câu chuyện bên trong thì sao?
Một hiện thực không thể chối bỏ, rằng nhiều nhức nhối hiện nay như đang cản phá sự đi lên của đất nước.
Những điều này có nguyên nhân căn cốt từ đâu? Người viết tin rằng, mỗi người Việt đều có thể tự tìm được cho mình câu trả lời.
Cũng cần lưu ý rằng, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” phải cùng với “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình), mới làm nên câu đối hoàn chỉnh trong minh triết phương Đông.
Và cái vế “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, như muốn nhắc nhở người ta luôn phải đứng về phía nhân dân, để nhìn nhận, để trả lời, để lựa chọn.
Vậy thì không có gì hơn, hãy đứng về phía nhân dân, để tìm ra câu trả lời, cho cái nguyên nhân căn cốt, phát sinh nhiều nhức nhối, tàn phá sự phát triển của đất nước hiện nay.
Phủ nhận, xét lại Cách mạng Tháng Tám là có tội với dân tộc |
Rằng đất nước đang cần một câu trả lời - một đáp án chung, khách quan và xây dựng, cho câu hỏi vừa đặt ra ở trên.
Để rồi từ đó cũng vì cái “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, người ta mới có thể sáng suốt lựa chọn, từ bỏ.
Sau cùng là cần phải lựa chọn như thế nào để có đường rộng, con đường phát triển lâu dài? Tất nhiên đó là con đường phải phù hợp với tâm nguyện của dân, thuận theo dòng chảy của tạo hóa.
Cũng như mọi dân tộc khác, con đường dẫn đến “Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, đầy chông gai và những chống phá. Dĩ nhiên, sẽ chẳng thể có một lý thuyết nào đủ khả năng bao trọn nó.
Bởi, lý thuyết là của con người, được tạo lập bởi con người - luôn mang dấu ấn chủ quan, còn “cây đời” là thực thể của tạo hóa.
Vì vậy dẫu lý thuyết có vĩ đại đến mấy, cũng luôn có nguy cơ tụt hậu trước cuộc sống sinh động.
Bởi thế, chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm và biết lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh nhận thức, mới hạn chế được “nhầm đường, lạc lối”.
Và dẫu rằng cái đích kia vẫn còn xa, còn chưa thể tới, nhưng lòng luôn phải hướng về. Để một ngày kia dân tộc này, như chim ưng bay lượn trên bầu trời cao rộng, cái ước vọng ngàn năm của cha ông.