Mấy ngày nay, các phương tiện truyền thông đã đề cập tới vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi lại bằng chiếc xe công mang biển xanh 95A-0699 trị giá nhiều tỉ đồng, khiến nhiều người dân nghèo trong tỉnh choáng ngợp.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết chiếc xe hiệu Lexus màu đen mang biển xanh trên do ông Trịnh Xuân Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang sử dụng đi lại làm việc.
Theo vị Bí thư tỉnh ủy thì tỉnh Hậu Giang không dùng tiền ngân sách mua chiếc xe này, mà do cá nhân ông Thanh mượn của người quen từ Hà Nội mang vào sử dụng đi lại, làm việc.
Theo ông Chánh, vào tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh - Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) được Trung ương điều động giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Lúc đó thường trực UBND tỉnh thống nhất bố trí cho ông Thanh đi một chiếc xe bốn chỗ duy nhất mà văn phòng UBND tỉnh đang sử dụng phục vụ văn phòng.
Tuy nhiên ông Thanh từ chối với lý do tỉnh đang thiếu xe nếu ông dùng thì không còn xe cho anh em đi mà nếu mua thêm xe thì là gánh nặng cho ngân sách nên ông Thanh đề xuất sẽ mang chiếc xe từ Hà Nội vào sử dụng.
Ông Trịnh Xuân Thanh, ảnh moit.vn |
Và, ông Chánh còn nói: “Sau khi ông Thanh mang xe vào, lãnh đạo tỉnh thấy rằng nếu ông Thanh dùng chiếc xe mang biển số trắng đi làm việc cũng không tiện, nên đã đề nghị phía công an tỉnh cấp tạm một biển số xe công để ông Thanh tiện đi lại, làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tôi thấy việc này là bình thường dùng xe cá nhân đi, chứ có dùng xe nhà nước sai tiêu chuẩn đâu mà dư luận phê phán ầm ĩ”.
Người sử dụng chiếc xe này là ông Trịnh Xuân Thanh cũng xác nhận mượn xe của người quen. Chiếc xe mang biển số chính thức là 29A-79093 do Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cấp ngày 24/5/2013 cho ông Nguyễn Đăng Toàn làm chủ.
Ông Thanh phân trần: "Khi về Hậu Giang công tác thấy địa phương khó khăn quá nên tôi mượn xe dùng để đỡ bớt gánh nặng phải dùng ngân sách mua xe mới cho địa phương. Nay dư luận quy kết tôi dùng xe sang, nọ kia là không đúng”.
Nghe những phát biểu này, nhiều người bảo, ông Bí thư tỉnh Hậu Giang thật… khéo đùa.
Là người giữ vị trí quan trọng của một tỉnh, hẳn là ông Chánh phải am tường luật pháp hơn tất cả những người dân bình thường ở tỉnh Hậu Giang.
Nhưng, người dân lại hoàn toàn có lý khi bày tỏ thái độ không hài lòng khi cán bộ cấp cao của tỉnh dùng xe sang mà lại đổi biển trắng sang biển xanh.
Và ngay cả vị Phó Chủ tịch tỉnh đang sử dụng chiếc xe này cũng khăng khăng rằng dư luận phê phán ông sử dụng xe sang là không đúng.
Cứ theo lời của ông Thanh thì nếu ông có “mượn” đâu đó chiếc xe vài chục tỷ đồng thì đó cũng là chuyện riêng của ông, chứ chẳng có gì mà dư luận phải ầm ĩ.
Dán logo "Xe ưu tiên - Bộ Công an" rồi tác oai, tác quái, coi thường pháp luật |
Thực ra, người dân có quyền góp ý (nói rõ hơn thì là phê phán) khi thấy cán bộ có những biểu hiện khác thường.
Đó là quyền của dân, bởi trong một nhà nước pháp quyền thì luật pháp phải được đặt lên hàng đầu.
Những cán bộ (mà lại là cán bộ cấp cao như ông Chánh, ông Thanh) phải tuân thủ những gì luật pháp quy định, chỉ được làm theo luật (điều đó khác với người dân, là họ được làm những gì luật không cấm).
Chưa kể, khi chuyện đã lộ ra, người dân còn biết đến thông tin khi ông Thanh còn công tác trong ngành dầu khí thì đơn vị ông điều hành từng thua lỗ cá ngàn tỉ đồng. Tờ kienthuc.net.vn (1) còn đưa tin và đặt nghi vấn rằng, phải chăng thua lỗ khi điều hành doanh nghiệp nhà nước được chuyển sang làm công chức là cách hạ cánh an toàn?
Không có ai khẳng định điều này, cũng không có quy định nào của nhà nước như thế nhưng thực tế, ông Thanh đã rời ngành dầu khí đi làm Phó chủ tịch một tỉnh. Còn gánh nặng tài chính ở doanh nghiệp mà ông để lại thì khối người, trong đó có cả nhà nước và nhân dân vẫn đang phải gánh.
Chính bởi thế, người dân hoàn toàn có quyền đặt ra dấu hỏi với việc chiếc xe ô tô mang biển số chính thức là 29A-79093 lại được gắn biển xanh 95A-0699, có đúng luật không?
Nếu không đúng thì vi phạm này sẽ phải xử lý thế nào?
Trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức ra sao khi cho phép gắn biển xanh (công vụ) sang xe đã cấp biển trắng (dân sự).
Dư luận “ầm ĩ” cũng là có lý do cả, bởi nếu ông Thanh mượn xe đi chơi, sử dụng vào việc cá nhân thì cũng chẳng có gì đáng bàn.
Nhưng cái mà người dân thấy phản cảm đó là người sử dụng xe đang ở vai Phó Chủ tịch tỉnh, và sử dụng chiếc xe ấy vào cả việc công lẫn việc tư.
Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699 được thay lại biển số trắng. ảnh: Tuổi trẻ. |
Quy định của nhà nước đã rất rõ ràng với cán bộ ở từng vị trí, cấp bậc khác nhau thì sử dụng loại xe có giá trị bao nhiêu tiền.
Đành rằng, chiếc xe mà ông Thanh đi lại mang tên đăng ký của người khác, song đó mới chỉ là một mặt của vấn đề.
Vấn đề mà người dân thấy phản cảm là một vị “công bộc” của dân lại sử dụng xe sang còn hơn cả các lãnh đạo cấp cao ở Trung ương.
Giả sử từ trên xuống dưới, đâu đâu cũng có cán bộ “mượn” xe sang rồi gắn biển xanh “tạm thời”, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Nói xa hơn, khi người dân phát hiện thấy cán bộ có biểu hiện "bất thường", thì họ có quyền lên tiếng để cán bộ tự soi xét lại mình, tự chấn chỉnh mình, để thể hiện sự gương mẫu đúng với ý nghĩa "công bộc" của dân mà Bác Hồ căn dặn.
Mỗi cán bộ không chỉ phải làm tốt nhiệm vụ được giao, mà còn có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của chính mình, cũng chỉnh là giữ gìn cho tổ chức, cho Đảng, xa hơn nữa là hình ảnh của đất nước với bạn bè thế giới.
Vậy nên phát biểu của ông Bí thư Tỉnh ủy rằng dư luận (người dân) không nên "ầm ĩ" có lẽ chỉ là một câu nói đùa.
Tài liệu tham khảo:
(1) http://kienthuc.net.vn/soi-xet/kinh-doanh-thua-lo-nen-chuyen-sang-lam-quan-chuc-310472.html