Ngày 1/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch bệnh COVID-19) đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: Vào ngày 23/1, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đã bắt đầu chống dịch.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP |
Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của "cuộc chiến" chống dịch COVID-19. Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần “toàn dân chống dịch”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu.
Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.
Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mặc dù quyết định được ban hành ngày hôm nay (1/4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/1/2020. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung: Thống nhất hành động, phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh; điều chỉnh lại việc bố trí công năng của các bộ phận khám chữa bệnh; làm việc theo tổ đội trong các bệnh viện; hỗ trợ các bệnh viện tư nhân; chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác điều trị trong tình hình mới; tổ chức công tác cách ly và đưa người đã hoàn thành cách ly về địa phương; bảo đảm vệ sinh dịch tễ tại các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh;…
Ban Chỉ đạo nhận định đến nay số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả cao. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam có 16 ca bệnh.
Sang giai đoạn 2, từ ngày 6/3 (thời điểm xuất hiện bệnh nhân thứ 17) đến nay chúng ta mới chỉ có tổng 212 người nhiễm COVID-19 (cả hai giai đoạn) đứng thứ 88 thế giới, chưa có bệnh nhân tử vong (chỉ 5 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh chưa có bệnh nhân tử vong)...
Do đó, trong thời gian tới cả hệ thống cần tiếp tục tập trung thực hiện thật tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo để triển khai phòng, chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong từng thời kỳ. Chỉ thị 16 về cách ly xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành rất quan trọng và rất kịp thời để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới.
Bản chất thực hiện cách ly xã hội chính là giãn cách xã hội. Theo đó, người dân cần hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc xã hội, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2 m).
“Đây là chỉ thị đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh hiện nay và 2 tuần tới là thời gian rất quan trọng để chúng ta có thể ngăn chặn dịch bệnh COVID-19”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.
Về vấn đề điều trị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chúng ta đã có những thành công nhất định. Tình hình các bệnh nhân nặng đang tiến triển tốt.
“Điều rất mừng là mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay chúng ta chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là thành tựu rất lớn của ngành y tế. Bốn bệnh nhân nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chúng ta đã cai máy thở cho 3 người, chuẩn bị cai ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo) cho 1 người”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Ngành y tế đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số loại thuốc, đồng thời cập nhật phác đồ điều trị của thế giới.
Về chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, hệ thống y tế của Việt Nam khác với các nước, là có trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, Trung ương.
Theo đó, mọi bệnh nhân COVID-19 đều được chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, chúng ta sẵn sàng điều động các nguồn lực lượng ở địa phương khác để tập trung dập dịch.
Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết: Đến 12 giờ ngày 1/4, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khoẻ 44.293 trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Cụ thể: 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan.
Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét ngiệm toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả 100% âm tính.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết qua điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố đã xác định được 16.714 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm (bệnh nhân, người nhà và những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai) và tổ chức cách ly theo quy định (cách ly tại nhà và cách ly tập trung), triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng cả test thử nhanh và xét nghiệm trên máy.
Qua sàng lọc bằng test thử nhanh đối với 783 trường hợp đã phát hiện một số ca dương tính, tuy nhiên, sau khi tiến hành xét nghiệm trên máy tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội thì các ca này đều âm tính.
Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung xét nghiệm trên máy toàn bộ những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn thành phố để sàng lọc, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Hiện nay, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được quản lý và kiểm soát”, ông Ngô Văn Quý nói.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế huy động thêm lực lượng cùng với Thành phố Hà Nội để xét nghiệm trên máy cho toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết thêm, hiện các bệnh viện của Hà Nội đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất, máy móc để có thể điều trị cho 1.000 người mắc COVID-19. Năng lực xét nghiệm của Thành phố Hà Nội có thể đạt khoảng 1.800 mẫu/ngày.
Thủ đô cũng đã tính toán các phương án điều trị trong tình huống có số lượng người mắc tăng đột biến lên nhiều lần…