Trong khi các nước láng giềng của Trung Quốc quan ngại trước các động thái ngày một hung hăng của Bắc Kinh, Mỹ vẫn liên tục cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho họ. Nhưng ngày càng nhiều người hoài nghi về cam kết của Mỹ sau những gì Washington phản ứng với sự kiện Nga sáp nhập Crimea. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 21/4 bình luận, chuyến công du 4 nước châu Á tuần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama có một nhiệm vụ quan trọng, đó là dập tắt những nghi ngờ và lo lắng của các đồng minh đối với cam kết an ninh của Washington.
Trong khi Obama không đi thăm Trung Quốc, cái bóng của Bắc Kinh sẽ vẫn theo ông đến bất cứ nơi nào khi ông bắt đầu chuyến thăm 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines kể từ Thứ Tư này.
Trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực, Tổng thống Mỹ phải đối mặt với một loạt hành động nhằm mục đích chứng minh rằng "trục chiến lược châu Á - Thái Bình Dương" vẫn là một ưu tiên bất chấp những hạn chế về ngân sách.
Cái khó đặt ra đối với ông chủ Nhà Trắng là làm thế nào củng cố được niềm tin đối với đồng minh trong khu vực mà không làm hỏng quan hệ với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã thách thức độ tin cậy và vai trò lãnh đạo của Mỹ, học giả Ian Storey từ Singapore bình luận.
Các nhà phân tích cho rằng Washington sẽ không né tránh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày một hung hăng. Mối quan tâm với vấn đề này càng gia tăng khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, trong đó gặp rất ít kháng cự từ Mỹ, châu Âu và các tổ chức quốc tế.
Nếu các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước ở châu Á cảm nhận được phản ứng của Mỹ yếu ớt và không hiệu quả trong cuộc khủng hoảng Ukraine, họ có thể bị thúc đẩy theo đuổi chính sách đối đầu với các nước láng giềng của họ, Ian Storey cho biết. Các nước châu Á đang theo dõi phản ứng của Mỹ với vấn đề Ukraine một cách thận trọng.
Obama sẽ thăm 4 nước châu Á, không có Trung Quốc trong đó nhưng cái bóng của Bắc Kinh sẽ theo ông đến bất cứ đâu. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia đều có vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc. |
Mặc dù Mỹ lặp đi lặp lại cam kết nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, nhiều người Nhật Bản vẫn cảm thấy lo lắng về khả năng "bảo vệ" của Mỹ một khi nổ ra xung đột với Trung Quốc.
Trong khi đó Philippines đã công khai thách thức yêu sách lãnh thổ (vô lý, bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, một thỏa thuận cho phép sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ tại quốc gia này dự kiến sẽ được ký trong chuyến thăm của ông Obama.
Tuy nhiên có những quan điểm từ Manila tỏ ra hoài nghi về khả năng hiệp định này có thể cung cấp cho Philippines sự bảo đảm có ý nghĩa chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Richard Haydarian, một giảng viên khoa học chính trị từ đại học Ateneo De Manila bình luận: Thỏa thuận này sẽ cho phép sự hiện diện quân sự luân phiên nhiều hơn cũng như các hoạt động tập trận chung Mỹ - Philippines, nhưng nó sẽ chẳng đi đến đâu so với những gì Manila thực sự mong muốn, đó là tiếp cận các phần cứng quân sự của Mỹ cũng như một cam kết rõ ràng về việc giúp đỡ Philippines một khi nổ ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông.
Điều cuối cùng Washington mong muốn là vượt qua giới hạn đỏ, đó là khi Bắc Kinh nhìn thấy các đồng minh của Mỹ sử dụng vũ khí Mỹ đối phó với Trung Quốc. Các thành viên chính quyền Obama đều biết quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ song phương quan trọng nhất.
Gần đây các quan chức cấp cao của Mỹ đã tăng cường các tuyên bố hùng biện về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với khu vực, từ việc Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russel đặt câu hỏi về tính hợp pháp của đường lưỡi bò cho đến Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các nước láng giềng Đông Á.