Ồn ào khoản thu, môn học tự nguyện: Cứ xử lý nghiêm hiệu trưởng sẽ giảm tiêu cực

20/09/2024 06:46
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm học mới 2024-2025 mới bắt đầu nhưng đã "nóng" câu chuyện thu chi. Chuyên gia lo ngại tình trạng này sẽ khó kiểm soát nếu không chấn chỉnh ngay từ bây giờ.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh bức xúc của phụ huynh về các khoản thu vô lý và chia bình quân đầu học sinh tại một số trường học dù năm học mới 2024 - 2025 chỉ mới bắt đầu được hơn 2 tuần.

Ngoài ra, những môn học tự chọn, tăng cường cũng được nhà trường xếp xen vào thời khóa biểu chính khóa khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Đáng nói, giờ đến bậc học mầm non, các môn tự chọn nâng cao cũng được ồ ạt đưa vào. Mới đây các trang mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh về một trường mầm non ở huyện Đông Anh (Hà Nội) khi gửi mẫu phiếu đăng ký các môn học "bổ sung nâng cao" cho phụ huynh. Tuy nhiên, trong tiêu đề của bảng đăng ký này, người gửi còn ghi chú "khuyến khích" phụ huynh chọn đăng ký vào những môn có mức phí cao nhất.

Sau khi hình ảnh được đăng tải đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Dưới bài viết này, nhiều phụ huynh bình luận và bày tỏ sự chán ngán với các môn học trong danh sách. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng bày tỏ quan điểm rằng, với độ tuổi mầm non, có lớp các con mới chỉ chưa được 36 tháng nói còn chưa sõi thì việc phải đăng ký học thêm nhiều môn học như vậy tạo ra sức ép với nhiều học sinh.

Qua đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi để xảy ra các tình trạng như vậy, liệu người đứng đầu nhà trường có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không? Nếu có thì trách nhiệm đến đâu? Làm sao để có thể hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng này.

458291210_533870319045473_301276280703437596_n (1).png
Một mẫu đăng ký môn học nâng cao của một trường mầm non ở Hà Nội, người gửi còn ghi chú "khuyến khích phụ huynh chọn 3 môn đầu tiên. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, ngoài việc lạm thu đầu năm thì việc ồ ạt đưa ra các các môn học tự chọn, bắt phụ huynh phải đăng ký đã trở thành vấn nạn và cần sự quan tâm, sớm vào cuộc chấn chỉnh của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị quản lý giáo dục tại địa phương.

"Đã như một tiền lệ, cứ vào đầu năm học lại xảy ra thực trạng này. Các năm trước đó, đã có nhiều vụ việc đã được phanh phui và bị xử lý nhưng năm nay vẫn tái diễn lại. Về nguyên nhân của vấn nạn này, theo tôi chủ yếu là do sự quản lý còn lỏng lẻo.

Ngoài ra, nó còn thể hiện vai trò thiếu tích cực của hội phụ huynh học sinh tại trường đó. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục hiện nay, hội phụ huynh học sinh đóng vai trò đồng hành, chung tay cùng nhà trường trong việc hỗ trợ học tập cho con cái và là cầu nối giúp giải quyết những vướng mắc giữa nhà trường và gia đình.

Tuy nhiên, tại một số nơi hội phụ huynh lại hoạt động không chặt chẽ, thiếu quy chế cụ thể, nhất là trong kiểm soát nguồn thu, chi cũng như không có ý kiến với nhà trường khi thống nhất đưa vào các môn học tự chọn. Do đó, chưa phát huy đúng và trúng vai trò của một hội với tư cách vừa đồng hành, vừa giám sát", Phó Giáo sư Trần Hậu bày tỏ.

Ngoài ra, theo nhận định của vị này, việc quản lý của các cơ quan chức năng từ Bộ, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo của các địa phương với hoạt động công khai, minh bạch trong nhà trường về việc thực hiện các hoạt động tự nguyện hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề gây băn khoăn.

Qua đó vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh rằng, trong việc này vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục, đặc biệt là hiệu trưởng rất quan trọng. Vì thế, đối với việc thực hiện các hoạt động này cần gắn trách nhiệm hiệu trưởng với cơ sở đào tạo, có như thế mới phát huy hết vai trò người đứng đầu.

Theo đó, vị này đề cập đến việc, ngoài yêu cầu phải công khai, minh bạch việc thu chi các khoản thu xã hội hóa thì cũng cần quan tâm đến yếu tố đảm bảo tinh thần tự nguyện của phụ huynh khi yêu cầu đăng ký cho học sinh tham gia các môn học tự chọn, tăng cường trong nhà trường.

PGS Trần Hậu.jpg
Phó Giáo sư Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Vừa qua, chúng ta có thể thấy được hiệu ứng tích cực của việc công khai, minh bạch thông qua câu chuyện ủng hộ người dân chịu ảnh hưởng bão lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra. Khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố "sao kê" danh sách những người ủng hộ thì lập tức nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân.

Thậm chí sau đó, số lượng tiền ủng hộ vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn tăng vọt nhanh chóng. Điều đó để thấy rằng, với các khoản thu từ vận động tự nguyện, nếu được công khai, minh bạch thì sẽ có được lòng tin của người dân, từ đó việc huy động cũng dễ dàng và nhận được đồng thuận. Tương tự với các nhà trường cũng vậy, khi đã đáp ứng được tiêu chí công khai, minh bạch và nó dựa trên tinh thần tự nguyện thì cũng sẽ nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.

Đối với việc lựa chọn các môn học tăng cường, để không gây tâm lý bức xúc với phụ huynh, các nhà trường cũng phải chứng minh được lợi ích và hiệu quả của các môn học đó mang lại, từ đó mới đưa ra để phụ huynh lựa chọn. Và nên tổ chức thành câu lạc bộ để cháu nào thích thì đăng ký vào học sau giờ học chính khóa chứ không thể xếp lớp theo lớp học chính khóa như đa số các trường công đang làm", Phó Giáo sư Trần Hậu bày tỏ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, sẽ rất khó dẹp được việc nhà trường "đẻ" ra các khoản thu vô lý và đề ra nhiều môn học tự chọn gây sức ép, "bắt" phụ huynh đăng ký trong đầu năm học, nếu không chấn chỉnh được cách quản lý của người đứng đầu nhà trường.

Qua đó, Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh: "Nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí là sự "khởi xướng" của hiệu trưởng thì các giáo viên chủ nhiệm khó có thể tự mình để đưa ra các khoản thu. Đặc biệt là việc thu các khoản để học các môn tăng cường, nếu hiệu trưởng nhà trường không thông qua thì có giáo viên nào dám thực hiện.

Vì thế, đối với việc này, ngoài phải đảm bảo công khai, minh bạch, nếu có dư luận không tốt về việc nhà trường yêu cầu phải đóng các khoản tiền đăng ký học tăng cường nhưng không dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh thì các cơ quan quản lý giáo dục nên sớm vào cuộc xử lý.

Nếu đúng có sự việc ép buộc phụ huynh khi thực hiện các hoạt động tự nguyện thì nên truy cứu trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ sở giáo dục đó, đồng thời nên có hình thức xử phạt hoặc kỷ luật đủ sức răn đe, làm gương cho các cơ sở khác".

Vị cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, nếu cơ quan quản lý xác minh có sự ép buộc phụ huynh khi thực hiện các khoản thu tự nguyện thì nhất thiết phải truy cứu đến cùng trách nhiệm của những người có liên quan.

Vị này cho rằng, trước nay chưa có các chế tài xử phạt hoặc có những hình thức xử lý nhưng không đủ mạnh khiến cho tình trạng đầu năm học nào cũng thế, luôn xảy ra các mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường về các khoản thu và các môn học tự chọn được đưa ra để đăng ký.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Long – nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để kiểm soát tốt hơn đối với các thực trạng trên, rất cần cơ quan quản lý giáo dục bổ sung thêm các quy định, chế tài xử lý mạnh hơn. Đồng thời nên có thêm các kênh giám sát, hòm thư góp ý để phụ huynh có thể phản ánh đối với những trường học đang xảy ra tình trạng này.

GS nguyễn ngọc long.jpg
Giáo sư Nguyễn Ngọc Long – nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

"Trên thực tế tôi đã từng thấy có rất nhiều phụ huynh khi nhà trường yêu cầu đóng tiền cho các khoản thu vô lý và đăng ký môn học nâng cao đối với con họ không cần thiết, họ rất bức xúc nhưng nhiều người trong số họ vẫn "chấp nhận" làm theo vì sợ con bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đối với việc nắm bắt tâm lý phụ huynh, hiện nay các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương vẫn chưa xây dựng được các kênh thông tin để phụ huynh phản ánh tâm tư của mình trước thực trạng này.

Thậm chí một số nơi cũng có hòm thư góp ý, tuy nhiên khi phụ huynh phản ánh lên thì họ còn coi đây là kênh để nắm bắt sơ hở, đồng thời còn tìm cách điều tra danh tính của phụ huynh thay vì xử lý vấn đề. Từ đó, niềm tin của phụ huynh với những kênh thông tin phản ánh tiêu cực trong trường học cũng dần mất đi.

Vì thế, để không ảnh hưởng đến việc học hành của con cái họ thì họ chỉ còn biết âm thầm chịu đựng những ấm ức. Có người dù điều kiện kinh tế không đủ để chạy theo các khoản thu đó nhưng cũng phải cố gồng gánh", Giáo sư Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

Qua đó, vị Giáo sư này cho rằng, khi đã làm tốt việc xây dựng kênh thông tin nắm bắt tâm tư của phụ huynh thì cần bổ sung thêm các quy định rõ ràng về xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường liên quan đến việc này.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng, ngoài xử phạt hành chính thì có thể tính đến các phương án kỷ luật, thậm chí là đình chỉ chức vụ nếu trong trường học đó có nhiều khoản thu ép buộc, vô lý gây xáo trộn tâm lý phụ huynh.

Phúc Khang