Phạm Văn Đình, thủ khoa Đại học Bách Khoa với 29 điểm. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kim Sơn, học tập tại Trường THPT Yên Khánh A, Phạm Văn Đình đã trở thành niềm tự hào của quê hương Ninh Bình. Hiện nay Đình đang học lớp kỹ sư Tài năng- Công nghệ Thông Tin K56 Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Phạm Văn Đình đã trở thành niềm tự hào của quê hương Ninh Bình |
Đam mê những con số
Đình thích học khối A bởi cậu bạn là người đam mê những con số. Đình chia sẻ: “Không hiểu sao những con số khô khan, vô chi ấy lại có sức mê hoặc em đến kỳ lạ”. Có phải thế mà những con số trong thành tích học tập của Đình cũng rất đáng nể. Năm học lớp 9 và lớp 12, Đình đã đoạt giải nhất HSG cấp tỉnh môn giải Toán trên máy tính cầm tay. Năm lớp 12, Đình đoạt giải nhất HSG môn toán cấp tỉnh với số điểm ấn tượng 19.75/20 điểm. Trong kỳ thi HSG quốc gia Đình đoạt giải nhì môn toán. Cậu bạn cũng được lựa chọn đội tuyển tập huấn thi HSG Toán quốc tế.
Đình bắt đầu và liên tục được giải toán cao từ năm học lớp 7. Đình tâm sự: “Thầy Quân dạy toán năm lớp 8 là người đã truyền cảm hứng, đam mê môn toán cho em”. Khi vào trường cấp III THPT Yên Khánh A, cả 3 năm học Đình đều được cô giáo Bùi Ngọc Lan dạy toán. Cô là cô giáo nổi tiếng dạy giỏi, có nhiều kinh nghiệm đã giúp đỡ Đình rất nhiều, từ việc hướng dẫn đọc sách tham khảo đến những phương pháp giải nhanh. Đình kể lại: “Năm lớp 11 em tham gia cuộc thi giải toán trên máy tính của chương trình lớp 12 cấp tỉnh. Cô Lan đưa cho em quyển sách toán lớp 12. Em chỉ đọc trong vài ngày, sau đó hai cô trò ngồi ôn lại kiến thức”. Cuộc thi đó Đình đã đoạt giải nhất: “Em rất vui vì mình không làm buồn lòng bố mẹ, thầy cô ”.
Vừa học vừa chơi
Khi học, Đình là người cực kỳ nghiêm túc nhưng em tự nhận mình không phải là “mọt sách”. Ngoài thời gian học, Đình còn dành nhiều thời gian cho chơi. Khi được hỏi về bí quyết của mình, Đình chia sẻ: “Em cũng học như mọi người thôi”. Giống như bao thí sinh khác trong mùa Thi, Phạm Văn Đình lo lắng và cảm thấy áp lực nhưng em không bao giờ tự tạo cho mình sức ép nặng nề. Trong thời gian ôn thi Đình vẫn dành thời gian chơi thể thao, nghe nhạc, xem ti vi. Phạm Văn Đình tâm sự: “Lên lớp em lắng nghe lời thầy cô giảng nhằm tiếp thu chắc kiến thức. Về nhà em chăm chỉ làm bài tập để kiến thức được sâu và rộng. Thường em chỉ dành thời gian học vào buổi chiều. Buổi tối em chỉ học một lúc rồi đi xem phim”.
Theo Đình, tâm lý trước và trong khi thi rất quan trọng. Em chia sẻ: “Trước khi bước vào các kỳ thi em không học quá nhiều để tránh căng thẳng. Em luôn cân bằng thời gian giữa việc học và chơi”.
Áp dụng vào thực tế
Đình tâm sự: “Nói bí quyết thì hơi to tát nhưng em luôn xác định mục tiêu rõ ràng, tạo cảm hứng trong học tập. Khi gặp những khó khăn phải kiên trì vượt qua”. Một trong những cách “tạo cảm hứng” với Đình là áp dụng môn học với thực tế. Môn lý là môn học luôn gắn liền với thực thế, do đó có thể nhớ kiến thức trong sách giáo khoa bằng cách áp dụng với cuộc sống xung quanh. Ví dụ như bài gương phẳng giúp ta giải thích được vì sao khi soi một trang giấy qua gương ta cũng thấy một trang giấy nhưng chữ trên trang giấy lại bị ngược.
Ước mơ của Đình là trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin tài giỏi. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Đình luôn cố gắng với ước mơ của mình. Em tâm sự: “Người nghèo nhất không phải là người không có tiền mà là người không có ước mơ”.
Phạm Văn Đình và thầy Lê Quốc Trưởng (Hiệu phó) Trường THPT Yên Khánh A |