Rappler, Philippines ngày 12/5 đưa tin, Ủy ban Công lý Hạ viện nước này sẽ tổ chức một buổi điều trần vào 9h 30 phút sáng thứ Hai tới, ngày 15/5 để điều trần về đơn kiện Tổng thống Rodrigo Duterte xem có đảm bảo đầy đủ về hình thức, nội dung hay không.
Tháng 3 năm nay, nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano thuộc phe đối lập đã đệ trình đơn kiện chống lại Tổng thống Rodrigo Duterte với 3 cáo buộc:
Một là tham gia vào tổ chức Tử hình Davao với cuộc chiến đẫm máu chống ma túy, với các nhân viên "ma" của chính quyền Davao khi ông Duterte còn là Thị trưởng.
Hai là tài sản không giải thích được của ông Rodrigo Duterte và ba là cách tiếp cận của Tổng thống với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Nhà lập pháp Gary Alejano và bản sao đơn kiện Tổng thống Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar. |
Hội đồng điều trần do Hạ nghị sĩ Reynaldo Umali đại diện quận Oriental Mindoro chủ trì. Umali là một đồng minh của Tổng thống.
Nếu Ủy ban có đa số phiếu tán thành đơn kiện đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý về hình thức và nội dung, một dự thảo nghị quyết chính thức của Hạ viện sẽ được đưa ra trong phiên họp toàn thể.
Chỉ cần ít nhất 1/3 số ghế Hạ viện hoặc 97 Hạ nghị sĩ khẳng định các cáo buộc này có cơ sở, vụ kiện sẽ được chuyển lên Thượng viện để tiến hành một cuộc bỏ phiếu do Chủ tịch Thượng viện chủ trì.
Nếu 2/3 số phiếu của tất cả các thành viên Thượng viện thông qua các cáo buộc này, Thượng viện Philippines sẽ phế truất ghế Tổng thống của ông Rodrigo Duterte.
Trong trường hợp Ủy ban Công lý Hạ viện không đủ đa số phiếu (trên 50%?) tán thành đơn kiện, Ủy ban Công lý Hạ viện sẽ bác bỏ đơn kiện. [1]
Cá nhân người viết cho rằng, việc Ủy ban Công lý Hạ viện Philippines xem xét đơn kiện Tổng thống của nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano cho thấy sự thượng tôn pháp luật, Tổng thống cũng không thể đứng trên pháp luật.
Còn khả năng đơn kiện này có được Quốc hội Philippines chấp thuận hay không thì cần phải chờ xem. Nhưng về chủ quan người viết cho rằng, mong muốn và mục tiêu của nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano khó thành sự thật. Bởi lẽ:
Cán cân Trung-Mỹ đang dịch chuyển và bài toán cho các nước ven Biển Đông |
Thứ nhất, cáo buộc của ông Magdalo Gary Alejano về chiến dịch chống ma túy của ông Rodrigo Duterte hồi còn làm Thị trưởng Davao cũng như khi vào Điện Manacanang khó đi đến đâu, bởi chính nó đã không ngăn được Duterte trở thành Tổng thống Philippines trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Vấn nạn ma túy và tội phạm đã trở nên nghiêm trọng ở Philippines, dân chúng nước này cần có một bàn tay sắt để lập lại trật tự. Có lẽ đây cũng là một trong những lĩnh vực ông Duterte ghi điểm khi tranh cử.
Thứ hai, cáo buộc về "tài sản không rõ nguồn gốc" cũng dễ bị các đối thủ chính trị lôi ra từ khi ông Duterte còn vận động tranh cử, chứ không phải đến khi đã trở thành Tổng thống mới bị "soi".
Trong trường hợp ông Magdalo Gary Alejano mới phát hiện ra những bằng chứng ông cho là thuyết phục về sự "bất minh" ấy, Ủy ban Công lý Hạ viện Philippines sẽ có câu trả lời.
Vấn đề còn lại phụ thuộc vào lập luận, bằng chứng ông Magdalo Gary Alejano đưa ra.
Thứ ba, việc xử lý quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, người viết cho rằng đang là một thành công của ông Rodrigo Duterte hiện nay.
Chúng tôi đã nhiều lần phân tích về sự khéo léo của ông Duterte trong chính sách đối ngoại với 2 siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
Mới nhất, CNN ngày 12/5 đưa tin, trong khi ông Rodrigo Duterte đến Trung Quốc tham dự hội thảo quốc tế về sáng kiến "Một vành đai, một con đường" sẽ khai mạc ngày mai 14/5, theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Philippines bắt đầu đưa nhân lực và vật liệu xây dựng ra đảo Thị Tứ mà họ kiểm soát ở Trường Sa.
Đây là các hoạt động củng cố, nâng cấp sân bay, xây dựng cầu cảng, cảng cá và cơ sở hạ tầng trên đảo. [2]
Xin lưu ý rằng, Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiện Trường Sa là đối tượng Trung Quốc, Đài Loan nhảy vào tranh chấp toàn bộ, Philippines, Malaysia, Brunei yêu sách một phần.
Trừ Brunei, các bên còn lại đang chiếm đóng trái phép một số cấu trúc, tạo ra tranh chấp đa phương về chủ quyền quần đảo này.
Trước đó, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác lập và duy trì chủ quyền một các hòa bình, hợp pháp và liên tục ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17 và hoàn toàn không có tranh chấp.
Tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ bàn về hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng của Philippines trên đảo Thị Tứ trong mối tương quan với Trung Quốc để làm sáng rõ hơn chiến lược của ông Rodrigo Duterte với Bắc Kinh.
Kế hoạch cải tạo Thị Tứ có từ thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III, nhưng liên tục bị trì hoãn.
Ông Aquino cho khởi động vụ kiện trọng tài chống lại việc Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Khủng hoảng Triều Tiên mang lại cơ hội cho ông Rodrigo Duterte và Biển Đông |
Quyết định và những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Tổng thống Aquino đã mang về chiến thắng pháp lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cả Philippines, khu vực và Công ước bằng Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016.
Nhưng mặt trái trong chính sách của ông Aquino là đẩy quan hệ Philippines - Trung Quốc rơi xuống đáy, mọi kênh liên lạc bị đình trệ.
Nền kinh tế, doanh nghiệp, nông dân và ngư dân Philippines trở thành nạn nhân của các đòn trừng phạt từ Trung Nam Hải mà Điện Manacanang không có cách nào hóa giải.
Ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền đã rất nỗ lực hóa giải cục diện khó khăn về đối ngoại của Philippines hậu Phán quyết Trọng tài.
Trong khi đó Liên Hợp Quốc chưa có cơ chế thi hành án đối với những phán quyết trọng tài như thế này, luật pháp quốc tế vẫn đang ít nhiều bị chi phối, thậm chí bẻ cong bởi các thế lực chính trị siêu cường toàn cầu.
Các nước nhỏ như Philippines đang nằm giữa vùng cạnh tranh gay gắt bởi 2 siêu cường Mỹ - Trung chỉ còn cách thích nghi để tồn tại, thì mới mong phát triển.
Scarborough thì đã bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát năm 2012 trong khi đồng minh Hoa Kỳ chẳng làm gì để ngăn chặn, ngư dân Philippines trong 5 năm qua không thể tiếp cận ngư trường truyền thống của họ, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Nhưng điều này đã tạm thời kết thúc sau chuyến đi Trung Quốc tháng 10/2016 của ông Duterte.
Thay vì các đòn trừng phạt kinh tế, Trung Quốc đang mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư thương mại, du lịch với Philippines và nhập khẩu nông sản của nước này.
Cũng chỉ có cách đối thoại và hợp tác với Trung Quốc mới giúp ông Duterte tạm thời ngăn được bước chân quân sự hóa của Trung Quốc ở Scarborough, và giữ được hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cho dù Bắc Kinh đã thắng trong việc tạo ra được một "trạng thái bình thường mới" có lợi cho họ.
Trong bối cảnh tương quan lực lượng quá chênh lệch, đồng minh hiệp ước chỉ muốn biến Philippines thành tiền đồn hoặc đẩy quốc gia này ra đương đầu với Trung Quốc, người viết cho rằng lựa chọn của ông Duterte là đúng đắn, khôn ngoan.
Vì thế, việc Philippines tăng cường củng cố cơ sở hạ tầng tại đảo Thị Tứ trong lúc ông Duterte đang ở Bắc Kinh dự hội thảo về Một vành đai, một con đường là một phép thử khôn ngoan, hoặc là "chớp thời cơ" của ông chủ Điện Manacanang.
Trung Quốc có phản ứng thì cũng sẽ không thể manh động như khi ông Duterte còn đang ở nhà, huống hồ ông đang là đối tượng được cả Nhà Trắng lẫn Washington muốn tác động, lôi kéo.
Vì vậy, cá nhân người viết cho rằng, vụ kiện của nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano được Ủy ban Công lý Hạ viện Philippines xem xét, tổ chức điều trần theo luật định chỉ cho thấy sự thượng tôn pháp luật;
Cũng như những mối quan tâm và ý kiến khác nhau trong xã hội hay chính giới về các vấn đề quốc gia đại sự, ví như quan hệ đối ngoại hay bảo vệ quyền lợi quốc gia đã được Quốc hội nước này lắng nghe và xử lý thỏa đáng theo trình tự luật pháp quy định.
Người viết dự đoán, khả năng đơn kiện của ông Magdalo Gary Alejano vượt qua vòng 1 tại Ủy ban Công lý Hạ viện để tiến vào vòng trong không cao.
Khả năng Tổng thống Rodrigo Duterte bị luận tội hay phế truất vì các cáo buộc này càng không lớn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.rappler.com/nation/169632-house-hearing-duterte-impeachment-complaint
[2]http://edition.cnn.com/2017/05/12/asia/philippines-south-china-sea-pagasa/