Nikkei Asian Review ngày 15/1 bình luận, việc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un quyết định "thử bom nhiệt hạch" hôm 6/1 là chiến thuật mô phỏng Mao Trạch Đông, động thái nhằm dọn đường cho một bước chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: SCMP. |
Theo dấu chân Mao Trạch Đông
Tháng Giêng năm 2015, Yu Min, một nhà vật lý hạt nhân 89 tuổi được mệnh danh là cha đẻ bom nhiệt hạch của Trung Quốc đã nhận được giải thưởng quốc gia về khoa học công nghệ từ ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh.
Trong thời Mao Trạch Đông, khi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên, tên của nhà khoa học chế tạo ra nó đã được giữ bí mật vì lý do an ninh. Chỉ một năm sau khi Yu Min được vinh danh, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch.
Vụ thử "bom nhiệt hạch" của Bifnh Nhưỡng hôm 6/1 đã tạo ra "vụ nổ sóng xung kích" trên toàn thế giới và châm ngòi cho những lên án gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Ngày 11/1, KCNA đưa tin ông Kim Jong-un đã mời các nhà khoa học góp phần vào vụ thử bom nhiệt hạch tới trụ sở đảng Lao động Triều Tiên để biểu dương và chụp ảnh lưu niệm.
Một chuyên gia Trung Quốc giấu tên nói rằng, Kim Jong-un có thể đã học theo cách Trung Quốc đã làm. Một chuyên gia Trung Quốc khác nhận xét, Kim Jong-un nhận thức được rằng, Mao Trạch Đông đã thúc đẩy sự phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngay cả trong tình trạng nước này đang hỗn loạn vì Cách mạng Văn Hóa.
Cả hai người đồng ý rằng, Kim Jong-un đang sao chép chiến thuật của Mao Trạch Đông, từ kiểu tóc cho đến tham vọng hạt nhân. Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 1964 trong khi Bắc Triều Tiên làm việc này lần đầu năm 2006.
Trung Quốc thử bom nhiệt hạch lần đầu tiên năm 1967, trong khi Triều Tiên vừa tuyên bố làm điều này đầu tháng Giêng 2016. Trung Quốc đã thực hiện hơn 40 vụ thử hạt nhân suốt thập niên 1990 trên vùng sa mạc gần Lop Nur ở Tân Cương.
Hiển thị sức mạnh trong bối cảnh bị cô lập quốc tế chính xác là những gì Trung Quốc đã làm dưới thời Mao Trạch Đông và Bắc Triều Tiên đang làm hiện nay, dưới thời Kim Jong-un.
Ông Mao Trạch Đông, ảnh: Nikkei Asian Review. |
Hổ giấy và hổ thật
Trước khi Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, Mao Trạch Đông vẫn gọi Hoa Kỳ là "hổ giấy". Nhưng đối mặt với mối đe dọa hạt nhân khi thấy Washington có thể nhấn nút bất cứ lúc nào, ví dụ như trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, Mao Trạch Đông quyết định đã đến lúc phải bắt tay vào chế tạo vũ khí hủy diệt này.
Trong thập niêm 1960, chương trình hạt nhân của Trung Quốc vẫn được phát triển đều đặn bất chấp sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Thời gian này, Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển các tên lửa đạn đạo Cự Lãng -1 cho tàu ngầm.
Năm 1970, Trung Quốc đã sở hữu "3 vật báu" gồm 1 quả bom nguyên tử, 1 quả bom nhiệt hạch và một vệ tinh, tăng cường đáng kể sức mạnh để ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc năm 1972 sau một loạt các cuộc đàm phán bí mật giữa hai nước mà Henry Kissinger tham gia.
Chuyến đi xuyên Thái Bình Dương diễn ra 5 năm sau khi Bắc Kinh thử quả bom nhiệt hạch đầu tiên của họ. Phá vỡ những gì từ lâu được xem là cấm kị, Trung Quốc tiến lại phía Mỹ trong khi quan hệ với Liên Xô xấu đi. Bắc Kinh cùng bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản năm 1972.
Ngày nay Kim Jong-un dường như cũng bước theo Mao Trạch Đông trong chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ. Ông đẩy cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao bằng một loạt các hành động khiêu khích, bao gồm vụ thử bom nhiệt hạch gần đây, để thu hút sự chú ý từ Washington.
Mục tiêu cuối cùng của Kim Jong-un là đưa Mỹ vào bàn đàm phán, bình thường hóa quan hệ song phương, sau đó buộc Mỹ phải đảm bảo không lật đổ chế độ ở Bắc Triều Tiên. Ông Kim Jong-un cũng có thể nghĩ đến việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản.
Quyền lực tuyệt đối
Việc kiểm soát tuyệt đối với Bắc Triều Tiên của nhà lãnh đạo trẻ, bao gồm việc thanh trừng người chú rể Jang Song-thaek cuối năm 2012 khiến người ta nhớ đến phong cách của Mao Trạch Đông đối với nhiều quan chức cấp cao đường thời, điển hình như Lưu Thiếu Kỳ.
Vụ Bắc Triều Tiên hành quyết ông Jang Song-thaek cũng gây chấn động dư luận. Ảnh: The Guardian. |
Nikkei Asian Review tin rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay cũng đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng mà ông gọi là đả hổ, đập ruồi như một công cụ trong cuộc đấu tranh quyền lực với ông Chu Vĩnh Khang và nhiều đối thủ khác để củng cố quyền lực của mình.
Tuy nhiên Chu Vĩnh Khang đã được tha mạng. Nửa thế kỷ sau khi Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, ông Tập Cận Bình bây giờ ở thế mạnh hơn nhiều để theo đuổi mục tiêu chính trị của mình.
Tuy nhiên những diễn biến căng thẳng mới đây trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch có thể khiến ông Bình lúng túng.
Ông Kim Jong-un đã biết tận dụng tối đa điểm yếu của Trung Quốc trong quan hệ với Triều Tiên. Bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ không để chính quyền của ông sụp đổ, bởi Triều Tiên chính là bức bình phong che chắn cho Trung Quốc ở phía Đông Bắc.
Nếu để xảy ra việc Hàn Quốc thống nhất Triều Tiên, thì các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ sẽ áp sát nách Trung Quốc. Ngoài ra chưa kể đến bạo loạn ở Triều Tiên có thể gây ra làn sóng dân tị nạn đổ dồn sang Đông Bắc Trung Quốc, vũ khí hạt nhân có thể lọt vào tay các thế lực đối thủ của Bắc Kinh.
Ngày 10/1, Triều Tiên phát sóng bộ phim tài liệu khá dài tổng kết các hoạt động của ông Kim Jong-un trong năm 2015. Tuy nhiên những gì được coi là dấu hiệu khôi phục quan hệ Trung - Triều gần đây đã bị cắt bỏ.
Hình ảnh ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc được phái sang dự duyệt binh tại Bình Nhưỡng tháng 10 năm ngoái đã bị cắt bỏ khỏi cảnh quay. Người đã nắm tay ông Kim Jong-un trước đông đảo dân chúng và binh lính Triều Tiên tại quảng trường.
Do đó hiện nay dư luận đang đặc biệt quan tâm theo dõi xem Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào về vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch, một động thái được xem như cú đánh vỗ mặt Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng gần 10 ngày trôi qua, người ta vẫn thấy Trung Nam Hải đang án binh bất động.