Không thể phủ nhận hiệu quả từ các dự án BOT giao thông mang lại trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp.
Việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) đầu tư vào hạ tầng giao thông là cần thiết hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những lùm xùm và bức xúc kéo dài của người dân gần đây xung quanh những trạm thu phí đường bộ khiến dư luận bức xúc đó là tính minh bạch của các dự án này đến đâu.
Có những chủ đầu tư BOT giao thông gian dối, muốn thu phí cao |
Vấn đề được nhiều người dân quan tâm hiện nay đó là cần làm rõ tính minh bạch của các trạm thu phí BOT, các trạm thu phí đường bộ bằng hình thức khác hiện nay đến đâu, bao giờ có thể công khai để người dân giám sát.
Một vụ việc hy hữu gần đây xảy ra vào sáng mùng 3 Tết, hai đối tượng nghi là dùng súng, dao, roi điện uy hiếp 3 nhân viên trạm thu phí Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cướp số tiền lớn trên 2 tỷ đồng, số tiền thu được từ một ca.
Đáng chú ý, từ vụ việc này đã hé lộ con số bất ngờ một ngày thu phí toàn tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khiến nhiều người choáng.
Một ngày bình thường, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thu phí toàn tuyến từ 3,3 - 3,4 tỷ đồng, riêng những ngày cao điểm như dịp lễ, tết số tiền lớn hơn nhiều khoảng từ 5 đến 6 tỷ đồng..
Một dự án BOT giao thông được dư luận quan tâm thời gian qua là BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng nhiều vấn đề bất minh.
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được thực hiện bởi liên danh gồm 3 nhà đầu tư, nhưng chính nội bộ 3 nhà đầu tư này từng xảy ra mâu thuẫn về khoản thu 1,2 tỷ đồng hay 2,5 tỷ đồng hay 3,5 tỷ đồng một ngày.
Không tìm được tiếng nói chung trong việc minh bạch nguồn thu, một trong 3 nhà đầu tư đã tự lắp camera để giám sát độc lập lưu lượng, chủng loại xe trên tuyến.
Như vậy có thể thấy bản nhân những nhà đầu tư còn tranh cãi thu 1,2 tỷ hay 2, 5 tỷ hay là 3 tỷ/ngày, vậy các cơ quan quản lý, người dân không có các phương pháp kiểm tra, kiểm soát sắc bén, bí mật, kỹ thuật tốt sao xác định được bao lưu lượng xe một ngày họ thu bao tiền.
Bởi vậy, tính minh bạch tài chính ở các dự án đầu tư BOT giao thông làm sao đảm bảo khi thiếu sự giám sát cần thiết.
Về phía bộ Giao thông Vận tải từng thông tin, thu phí BOT giao thông có 4 cơ quan kiểm soát: thứ nhất là bản thân nhà đầu tư, thứ hai là Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan thứ ba chính là các cơ quan thuế, thứ tư là các ngân hàng thương mại.
Không chỉ tính minh bạch, một số dự án thời gian qua gây bức xúc dư luận là cách làm ăn gian dối khi tráng men một lớp nhựa, sửa chữa qua loa đường quốc lộ do nhà nước đầu tư trước đó rồi tiến hành đặt trạm thu phí.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chỉ "tráng men" con đường nhà nước đã đầu tư, nhưng vẫn đặt trạm BOT thu phí. Ảnh: Vũ Phương. |
Ngoài tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội – Bắc Giang cũng là một ví dụ điển hình “tráng men” đường nhà nước làm rồi đặt trạm thu phí. Nói là đường cao tốc, nhưng thực chất xe máy, ô tô lưu thông cùng nhau rất nguy hiểm.
Đáng nói, cách thu phí theo kiểu cứ đi 1km như đi 45km toàn tuyến với giá 35.000 đồng đối với ô tô con cũng khiến cánh tài xế bức xúc như bị móc túi.
Về nguyên tắc, BOT thu tiền khi có sử dụng đường, tức là đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Nhưng tuyến đường này áp dụng cách thu phí rất lạ đi nhiều ít đều đồng giá.
Ví dụ, nếu ô tô con dưới 9 chỗ có đi Đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh) dù chỉ 1km đường đường Hà Nội - Bắc Giang hoặc đi thành phố Bắc Ninh chỉ vài km... vẫn phải nộp đủ tiền cả tuyến.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Thu phí BOT giao thông theo kiểu tùy tiện, thiếu căn cứ như một số tuyến đường BOT là nguyên nhân đáng kể đẩy giá thành, chi phí kinh doanh tại Việt Nam tăng.
Bởi, phí BOT làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Loại phí này cũng làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của nước ta.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực thì phí BOT là vấn đề trở ngại, gây khó cho doanh nghiệp Việt”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể chấp nhận BOT giao thông chỉ tráng men từ đường nhà nước làm rồi đặt trạm thu phí. Ảnh: Vũ Phương. |
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng chỉ rõ: “Vấn đề kêu gọi đầu tư BOT giao thông chúng ta chưa có khung pháp lý, thiếu sự giám sát cần thiết đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Khoản thu lớn như thế mà không được giám sát là thiếu xót quan trọng và đáng trách của cơ quan quản lý nhà nước ở đây là Bộ Giao thông Vận tải.
Từ vụ cướp tiền ở trạm thu phí thuộc cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bộc lộ rất nhiều vấn đề.
Qua đó, cần phải kịp thời điều chỉnh, giám sát vấn đề thu tại các trạm thu phí đường bộ theo hướng công khai, minh bạch để người dân, xã hội cùng giám sát”.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ sự hoan nghênh trước nỗ lực của một số tổ chức xã hội khi tình nguyện giám sát trực 24/24 tại một số trạm BOT để đếm số xe lưu thông qua.
Qua việc làm của các tổ chức tình nguyện, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán xem thực sự các dự án BOT thu chi ra sao.
“Đường quốc lộ trước đây nhà nước đã bỏ tiền ra làm, sau đó chủ đầu tư chỉ việc tráng men một lớp nhựa rồi thu phí như làm đường mới thì làm sao chấp nhận được. Cần phải làm rõ có hay không lợi ích nhóm ở đây.
Phải công khai, minh bạch các tuyến đường BOT để người dân, xã hội giám sát. Có giám sát được thì việc thu phí tại các trạm BOT mới đảm bảo tính đúng và đủ”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Mức thu phí BOT đường bộ như hiện nay rất mù mờ, chúng ta cũng không có căn cứ để giảm sát.
Điều cần thiết là phải biết doanh nghiệp đầu tư bao nhiều làm đường BOT, con số thực chi bao nhiêu như thế mới có căn cứ tính toán ra mức phí họ thu là hợp lý và bao lâu. Còn như hiện nay mức thu không xác nhận được".
Một lần nữa ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Người dân, doanh nghiệp đang phải trả khoản phí BOT đường bộ ngoài sức chịu đựng. Điều này sẽ tác động đáng kể đến doanh nghiệp.
Bởi, phí BOT sẽ tác động đến giá thành sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, khả năng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp Việt. Thậm chí, còn quyết định đến sự phát triển hay phá sản của doanh nghiệp.
Bởi vậy, tính công khai, minh bạch các dự án BOT giao thông từ khâu đầu tư đến khi vận hành, thu phí để người dân, xã hội giám sát là yêu cầu cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội”.