Ông Phan Trung Lý cho biết, UB soạn thảo sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 đã tổng hợp được 6 nhóm ý kiến khác nhau về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị làm rõ khái niệm phân biệt “quyền con người” và “quyền công dân” trong Hiến pháp. Quan điểm của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quyền con người là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra, còn quyền công dân cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là vị thế pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước, được nhà nước bảo đảm đối với công dân của nước mình.
“Chỉ những người có quốc tịch mới được hưởng quyền công dân ở quốc gia đó, thí dụ như việc bầu cử, tự ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước… làm rõ sự khác biệt này, tham khảo các công ước quốc tế về quyền con người và hiến pháp các nước, dự thảo đã sử dụng từ “mọi người” “không ai” để thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định quyền của công dân”, ông Lý nói.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội. |
Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị xem lại cách quy định quyền con người và quyền công dân, chia quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau. UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, quyền con người – quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau. Vì vậy, dự thảo không thể tách bạch quyền con người và quyền công dân thành các mục riêng, mà quy định theo kết cấu của các công ước quốc tế về quyền con người.
Loại ý kiến thứ ba: Đề nghị xác định rõ trách nhiệm của nhà nước và những bảo đảm của nhà nước để đặc quyền trong hiến pháp có tính hiện thực và khả thi. “Về nội dung này, UB soạn thảo sửa đổi hiến pháp dự kiến trình Quốc hội chỉnh sửa các điều khoản để làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước, trong việc vừa ghi nhận quyền con người, quyền công dân, vừa thể hiện trách nhiệm bảo đảm của nhà nước”, ông Lý cho hay.
"Kinh tế gặp khó khăn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước"
PTT Nguyễn Xuân Phúc nói về 6 điểm hạn chế của nền kinh tế - xã hội
Đề nghị không đổi tên nước, không xây dựng Luật về lãnh đạo của Đảng
Loại ý kiến thứ tư: Về cơ bản quyền con người không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế thì phải chỉ rõ cơ sở và chỉ hạn chế quyền con người theo quy định của luật.
Về điểm này, ông Phan Trung Lý cho biết, theo công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị năm 1966 và công ước quốc tế về các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa năm 1966 của Liên Hiệp Quốc, một số quyền có thể bị giới hạn vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác. Như vậy, tùy vào từng quyền mà việc giới hạn quyền được quy định cho phù hợp.
“UB soạn thảo sửa đổi hiến pháp đã chỉnh sửa, trình Quốc hội Điều 15 khoản 2, làm rõ hơn lý do và những trường hợp có thể hạn chế quyền, khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền. Do đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết, trong trường hợp khẩn cấp, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”, ông Lý nhấn mạnh.
Loại ý kiến thứ năm: Đề nghị xác định rõ trường hợp nào việc thực hiện quyền theo quy định của luật và trường hợp nào thì theo quy định của pháp luật để tránh sự lạm dụng vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền, bảo đảm nguyên tắc quyền do hiến pháp và luật quy định.
Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội lý giải, hệ thống pháp luật của Việt Nam gồm nhiều văn bản khác nhau do các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ban hành, từ hiến pháp, luật, nghị quyết của quốc hội, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND.
Quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là những nội dung rất quan trọng liên quan trực tiếp đến con người, công dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ có thể quy định trong hiến pháp mà không thể quy định trong pháp luật nói chung. Khi đã quy định trong hiến pháp thì đã có hiệu lực thi hành, tuy nhiên để thực hiện một số quyền thì pháp luật phải có một số quy định cụ thể.
“UB soạn thảo sửa đổi hiến pháp đã rà soát từng điều trong chương 2 để thể hiện trường hợp nào thì theo quy định của luật tại các điều 22, 23, 23a, 38 và 40. Trường hợp nào thì theo quy định của pháp luật tại các điều 24, 26, 31 và 32”, ông Lý cho biết.
Loại ý kiến thứ sáu: Cần làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ với quyền. Về vấn đề này, UB soạn thảo Hiến pháp cho rằng ý kiến hợp lý nên đã rà soát bổ sung để trình Quốc hội quy định về nghĩa vụ các điều 41, 42, 46, 47, 48, 49 và 50. Mặt khác, một số điều khoản khác trong dự thảo đã quy định về việc nghiêm cấm lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm hay vi phạm. Những quy định này thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Ông Phan Trung Lý cũng cho biết: “Có ý kiến làm rõ nội dung của quyền sống tại điều 21, vì hiện ở Việt Nam vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai được tước đoạt tính trạng trái pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với công ước quốc tế và tình hình cụ thể của Việt Nam khi mà nước ta vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của luật hình sự”.