South China Morning Post ngày 4/8 đưa tin, Bắc Kinh hôm thứ Bảy đã tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) ở Biển Đông, nhấn mạnh "Mỹ vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất trong khu vực".
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra bên lề Diễn đàn Đông Á tại Singapore, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết sẽ rót 300 triệu USD để tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khoản đầu tư này là một phần nỗ lực của Washington chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng giới phân tích cho rằng số tiền này quá ít ỏi để có tác động thực sự.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Getty Images. |
Hôm thứ Sáu 2/8, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp đặt thuế suất từ 5% đến 25% với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ để phản ứng lại với quyết định Mỹ đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Mike Pompeo giải thích rằng, thuế quan của Mỹ là một phần nỗ lực để Washington điều chỉnh chính sách thương mại bất bình đẳng với doanh nghiệp và công nhân Mỹ.
300 triệu USD hỗ trợ của Hoa Kỳ sẽ được sử dụng để thúc đẩy các ưu tiên của Mỹ, đặc biệt là tăng cường an ninh hàng hải, phát triển hỗ trợ nhân đạo và khả năng gìn giữ hòa bình.
Mike Pompeo cho biết, ông đã thảo luận vấn đề quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông và tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ với khu vực và các nước ASEAN.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục đổ lỗi cho Hoa Kỳ cố khuấy động rắc rối trong khu vực. Đồng thời ông mỉa mai con số 300 triệu USD mà người đồng cấp Mike Pompeo tuyên bố:
"Hoa Kỳ là siêu cường thế giới với GDP 16 ngàn tỷ USD. Vì vậy khi lần đầu tiên nghe được con số 113 triệu USD, tôi nghĩ rằng có thể mình nghe nhầm.
Nó ít nhất phải nhiều hơn thế 10 lần với một siêu cường, 1,3 tỉ USD, thậm chí là 13 tỷ USD cũng chưa phải quá nhiều."
113 triệu USD là con số ông Mike Pompeo tuyên bố lúc đầu, trên đường sang Singapore dự hội nghị. 300 triệu USD là con số ông công bố tại Diễn đàn Đông Á ở Singapore. [1]
Chúng tôi cho rằng, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục, nhưng khó có diễn biến đột biến, khó khăn sẽ lớn hơn với các nước trong khu vực khi Bắc Kinh hoàn thành việc quân sự hóa bất hợp pháp vùng biển này.
Bình luận của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về số tiền Mỹ cam kết hỗ trợ an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là an ninh hàng hải, phản ánh sự khác biệt trong nhận thức lẫn cách tiếp cận vấn đề của Washington và Bắc Kinh.
"Chiến thuật biển người" của Trung Quốc vẫn đang dẫn dắt chính sách đối ngoại, sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ vào các dự án Vành đai và Con đường để tạo ra ngoại giao bẫy nợ với các nước mục tiêu, xuất khẩu thặng dư công nghiệp, công nghệ lạc hậu và lao động tay chân Trung Quốc.
Còn Hoa Kỳ chú trọng vào cơ chế chứ không phải tiền, và chỉ đầu tư cho những gì hiệu quả, thúc đẩy sự quan tâm của Mỹ chứ không làm thay nước khác.
Đó là lý do tại sao Trung Quốc sẵn sàng rót tiền nhiều, nhưng phần còn lại của thế giới luôn nhìn nhận bằng ánh mắt hoài nghi, dò xét và cảnh giác với các ý đồ của chủ nợ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter, các biện pháp thuế quan Hoa Kỳ hiệu chỉnh hành vi của Trung Quốc đã làm việc tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của bất kỳ ai.
"Thuế quan đã có một tác động tích cực to lớn đến ngành thép của chúng tôi.
Các nhà máy đang mở cửa trên khắp nước Mỹ, công nhân thép đang hoạt động trở lại, và những đồng đô la đang chảy vào kho bạc của chúng ta."
Trong một chia sẻ khác trên Twitter, ông Donald Trump viết:
"Thuế quan sẽ làm cho đất nước chúng ta giàu hơn nhiều so với ngày hôm nay. Chỉ có kẻ ngu mới không đồng ý."
Theo ông chủ Nhà Trắng, thị trường (chứng khoán) Trung Quốc đã sụt giảm 27% trong 4 tháng qua và họ đang phải nói chuyện với người Mỹ. [2]
Ngày nhậm chức Tổng thống, tỉ phú Donald Trump tuyên bố sẽ đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt mức 3% trong khi nhiều chuyên gia tin rằng đây là điều không thể.
Ngày 27/7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố mức tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2 năm 2018 là 4,1% và con số này có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đánh giá trên Fox News hôm 28/7, nỗ lực của Donald Trump để cắt giảm thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, đồng thời đàm phán lại các thỏa thuận thương mại quốc tế với các nước đã bắt đầu mang lại hiệu quả. [3]
Mặc dù truyền thông Mỹ ra sức chỉ trích Donald Trump tuyên bố các nước châu Âu đã lợi dụng sự hào phóng của Hoa Kỳ, rằng quan điểm này của ông sẽ dẫn đến hỗn loạn, nhưng thực tế liên minh châu Âu hiện đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại loại bỏ thuế quan với Hoa Kỳ.
Chính sách kinh tế của Donald Turmp đang cho thấy tính hiệu quả, nhiều việc làm được tạo ra ở Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế tăng trưởng.
Trong khi đó, về đối ngoại Donald Trump đã tháo ngòi nổ bán đảo Triều Tiên và tìm cách cải thiện quan hệ Mỹ - Nga trong lúc tiếp tục hiệu chỉnh các hành vi lệch chuẩn của Trung Quốc.
Thương mại chứ không phải quân sự, sẽ là vũ khí lợi hại của ông Donald Trump trong bối cảnh khu vực, quốc tế hiện nay, để chống lại tham vọng bành trướng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nguồn:
[1]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2158264/us-commits-us300-million-enhance-security-southeast
[2]https://www.scmp.com/news/china/article/2158308/donald-trump-says-tariffs-china-working-far-better-anticipated
[3]http://video.foxnews.com/v/5816630596001/?#sp=show-clips