Nikkei Asian Review ngày 4/8 đưa tin, Ngoại trưởng Triều Tiên đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số người đồng cấp từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Lào bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Singapore.
Kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6, đã có ít tiến bộ đáng kể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo.
Bình Nhưỡng đang tăng cường chiến dịch ngoại giao nhằm gây áp lực quốc tế kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trước khi phi hạt nhân hóa bán đảo.
Ngoại trưởng Ri Yong-ho đã gặp gỡ ông Vương Nghị hôm thứ Sáu bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng. Ông Nghị nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6, ảnh: Casino.org. |
Ông Ri Yong-ho cũng có cuộc nói chuyện ngắn gọn với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.
Phía Hàn Quốc đã đề nghị một cuộc họp chính thức, nhưng ông Ri Yong-ho không có quyền đáp ứng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng, Triều Tiên cần có hành động cụ thể để tháo dỡ vũ khí hạt nhân, cung cấp thông tin chi tiết các cơ sở của mình và đưa ra một quy trình rõ ràng.
Bình Nhưỡng thì mong muốn chính thức (ký hiệp ước) kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào như vậy.
Ông Ri Yong-ho đang lãnh sứ mệnh vận động hành lang để Washington thay đổi lập trường.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn cộng đồng quốc tế giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng, nhưng vì thiếu tiến độ phi hạt nhân hóa rõ ràng đã khiến Mỹ tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt.
Trong cuộc họp sáng nay tại Singapore, Ngoại trưởng Triều Tiên rất có thể sẽ cố gắng nêu ra các lệnh trừng phạt này như một sự bất công với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un muốn "thoát Trung", Donald Trump sẽ giúp |
Nga và Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Hoạt động kinh tế dường như đã gia tăng dọc biên giới Trung - Triều, Nga - Triều.
Dự thảo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN có khả năng sẽ kêu gọi hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và không lặp lại yêu cầu của Mỹ về một quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Cuộc tranh luận về ngôn ngữ trong bản tuyên bố của Chủ tịch ASEAN sẽ còn tiếp tục đến phút cuối.
Ngoại trưởng Triều Tiên có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hay không, đến giờ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Đối tác đàm phán của ông Mike Pompeo là Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol.
Ông Mike Pompeo nói với các phóng viên trên đường sang Singapore rằng Triều Tiên đang hành xử "không nhất quán" với lời cam kết của ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên không phải mọi thứ đều ảm đạm.
Thứ Ba 31/7, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter, ông nhận được một "bức thư tốt đẹp" từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. "Tôi mong được gặp ngài sớm", ông Donald Trump nhắn nhủ.
Người viết cho rằng tính toán của Triều Tiên khó qua mắt được ngài Donald Trump;
Bởi lẽ ký một hiệp ước kết thúc Chiến tranh Triều Tiên mặc dù là nguyện vọng chung của cả 2 miền bán đảo, nhưng một khi Bình Nhưỡng chưa giải giới hạt nhân, thì Mỹ sẽ khó có thể chấp nhận.
Ông Kim Jong-un khéo léo tránh đường lưỡi bò khi dùng máy bay Trung Quốc |
Lý do là vì, khi ký một hiệp ước hòa bình hay chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, có nghĩa là Hoa Kỳ không còn cớ gì duy trì sự hiện diện quân sự trên bán đảo, cũng như can thiệp vào khu vực này một khi xuất hiện những ngã rẽ không mong muốn.
Đổi mới, cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế là lựa chọn chiến lược không thể thay thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đang tiến từng bước vững chắc hướng tới mục tiêu này.
Sự xuất hiện của ông Kim Jong-un tại các khu kinh tế dọc biên giới với Trung Quốc, các nhà máy công xưởng, nông trại, cánh đồng thay vì các đơn vị quân sự như trước đây là một minh chứng cho thấy sự lựa chọn ấy.
Nhưng cải cách, mở cửa và hội nhập sẽ khó có thể đột phá chừng nào chưa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như chưa xóa bỏ được các lệnh trừng phạt kinh tế.
Triều Tiên không chỉ là một xã hội khép kín, mà còn là một xã hội "nhất quán tư tưởng và hành động" từ trên xuống dưới;
Do đó, muốn thay đổi cần có thời gian, cho dù cải cách mở cửa và hội nhập là xu thế khó đảo ngược, bất kỳ một sự đổi thay quá đột ngột nào, đều có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy.
Nguồn:
https://asia.nikkei.com/Spotlight/North-Korea-at-a-crossroads/Pyongyang-campaigns-to-build-support-for-Korean-War-closure