Parkson Landmark: Thua lỗ được báo trước
Ngày 2/1, Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower (đường Phạm Hùng – quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đột ngột thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết hàng hóa, đồ đạc ra ngoài trong hai ngày mùng 3 và 4/1.
Tuy nhiên đến sáng 3/1, Parkson ra tiếp thông báo yêu cầu các cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1.
Nguyên nhân đóng cửa, theo thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội gửi các chủ quầy hàng, là do Parkson Landmark liên tục thua lỗ lớn và không đạt được kế hoạch doanh thu đề ra kể từ khi mở cửa kinh doanh năm 2011.
“Sau khi có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ Ban Giám đốc của Trung tâm thương mại Parkson Landmark, chúng tôi rất tiếc phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ Trung tâm thương mại Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo và ngày kinh doanh cuối cùng của Trung tâm thương mại Parkson Landmark là 2/1/2015”, trích thông báo của TTTM Parkson Landmark.
Việc Parkson thông báo đóng cửa đột ngột khiến tiểu thương, hộ kinh doanh tại trung tâm thương mại này bất ngờ (ảnh nguồn VnExpress) |
Parkson được biết đến là ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh các TTTM hàng hiệu. Phân khúc khách hàng Parkson hướng đến là giới nhà giàu trong khu vực.
Hiện ở Việt Nam, Parkson có 9 trung tâm thương mại, cũng giống như tại các nước châu Á khác các TTTM Parkson tại Việt Nam là các department stores (siêu thị bán lẻ hàng hiệu).
Trước thông báo đóng cửa đột ngột của Parkson, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Việc Parkson đóng cửa đã được dự báo trước, không có gì bất ngờ khi trước đó Tràng Tiền Plaza, Grand Plaza... đã phải tạm đóng cửa để thay đổi chiến lược kinh doanh”.
Phân tích về chiến lược của Parkson, ông Phú nhận định: “Giống như Tràng Tiền Plaza, Grand Plaza... Parkson là Trung tâm thương mại bán hàng hiệu, với thương hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex… Giá mặt hàng lên đến vài chục triệu đồng, mức tiêu dùng đó chỉ dành cho một số rất ít người dân Việt Nam có thể đáp ứng được, không bán được hàng, doanh thu không có... thua lỗ phải đóng cửa đó là điều dễ hiểu”.
Khi Parkson được mở ra tại Keangnam, ngoài khách hàng Việt Nam, Parkson hướng đến khách hàng là người nước ngoài như Hàn Quốc đang làm việc tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng: “Nếu là người nước ngoài, họ có thể mua túi Louis Vuitton chính hãng tại nước họ với giá rẻ hơn so với ở mua ở Parkson”.
Ở khía cạnh người tiêu dùng, theo vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Parkson kén chọn khách hàng trong lúc thị trường bán lẻ đang gặp khó khăn cũng là một yếu tố khiến trung tâm thương mại này thất bại. “Phải có mức thu nhập 10 triệu đồng trở lên mới vào siêu thị bán hàng tiêu dùng rau củ quả bình thường để mua bán, vậy ai sẽ bỏ ra cả vài chục triệu để mua một cái túi Louis Vuitton. Tóm lại thất bại của Parkson không có gì bất ngờ và đã được nhìn thấy từ lâu”, ông Phú cho biết.
Tiểu thương có thể kiện
Trái ngược lại với sự thất bại của Parkson, Tràng Tiền Plaza... Khu TTTM ngầm Vincom Mega Mall Royal City (Khu đô thị Royal City, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang ngày càng trở thành điểm đến của người tiêu dùng mặc dù trung tâm này cũng bày bán không ít hàng hiệu đắt tiền.
Lý giải điều này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng mô hình của Vincom Mega Mall Royal City là trung tâm thương mại phức hợp có đầy đủ mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, có cả khu vui chơi giải trí, khu phố ẩm thực, siêu thị tiêu dùng…
“Trong một trung tâm siêu thị phức hợp với đầy đủ mặt hàng như vậy mỗi mặt hàng sẽ có mức tiêu thụ, doanh thu khác nhau và bù trừ cho nhau, người tiêu dùng đến đây không chỉ ngắm hàng hiệu cao cấp mà còn có thể mua sắm vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi… đây chính là mấu chốt khiến Vincom Mega Mall Royal City thu hút người tiêu dùng”, ông Phú nhận định.
Tiểu thương phải gấp gáp thuê người chuyển hàng đi (ảnh nguồn NLD) |
Bên cạnh đó, việc Trung tâm thương mại Parkson bất ngờ đóng cửa cũng đang khiến các tiểu thương kinh doanh ở đây phải chịu thiệt hại lớn bởi dịp nghỉ Tết Dương lịch và bước vào thời điểm cuối năm giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 được xem thời điểm vàng trong kinh doanh.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, Parkson vốn đã không được người tiêu dùng lựa chọn nay có thể bị chính tiểu thương, hộ kinh doanh quay lưng sau thông báo đóng cửa đột ngột. “Nếu tôi là tiểu thương, chỉ cần xem lại hợp đồng nếu Parkson làm sai hộ kinh doanh có thể nhờ pháp luật giải quyết. Về cơ bản, ngay cả khi quyết định đóng cửa lãnh đạo siêu thị, TTTM ít nhất phải thông báo trước cho hộ kinh doanh 1 tháng để họ chủ động chứ không thể thông báo nay, mai bắt dọn hàng”, ông Phú cho hay