PGS.Phạm Quý Thọ: "Gánh nặng đặt lên vai Chính phủ lúc này rất lớn"

23/12/2016 07:23
Mai Anh
(GDVN) - PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định, những nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng GDP.

Việc có thêm 7 nhà máy, dự án vào danh sách các nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương cho thấy gánh nặng trên vai Chính phủ ngày càng lớn.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, giảm nguy cơ mất thêm hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ số nhà máy, dự án thua lỗ mới là một bài toán rất khó, mặc dù Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2018 phải cơ bản xử lý xong những tồn tại này.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Chí Cường/Đầu tư.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Chí Cường/Đầu tư.

Thêm gánh nặng lên vai Chính phủ

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công cho biết, việc Chính phủ đưa tên 7 nhà máy, dự án vào danh sách các nhà máy, dự án thua lỗ kém hiệu quả của ngành Công Thương khiến nhiều chuyên gia, người dân vừa lo lại vừa mừng.

Lo bởi không chỉ 5 mà nay con số đã lên đến 12 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả. Có thể nói rằng, những dự án này là “quả tạ” của nền kinh tế, thậm chí nếu không giải quyết được thì sẽ kéo cả nền kinh tế đi xuống.

Mặt khác, giải quyết những dự án thua lỗ, kém hiệu quả này thế nào đang là câu hỏi được đặt ra. Qua đó có thể thấy gánh nặng đặt lên vai Chính phủ lúc này là rất lớn. Mục tiêu GDP đặt ra năm 2016 này cũng như các năm tiếp theo không dễ để đạt được.

“Tuy nhiên, người dân vui vì Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn thẳng vào sự thật, không giấu diếm. 

Ngay khi dự án thua lỗ được dư luận quan tâm, báo chí nhắc đến Chính phủ bắt tay ngay vào giải quyết. Trong đó các làm là xử lý những dự án thua lỗ gây thất thoát lớn trước, tiếp đó là các nhà máy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn”, PGS Thọ nhận định.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ 12 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả là những “quả tạ” kéo nền kinh tế đi xuống - ảnh: H.Lực.
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ 12 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả là những “quả tạ” kéo nền kinh tế đi xuống - ảnh: H.Lực.

Cũng theo PGS.Phạm Quý Thọ, điểm chung giữa 7 nhà máy, dự án vừa được đưa vào “danh sách đen” đều đang hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Tuy nhiên, mức độ chưa nghiêm trọng như 5 dự án từng được chất vấn trên nghị trường Quốc hội vừa qua.

Điều này cho thấy Chính phủ đã nhìn ra con đường đi vào “vết xe đổ” của 7 nhà máy, dự án thua lỗ, vì vậy đã có biện pháp ngăn chặn để tránh gây hậu quả nghiêm trọng như 5 dự án trước đó.

“Nguyên nhân dẫn đến nhà máy, dự án thua lỗ không hiệu quả xuất phát từ chủ trương đầu tư ban đầu. Đặc biệt tại 5 dự án gồm nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Đáng nói hơn dù đầu tư không hiệu quả nhưng vẫn xin ngân sách để tiếp tục đầu tư, tiền ngân sách chi ra như muối bỏ bể cuối cùng nhà máy hoạt động cầm chừng, thậm chí chưa hoàn thành đi vào hoạt động”, ông Thọ nhận định.

Cũng giống như 5 dự án trước đó theo ông Thọ 7 nhà máy, dự án thu lỗ kém hiệu quả mới được phát hiện cũng có một phần nguyên nhân từ chủ trương đầu tư đặc biệt không nhạy bén với sự thay đổi thị trường và nền kinh tế.

PGS.Phạm Quý Thọ: "Gánh nặng đặt lên vai Chính phủ lúc này rất lớn" ảnh 3

Bộ Chính trị ra nghị quyết về chủ trương, giải pháp quản lý nợ công

PGS.Phạm Quý Thọ: "Gánh nặng đặt lên vai Chính phủ lúc này rất lớn" ảnh 4

Phải chỉ rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại các dự án gây thất thoát, lãng phí

PGS.Phạm Quý Thọ: "Gánh nặng đặt lên vai Chính phủ lúc này rất lớn" ảnh 5

Xử lý thế nào với những "khối u" của nền kinh tế Việt Nam?

Những nhà máy, dự án này đã hoạt động nhưng kém hiệu quả nhà nước phải bù lỗ.

Vì thế không ngăn chặn sẽ có nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.

Về cách giải quyết tiếp theo với 7 nhà máy, dự án thua lỗ, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ cần xem xét nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến thua lỗ.

Sau đó sẽ quyết định có nên cổ phần hóa để giữ lại hay bán đứt thu lại vốn nhà nước.

“Nhưng dù nguyên nhân nào, giải quyết cách nào cũng nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án thua lỗ này”, ông Thọ khẳng định.

Cổ phần hóa là cách duy nhất

Có thể nói trong 10 năm qua đánh dấu sự “thay da đổi thịt” nền kinh tế khi đất nước hội nhập phát triển.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế cũng làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Trong đó đặc biệt là vấn đề quản lý điều hành doanh nghiệp nhà nước.

Nhấn mạnh vấn đề trên, PGS.TS Phạm Quý Thọ đánh giá: Chính việc Bộ Công Thương vừa làm công tác quản lý nhà nước vừa điều hành nhiều doanh nghiệp, tập đoàn dẫn đến yếu kém.

Bộ Công Thương hiện nay ngoài vai trò hoạch định chính sách ngành công thương đang trực tiếp quản lý 11 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong quá trình điều hành, quản lý của Bộ Công Thương, nhiều dự án đầu tư nghìn tỷ do các doanh nghiệp trực thuộc Bộ đưa ra không hiệu quả, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, có sự logic giữa quản lý quá nhiều dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Cụ thể, khi Bộ Công Thương quản lý cả mặt nhà nước về công nghiệp và thương mại, quản lý cả các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp.

Quản lý nhiều dễ tạo ra lỗ hổng trong vấn đề quản lý nhân sự, một khi có tiêu cực tức việc tuyển chọn nhân sự dựa vào “tiền tệ - hậu duệ - quan hệ” thì không thể làm việc hiệu quả.

“Trong tổ chức quản lý của Bộ Công Thương đặc biệt vấn đề nhân sự, trước đây khi tuyển dụng nhân sự chưa thực sự chọn được người tài còn tình trạng “con ông – cháu cha” cũng chính vì thế mà bỏ quên vấn đề năng lực lãnh đạo, quản lý”, ông Thọ nói.

Để vừa giải quyết được vai trò điều hành, làm chính sách của Bộ Công Thương vừa đảm bảo yếu tố thị trường, chủ động của doanh nghiệp theo PGS.TS Phạm Quý Thọ cách duy nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

“Cổ phần hóa là cách mình nói còn thực chất là mình tư nhân hóa. Đại diện vốn nhà nước là Bộ Công Thương chỉ đóng vai trò là một cổ đông.

Như vậy doanh nghiệp hoạt động sẽ theo nguyên tắc thị trường, việc đề ra phương án đầu tư ra sao, lựa chọn nhân sự thế nào sẽ không chỉ dựa vào quyết định của ngành Công Thương mà còn phải có sự nhất trí của các cổ đông khác”, PGS.Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, thậm chí nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa chủ trương thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo đúng tinh thần chỉ làm những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, đúng với tinh thần "Chính phủ không đi bán bia, không bán sữa".

Mai Anh