Phải "bêu" tên những người tặng, nhận quà tết để toàn dân biết

03/01/2017 13:18
QUỐC TOẢN (GHI)
(GDVN) - Cần công khai danh tính, tuổi tác, chức vụ đơn vị công tác của người tặng, nhận quà tết trên đài, báo cho toàn dân biết cán bộ đó không chấp hành chỉ đạo.

LTS: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2017.

Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương; nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là chỉ đạo hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ, đồng thời hạn chế được sự biến tướng của việc chúc tết, tặng, nhận quà tết.

PGS.TS Bùi Thị An: Không cho lịch hẹn, không cho đến nhà, tặng quà không nhận thì không ai dám đi tết lãnh đạo

Việc tặng chúc tết, quà tết là nét văn hóa truyền thống rất đẹp của dân tộc. Tuy nhiên cùng với xu hướng phát triển của thời đại, phong tục này đã bị biến tướng đi nhiều.

Do đó, việc Trung ương Đảng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo không chúc tết, tặng quà lãnh đạo; các địa phương không về Hà Nội chúc tết Chính phủ, các bộ, ngành có thể coi là lời "tuyên chiến" với sự biến tướng của cái gọi là tặng, nhận quà tết.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn).
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn).

Trong thực tế không ít người lợi dụng dịp lễ, tết để được chúc tết, biếu xén lãnh đạo vì mục đích không tốt đẹp (chạy chọt, xin xỏ trong công việc).

Nhưng cũng có người dù không có điều kiện vẫn phải đi biếu, chúc tết lãnh đạo vì chuyện đó đã trở thành “phong trào” nên phải "nhắm mắt" làm theo. 

Cho nên chuyện người ta tặng quà, biếu xén nhau hàng trăm triệu đồng, thậm chí phải đi vay để tặng, biếu thì sao lại nói là không có mục đích, ý đồ được?

Tôi cho rằng, trong quan hệ xã hội thì không có chuyện tặng, cho giá trị vật chất quá lớn như vậy, trừ trường hợp con cái tặng, biếu bố mẹ, hoặc bố, mẹ thừa kế tài sản cho con cái.

Do đó, chỉ có những người đi tặng, người nhận quà mới biết mục đích, động cơ của việc tặng quà biếu như thế nào?

Cũng phải nói thêm rằng, khi có chỉ đạo quyết liệt của

Phải "bêu" tên những người tặng, nhận quà tết để toàn dân biết ảnh 2

Ai dám trái lệnh Thủ tướng?

Trung ương Đảng, Thủ tướng về việc chúc tết, tặng quà lãnh đạo, không loại trừ một số cán bộ được cho là chưa gương mẫu (chỉ lãnh đạo cấp dưới) sẽ mất nguồn thu tương đối lớn trong dịp tết.

Trong trường hợp lãnh đạo quyết tâm không nhận quà biếu, thì không nên cho người có ý định tặng quà lịch hẹn, không cho người ta đến nhà chúc tết, hoặc nếu tặng quà thì từ chối không nhận quà dưới mọi hình thức.

Tôi đã từng chứng kiến việc cấp dưới đến nhà chúc tết, tặng quà cấp trên, nhưng người được nhận quà sau đó đã tặng lại món quà đó cho người tặng vì lý do lương anh không bằng lương tôi, hoặc nhà anh không có điều kiện bằng nhà tôi...

Nếu làm được việc này nhận thì chắc chắc người ta sẽ không dám biếu xén gì nữa.

Cùng với đó, nên quán triệt sâu rộng việc cấm nhận quà dưới mọi hình thức. Người thân của lãnh đạo cũng cần kiên quyết nói không với việc tặng, nhận quà của cấp dưới. 

Do đó, khi có chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thủ tướng thì đầu tiên các đồng chí lãnh đạo phải là người gương mẫu để cấp dưới học tập.

Cán bộ phải coi việc thực hiện chỉ đạo không nhận, tặng quà là vì nhân dân, vì một nền hành chính lành mạnh chứ không phải vì thế mà hậm hực, uất ức với cấp dưới.

Nếu người nào thực hiện không nghiêm chỉ đạo thì phải có chế tài cứng rắn hơn nữa để xử lý vi phạm, tránh nhiện tượng “nhờn” luật.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể hơn nữa để người dân, các tổ chức chính trị giám sát việc chúc tết, tặng, nhận quà biếu, nhằm hạn chế những tiêu cực, biến tướng của phong tục này.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Công khai tên, tuổi, chức vụ những người đi tết, tặng quà lãnh đạo

Việc biếu xén, tặng quà tết, chúc tết lãnh đạo không còn là chuyện mới, thậm chí chúng ta đã nhắc đi nhắc lại chuyện này rất nhiều lần. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.

Do vậy, chủ trương tết phải thì tập trung lo cho dân nghèo, chứ không phải chạy lên cấp trên, là chỉ đạo rất hợp với lòng dân, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Mong rằng các đồng chí thực hiện nghiêm như chỉ thị của Trung ương Đảng, Thủ tướng. Còn nếu có chỉ thị nhưng người ta vẫn nhận, tặng quà thì chỉ thị đó không có ý nghĩa gì.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Ngọc Quang.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Ngọc Quang.

Để xóa bỏ việc chúc tết theo kiểu “đi đêm” là điều không dễ, bởi việc này còn gắn với lợi ích phía sau của một bộ phận cán bộ.

Trường hợp người ta không chấp hành chỉ đạo mà vẫn chúc tết, tặng quà, nhận quà tết, thì tôi nghĩ cứ ghi vào "sổ đen", sau đó công khai danh tính, tuổi tác, chức vụ đơn vị công tác trên đài, báo để toàn dân biết cán bộ không chấp hành chỉ đạo.

Nếu làm được việc này thì những người có ý định không tốt trong việc chúc tết, tặng quà tết lãnh đạo sẽ không dám lặp lại hành vi của mình.

Hy vọng rằng, với chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thủ tướng, sẽ có nhiều người bị nêu tên trên công luận.

QUỐC TOẢN (GHI)