Ngày 1/3/2022, ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát việc đi học trực tiếp trở lại ở trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại buổi làm việc này, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Võ Trường Toản cho biết, toàn trường có khoảng 70% học sinh đăng ký trở lại trường học trực tiếp.
Trường có 2 phụ huynh xin bảo lưu kết quả học của con mình trong vòng 1 năm, 20 trường hợp F0 đã hoàn thành nghĩa vụ cách ly y tế, hiện còn khoảng 80 trường hợp đang trong thời gian cách ly điều trị Covid-19.
Trong tuần trước, trường có 4 lớp phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tuần này, 3/4 lớp này đã chuyển sang hình thức học trực tiếp ở trường, nhưng lại có thêm 4 lớp khác chuyển qua hình thức học trực tiếp.
Như vậy, cho đến nay, trường vẫn còn 5 lớp phải chuyển đổi hình thức học tập sang online.
Học sinh trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1 trong giờ học ở lớp (ảnh: P.L) |
Trước những khó khăn của nhà trường khi thực hiện việc học trực tiếp tại trường, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, chỉ cần lớp học xuất hiện từ 1 đến 2 F0 là phụ huynh đã đòi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.
Vấn đề khó khăn lớn nhất của nhà trường tại thời điểm này, chính là làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh mà cần đến sự thông cảm và chia sẻ từ phía phụ huynh. Trong khi phần lớn học sinh đến trường học có tâm lý vui vẻ thì phụ huynh lại có phần lo lắng hơn.
Theo quy định hiện tại của chương trình giáo dục ở bậc trung học cơ sở, một lớp học có thể có đến 13 giáo viên bộ môn giảng dạy. Mỗi giáo viên có thể dạy từ 7 đến 10 lớp.
Trong bối cảnh mà các lớp vừa học trực tuyến, vừa học trực tiếp xen kẽ với nhau, giáo viên vừa phải dạy trực tiếp xong ở lớp này, rồi lại phải tìm chỗ yên tĩnh để dạy trực tuyến cho lớp khác, cũng có phần gây khó khăn cho các thầy cô giáo.
Song song đó, theo thầy Vưu Bửu Nam – Phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, hiện còn có tình trạng học sinh F1 đã âm tính với Covid-19, nhưng vẫn chưa thể đi học do phải chờ phường cấp giấy hoàn thành cách ly theo đúng quy định của cơ quan y tế.
Có nhiều phụ huynh phải liên hệ đến 3-4 lần, mất nhiều ngày mới xin được giấy hoàn thành cách ly, gây ảnh hưởng đến việc đến trường học trực tiếp của các em học sinh. Do đó, lãnh đạo trường có đề xuất cần có sự đồng bộ hơn giữa ngành giáo dục và ngành y tế.
Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1 mong rằng cần có các quy định linh hoạt hơn, nhằm tháo gỡ các khó khăn cho các đơn vị trường học.
Theo đó, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu đến giải pháp cho phép phụ huynh tự test cho con ở nhà, cam kết độ xác thực của kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp học sinh là F1 đã hoàn thành đủ thời gian cách ly, tự theo dõi ở nhà (từ 5- 7 ngày, tùy theo tình trạng tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay chưa).
Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, sẽ trao đổi thêm với ngành giáo dục và ngành y tế để tìm giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho các trường học.
Theo vị này, hiện Ban Văn hóa - Xã hội đang làm việc với một ngân hàng, tài trợ kit test cho toàn bộ các trường học trên địa bàn thành phố, nên cũng cần nắm lại nhu cầu kit test từ 21 Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Ông Cao Thanh Bình cho rằng, đây là một trong những giải pháp tạm thời để giải quyết khó khăn của các trường học, trong việc giải quyết kit test xét nghiệm nhanh cho các trường, nhưng về lâu về dài thì cần có quy định và chủ trương dài hơi của lãnh đạo thành phố đối với công tác phòng chống dịch trong các đơn vị trường học.