Ngày 21/2, Bộ Y tế có hướng dẫn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Trong đó có nội dung thay vì truy vết, kiểm soát, khoanh vùng dịch bệnh hẹp nhất theo hướng dẫn trước đó thì lần bổ sung này Bộ Y tế yêu cầu các trường học, cán bộ y tế địa phương phối hợp tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh cùng lớp đó nếu có F0.
Theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều trường trên địa bàn Hà Nội cho rằng hướng dẫn này không phát huy hiệu quả mà lại rất tốn kém.
Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ, nếu đảm bảo an toàn cho học sinh thì làm được điều đó là tốt nhưng nói về nguồn kinh phí trong nhà trường thì rất khó khăn.
Ảnh minh họa: T.D |
“Hồi trước khi yêu cầu y tế tham khảo mua que test với giá phù hợp lúc đó trường tôi mua được dự trữ 5 hộp.
Trong tuần đầu trường học tổ chức học trực tiếp, giá 1 que test là 65.000 đồng/ chiếc nhưng tuần vừa rồi giá đã tăng lên. Hiện tại giá một que test 80.000 đồng/chiếc thậm chí có nơi lên tới 110.000 đồng/ que. Kỳ thực, đối với chức năng của trường học để chuẩn bị số lượng lớn thiết bị y tế thì nhà trường cũng không đủ kinh phí”, vị này nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng này, nếu không làm được cho các con nhà trường cũng cảm thấy áy náy, mà nếu test cho cả lớp thì thực sự quá tải.
Tại trường này từ hôm đi học đến nay đã xuất hiện 23 trường hợp F0 ở các lớp học. Nếu thực hiện theo hướng dẫn này, khi mà trường hợp F0 xuất hiện không cùng ngày thì đều phải test cho cả lớp, trong khi mỗi lớp 45 em học sinh. Như vậy số que test sẽ lên tới 45x23= 1.035. Vậy nhà trường mua dự phòng bao nhiêu cho đủ?
Văn bản hướng dẫn trước đó tuy có điểm bất cập nhưng nội dung khoanh vùng hẹp thì rất hiệu quả. Trước mắt nên hướng dẫn các em xúc miệng, vệ sinh, rửa tay sát khuẩn, học sinh F0 xử lý theo quy định, F1 cho phụ huynh đón về theo dõi vài ngày. Quy trình này sẽ hợp lý hơn các bạn còn lại nhà trường phối hợp với phụ huynh theo dõi sức khỏe hàng ngày. Chỉ nên test khi có triệu chứng nghi ngờ, nếu test ồ ạt sẽ khiến cho thiết bị y tế khan hiếm dẫn đến tình trạng thổi giá.
Ở góc độ khác, hiệu trưởng Trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy lại lo lắng về nhân lực khi xử lý lớp học xuất hiện F0. Bởi hiện nay mở cửa phát triển kinh tế, việc kiểm soát lịch trình di chuyển của người dân không còn chặt chẽ, F0 tăng nhanh trong cộng đồng cũng khiến y tế xã, phường quá tải.
Trong khi, hiện nhà trường chỉ có một nhân viên y tế đủ chuyên môn thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, khi phải test học sinh số lượng lớn cùng một lúc mà không có hỗ trợ của y tế phường là bất khả thi.
“Các trường tại nội thành đều rất đông học sinh, từ khi mở cửa lại trường học cứ 1-2 ngày các trường đều xuất hiện ca bệnh, nếu cứ tiến hành test cho toàn bộ học sinh như thế ngay cả mua thiết bị y tế nhà trường cũng không mua nổi”, hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Bởi thực tế ở trường này là khi ngày thứ 3 học sinh đến trường học tập trực tiếp, giáo viên lên lớp phát hiện có một học sinh xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm thì sẽ báo cáo lên hiệu trưởng để học sinh được đưa đến phòng cách ly riêng theo quy định, lấy mẫu test cho ra kết quả dương tính.
Lớp này xác định được 7 F1, 3 F2 trong tổng số 42 học sinh có mặt trong lớp học, những em này được lấy mẫu test ngay sau đó.
Nhưng theo hướng dẫn mới thì nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cả lớp, như vậy nhà trường phải chuẩn bị số lượng thiết bị rất lớn, dẫn tới tốn kém trong khi lại không cần thiết.
Qua trao đổi thầy Trần Quốc Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cát Linh, quận Đống Đa cho hay: “Mặc dù trường tôi đã chuyển sang học trực tuyến toàn bộ, nhưng khi nghiên cứu nội dung này tôi cũng thấy băn khoăn, nhiều trường có kinh phí eo hẹp rất khó trong khi thực hiện hướng dẫn này”.