Phát hiện học sinh F0 Bộ Y tế yêu cầu test cả lớp, các trường kêu quá tốn kém

24/02/2022 09:13
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ khi vụ việc Việt Á bị phanh phui các nhà trường khá lo lắng về chất lượng thiết bị y tế trên thị trường hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên toàn quốc, ngày 21/2, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.

Theo đó Bộ Y tế nêu rõ 4 bước thực hiện xử lý nếu phát hiện F0 trong trường học. Trong đó, bước 3 có nội dung hướng dẫn:

“Đối với lớp học có học sinh F0, cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo qui định.

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: cho những học sinh này đi học trở lại bình thường”.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Nghiên cứu hướng dẫn này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số trường học tại Hà Nội cho rằng quy định khi lớp học phát hiện F0 tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp học đang gây khó khăn cho kinh phí nhà trường.

Một giáo viên tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình cho biết nhà trường thực hiện đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh ngồi trong lớp học nếu phát hiện xuất hiện F0 trong lớp mà thực hiện xét nghiệm toàn bộ học sinh cùng lớp học thực sự gây lãng phí không cần thiết.

“Hiện nay việc chuẩn bị đủ kit test cũng đang gặp khó vì thiết bị y tế phục vụ nhu cầu test cho thị trường vẫn còn hạn chế.

Ngoài kit test ra nhà trường cũng phải chi các khoản phí cho công tác khử khuẩn, dung dịch khử khuẩn, thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch chi cùng lúc nhiều khoản phí sẽ gây áp lực lên nhà trường”.

Tại quận Đống Đa, một hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở nêu băn khoăn ngoài việc gây lãng phí không cần thiết, việc mua được thiết bị y tế đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới cũng là một vấn đề lớn với các nhà trường.

“Mua ở đâu? Mua như thế nào? Hỏi ngành y tế thì từ cấp phường đến cấp quận không cấp nào dám giới thiệu vì nếu về sau thiết bị có vấn đề gì về tiêu chuẩn họ sẽ gặp khó. Mua ở các cơ sở bán thiết bị y tế thì sợ thiết bị kém chất lượng, gây khó khăn cho nhà trường, từ khi vụ việc Việt Á bị phanh phui các nhà trường khá lo lắng về chất lượng thiết bị y tế trên thị trường hiện nay”, vị này chia sẻ.

Cùng tình trạng trên hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở tại quận Cầu Giấy cho hay để đảm bảo chất lượng thiết bị y tế, nhà trường đã hỏi nhiều phụ huynh làm trong ngành y tế, vì các thiết bị trên thị trường hiện nay có nhiều loại nhưng nhà trường chưa nhận được sự chỉ dẫn đồng bộ chi tiết trong việc: Mua loại nào? Loại thiết bị nào đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế?.

Ngoài ra vị hiệu trưởng này cũng cho rằng đọc nội dung hướng dẫn mới của Bộ Y tế đi hỏi đồng nghiệp tại các trường trên địa bàn thì đều chung tâm tư về vấn đề kinh phí.

Đặng Lường