Trường học ở TPHCM "than trời" quy định lớp có 1 F0 yêu cầu xét nghiệm cả lớp

26/02/2022 07:10
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, nếu theo quy định mới thì số tiền để mua kit test của các trường có thể lên đến cả trăm triệu đồng.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quy định mới về quy trình xử lý F0 trong trường học, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.

Lãng phí kit test khi xét nghiệm toàn bộ học sinh trong lớp có F0

Trước quy định mới của thành phố và ngành y tế yêu cầu tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (không quá 3 người) cho toàn bộ F1, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 cho rằng, việc xét nghiệm toàn bộ học sinh khi trong lớp xuất hiện F0 là tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.

Thầy Huỳnh Thanh Phú đưa ra ví dụ, giả định trường xuất hiện khoảng 4 hay 5 F0 thì phải test cho toàn bộ học sinh của 4 - 5 lớp đó. Như vậy là sẽ cần khoảng vài trăm que kit test.

“Chúng ta có thể đặt ra tình huống nếu toàn bộ các lớp trong trường học đều có F0, thì trường phải tổ chức test cho toàn bộ học sinh trong trường, khi đó số kit test phải chuẩn bị lên đến vài ngàn cái. Số tiền dùng để mua kit test lúc này có thể lên đến cả trăm triệu đồng” – thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Ngoài ra, thầy Phú cho biết, kit test trên thị trường hiện nay đang khá khan hiếm. Mua thì chưa chắc có ngay, mà muốn có thì có thể phải chi số tiền rất lớn, phải qua đấu thầu.

Trong khi đó, các thủ tục để đấu thầu không phải chỉ vài phút là xong ngay, có khi phải mất cả tuần hay cả tháng. Chưa kể, các sơ sở pháp lý hiện nay cũng không cho phép trường học đấu thầu thiết bị y tế.

Học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ xét nghiệm nhanh kháng nguyên trước khi đi học (ảnh minh họa: P.L)

Học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ xét nghiệm nhanh kháng nguyên trước khi đi học (ảnh minh họa: P.L)

Trong thời điểm cấp bách như giai đoạn hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, F0 xuất hiện trong trường học ngày càng nhiều nên việc này sẽ rất khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Đồng quan điểm này, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn phường 12 quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, quy định này rõ ràng là lãng phí và không hiệu quả.

Vị hiệu trưởng này giải thích: Có thể test cho toàn bộ học sinh trong lớp có F0 sẽ cho ra kết quả âm tính. Thậm chí, một số học sinh có các triệu chứng liên quan đến Covid-19, nhưng xét nghiệm nhanh kháng nguyên vẫn có thể cho ra kết quả âm tính như bình thường.

Tuy nhiên, mất một thời gian ủ bệnh vài ngày, học sinh xét nghiệm lại, có từ 2 triệu chứng trở lên thì lại cho ra kết quả dương tính.

Nhằm giải quyết vấn đề kinh phí để mua kit test xét nghiệm nhanh cho học sinh, nhiều trường đã sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Thế nhưng, trên thực tế thì nguồn tiền này thường rất ít, không thể đủ cho tình hình F0 đang xuất hiện ngày một nhiều trong các trường học.

Tại quận Tân Bình, hiện các trường đã lập danh sách các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, gửi về quận hỗ trợ, và hiện đang chờ phê duyệt.

Còn với trường trung học phổ thông Nguyễn Du, thầy Huỳnh Thanh Phú đã đề nghị phụ huynh cố gắng phối hợp với nhà trường tầm soát dịch bệnh từ xa, tránh ảnh hưởng và lây lan khi dịch được ngăn ngay từ ở nhà.

Y tế sẽ quá tải, không đủ người hỗ trợ trường học

Trong khi đó, một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn phường 12, quận Tân Bình chia sẻ: Y tế sẽ là nhân lực cốt cán phối hợp với nhà trường để xử lý các tình huống có liên quan đến F0, khoanh vùng F1…nhưng với bối cảnh như hiện tại, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu phức tạp tại thành phố, thì y tế địa phương chắc chắn là sẽ quá tải với các ca phát sinh trong cộng đồng, không thể đủ người để hỗ trợ các trường học khi cần.

Do vậy, khi không có sự hỗ trợ của lực lượng y tế, thì hiệu trưởng nhà trường với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch trong trường phải trực tiếp triển khai tất cả các công việc khi có sự xuất hiện của F0.

Điều đáng nói, đây không phải là công việc chuyên môn của giáo viên, nên có thể sẽ có rất nhiều khó khăn, mà chưa kể kết quả có khi còn chưa chính xác.

Theo vị này, hiện các ca nhiễm trong trường học đang ngày càng tăng cao, và cũng không phải trường nào cũng có nhân viên y tế trường học chuyên trách, có khi là giáo viên kiêm nhiệm hay không có người làm (do đang là F0…), thì như vậy ai sẽ là người xét nghiệm nhanh cho học sinh?

Người không có chuyên môn thực hiện việc xét nghiệm nhanh có thể dẫn tới việc cho ra kết quả không chính xác, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Chính vì vậy, Hiệu trưởng này đề xuất, cần sớm giải quyết vấn đề nguồn nhân lực nhân viên y tế hỗ trợ cho trường học, thì các cơ sở giáo dục mới có thể yên tâm thực hiện các công việc còn lại.

Ngược lại, các gánh nặng đều sẽ đổ lên hết các cơ sở giáo dục, gây cho các trường khó khăn, chật vật khi số ca F0 tăng cao như hiện tại.

Việt Dũng