Tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự (sửa đổi) ngày 14/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – ông Hà Hùng Cường và nhiều đại biểu nhận định, bộ luật này hết sức quan trọng, có ảnh hưởng tới sự sống của người dân, tức là ảnh hưởng tới quyền con người, do đó phải quy định thật chi tiết.
Không thể quy định chung chung
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: “Tất cả các tội phải quy định vào trong này, những gì chưa quy định được về hành vi thế này thế khác, khung hình phạt phải làm rõ. Thế nào là cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thế nào là thiếu trách nhiệm… lâu nay các đồng chí vẫn xử án, phải tổng kết đưa vào đây. Các đồng chí không được để cơ quan xử án hoặc cơ quan kiểm tra tự ý cụ thể hóa bằng quan điểm cá nhân để buộc người ta vào tội cố ý, buộc người ta thiếu trách nhiệm”.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ra thí dụ về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” và yêu cầu phải nói rõ các hành vi thế nào là chống phá nhà nước?
“Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Muốn bắt ai thì bắt, đâu có được". ảnh: quochoi.vn |
Để đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền con người, quyền của công dân, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại quan điểm: “Bất kỳ cuộc xét xử nào đều phải tôn trọng nguyên tắc tranh tụng. Các đồng chí mà chỉ để tranh tụng tới phúc thẩm thôi là không được, là vi phạm Hiến pháp. Tất cả các phiên toà đều phải tôn trọng nguyên tắc này, phải có tranh tụng”.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp cùng toàn bộ khối Tư pháp không đi nước ngoài kể từ nay tới kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, nhằm tập trung thời gian chuẩn bị tốt cho các dự án luật, chuẩn bị tốt cho kỳ họp.
Ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – ông Hà Hùng Cường cũng đề nghị phải quy định chi tiết vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi), tránh các quy định chung chung đang tồn tại như luật hiện hành.
“Các nước họ quy định rất cụ thể chứ không chung chung như luật của ta”, ông Cường nhấn mạnh.
Tham gia tổ chức chống phá nhà nước bị xử thế nào?
Theo dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi): Tội phản bội Tổ quốc (sửa đổi); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (sửa đổi); Tội gián điệp (sửa đổi); Tội bạo loạn (sửa đổi); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (sửa đổi); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)… có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Với những trường hợp chuẩn bị phạm tội thì bị áp dụng hình phạt tù từ 1 – 5 năm.
Nhận hối lộ phải xử tử hình |
Dự thảo luận cũng nói rõ, người đã tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, người nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Người phạm tội làm, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng bị phạt tù từ 10 – 20 năm.
Những trường hợp làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu gây hoang mang trong nhân dân bị phạt từ 3 – 12 năm.
Những người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Ngoài ra, tại Điều 111 - Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (sửa đổi) nói rõ: Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 – 20 năm (nếu gây hậu quả nghiêm trọng); đồng phạm bị phạt tù từ 5 – 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội bị phạt tù từ 1 – 5 năm.
Đối với “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” (sửa đổi) quy định phạt tù từ 5 - 15 năm:
Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội.
Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
Những trường hợp phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.