The Straits Times ngày 5/2 đưa tin, Trung Quốc đang gần như sắp hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng căn cứ không quân - hải quân bất hợp pháp trên các cấu trúc địa lý họ chiếm đóng (trái phép) ở Biển Đông.
Một tờ báo của Philippines, báo Philippines Daily Inquirer cùng ngày công bố các bức ảnh được chụp từ tháng Sáu đến tháng Mười hai năm 2017 cho thấy, đường băng trên 3 đảo nhân tạo ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Ảnh chụp 1 góc đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Cấu trúc địa lý này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1995 và đã quân sự hóa thành một căn cứ. Ảnh: The Straits Times. |
Ngoài ra có các ngọn hải đăng, mái vòm ra đa, nhà chứa máy bay chiến đấu và các tòa nhà cao tầng đã được xây dựng trên 3 đảo nhân tạo này.
Còn ở các đảo nhân tạo nhỏ hơn Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp tại các cấu trúc địa lý Gạc Ma, Tư Nghĩa, Châu Viên và Ga Ven có thể thấy rõ các sân đỗ trực thăng, các trạm phong điện và đài quan sát, tháp thông tin liên lạc.
Tổ chức Minh bạch hàng hải châu Á cho biết, công việc quân sự hóa trên đá Chữ Thập đã hoàn thành và ít nhất có một hệ thống tên lửa giấu trong 1 hệ thống đường hầm dưới lòng đất, ra đa và ăng ten cao tần trên bề mặt.
Philippines Daily Inquirer cho rằng, 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên các cấu trúc địa lý ở Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam) mà Manila cũng có yêu sách, đã trở thành căn cứ hải quân, không quân và thêm vài tính năng có thể sử dụng cho mục đích dân sự thuần túy.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque, ảnh: Philippines Daily Inquirer. |
Trước những câu hỏi từ truyền thông về thái độ, quan điểm của Điện Manacanang trước các động thái quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết:
"Hiện tại lập trường của Tổng thống là duy trì quan hệ chặt chẽ (với Trung Quốc), vì vậy họ sẽ không có bất kỳ lý do gì để sử dụng những vũ khí đã cài đặt trên quần đảo này.
Chúng ta có thể làm được gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục dựa không chỉ vào đức tin tốt. Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc với vai trò không chỉ là thành viên Liên Hợp Quốc, mà còn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, sẽ tuân thủ việc không sử dụng vũ lực." [1]
Tờ Philstar ngày 6/2 dẫn lời người phát ngôn Harry Roque nói với báo giới rằng:
"Các bạn cũng biết đấy, khi tôi thấy tiêu đề bản tin, vâng, đó là một thực tế, nhưng nó có phải là tin mới? Tôi không nghĩ vậy.
Điểm lại các mốc quá trình Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông: Tháng Giêng 2013: Philippines khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về áp dụng, giải thích sai Công ước ở Biển Đông sau cuộc khủng hoảng Scarborough tháng Tư 2012. Tháng Tư 2014: Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc nạo vét cát để xây dựng đảo nhân tạo ở Vành Khăn. Tháng Năm 2014 Philippines công bố hình ảnh một đường băng (ngắn) Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma. Tháng Mười 2014: Truyền thông Đài Loan đưa tin, Ngô Thắng Lợi - Tư lệnh Hải quân Trung Quốc ra thị sát 5 trong 7 cấu trúc địa lý Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Tháng Chín 2015: Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng đường băng dài 3125 mét trên đá Chữ Thập. Tháng Giêng 2016: Trung Quốc xây dựng một cầu cảng cho tàu ngầm ở đá Vành Khăn. Tháng Sáu cùng năm, ASEAN đã thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến trên Biển Đông mặc dù dự thảo đã xong. Tháng Bảy 2016: Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ra Phán quyết, bác bỏ hầu hết các yêu sách vô lý và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm đường lưỡi bò cũng như vùng đặc quyền kinh tế cho một số cấu trúc địa lý. Tháng Chạp 2017: Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự có kích thước gấp 4 lần Cung điện Buckingham trên các đảo nhân tạo. Trong năm 2017 Trung Quốc đã xây dựng 29 héc ta mặt bằng cơ sở hạ tầng mới, bao gồm kho đạn, mảng cảm biến, hệ thống ra đa và kho chứa tên lửa. |
Tôi nghĩ rằng lúc đó họ (Trung Quốc) bắt đầu cải tạo, họ tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng nó, họ sẽ có các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo.
Nếu chính quyền (Tổng thống) Benigno Aquino III đã không thể làm bất cứ điều gì về những hòn đảo nhân tạo, thì họ muốn chúng tôi phải làm gì?
Chúng ta không thể tuyên bố chiến tranh (với Trung Quốc).
Đây không chỉ là việc bất hợp pháp, mà chúng ta không thể tuyên chiến vào thời điểm này.
Những hòn đảo nhân tạo được bồi đắp trong suốt thời gian nắm quyền của Nội các cũ và họ đã hoàn thành công việc này trong nhiệm kỳ của Nội các cũ.
Tôi nghĩ rằng dù chúng ta có thích hay không thì họ (Trung Quốc) cũng sẽ sử dụng chúng như những căn cứ quân sự.
Vì vậy các bạn muốn chúng tôi nói gì? Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tìm kiếm một lời hứa từ Trung Quốc rằng họ không bồi đắp thêm bất kỳ đảo nhân tạo nào mới.
Như tôi đã nói về chuyện quân sự hóa nếu các bạn gọi chúng là quân sự hóa, chúng đã không xảy ra dưới thời chính quyền Rodrigo Duterte.
Chúng đã bị quân sự hóa từ trước đó và câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể làm gì? Nội các cũ đã làm gì và chúng có thể làm gì?
Tôi không nghĩ rằng sẽ có ví dụ cho thấy Trung Quốc sẽ đe dọa tự do hàng hải, mặc dù thực tế họ có đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo.
Chúng tôi hy vọng, tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông đều phải có trách nhiệm kiềm chế không sử dụng vũ lực, vì đó là hành vi bất hợp pháp trong luật pháp quốc tế."
Khi được đề nghị bình luận về những nhận định của Phó chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio rằng, tin vào thiện chí của Trung Quốc cũng giống như tin vào lòng tốt của kẻ trộm, ông Harry Roque cho biết:
"Philippines là một nền dân chủ và ông ấy có quyền nêu ý kiến của mình.
Nhưng tôi hy vọng rằng thời gian tới, chúng ta có thể đọc ý kiến của ông ấy dưới dạng phán quyết của tòa án, vì đó là chức năng của ngành tư pháp.
Hoặc như tôi đã nói, ông ấy có thể tranh cử (Tổng thống Philippines) nếu ông ấy muốn biến ý tưởng của mình thành chính sách nhà nước." [2]
Năm 2013 Nội các Tổng thống Benigo Aquino III đã đệ đơn kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước.
3 năm sau, ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài đã ra Phán quyết Trọng tài, bác bỏ các yêu sách phi lý và các vận dụng giải thích sai Công ước mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông. Nhưng việc này không ngăn được Bắc Kinh đảo hóa, quân sự hóa các cấu trúc địa lý họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Tài liệu tham khảo: