Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại trường bắn Proving Ground Ochsenboden của Rheinmetall tại Thụy Sĩ. Thử nghiệm có sự chứng kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành trong việc phát triển vũ khí laser năng lượng cao.
Vũ khí được thử nghiệm tiêu diệt 3 loại mục tiêu giả, tượng trưng cho 3 loại mục tiêu thật gồm: đạn pháo, phương tiện bay không người lái và tên lửa đạn đạo.
Kết quả thử nghiệm thành công mỹ mãn, một quả bóng thép tượng trưng đạn cối di chuyển với tốc độ 50m/s bị đánh chặn thành công.
Rheinmetall đã kết hợp 2 modle laser có công suất 20 và 30kw để cùng chiếu xạ mục tiêu giúp tăng tối đa công suất. Ảnh: Defence Update |
Điều này cho thấy, vũ khí laser năng lượng cao có thể thực hiện một cách hiệu quả cho các nhiệm vụ phòng không, mối đe dọa từ đạn cối, rocket, pháo binh và các phương thức tác chiến phi đối xứng khác.
Công suất phát tia laser đã đạt 50kw, mạnh gấp 5 lần so với các biến thể thử nghiệm năm 2011. Đáng nói, Rheinmetall đạt được công suất này nhờ kết hợp 2 trạm phát công suất 20kw và 30kw với nhau.
Thử nghiệm cũng cho thấy khả năng nhiều trạm vũ khí laser năng lượng cao cùng chiếu xạ một mục tiêu, làm tăng khả năng bị phá hủy và giảm thời gian tiêu diệt mục tiêu.
Cách tiếp cận công nghệ module giúp duy trì độ ổn định của chùm tia laser đơn và làm tăng hiệu suất tổng thể lên nhiều lần.
Từ quan điểm kỹ thuật, khả năng phát triển các trạm vũ khí laser có công suất 100kw là hoàn toàn khả thi.
Theo lý thuyết, 100kw là công suất lý tưởng nhất để phát triển một hệ thống C-RAM laser thực thụ.
Trong thử nghiệm lần này, trạm vũ khí laser năng lượng cao công suất 50kw được thử nghiệm từ 2 mô hình khác nhau.
Một trạm vũ khí laser công suất 30kw được tích hợp vào tháp pháo phòng không Oerlikon Gun Revolver để thử nghiệm tĩnh và động cùng với hệ thống điều khiển hỏa lực Oerlikon Skyguard.
Hệ thống vũ khí laser thứ 2 công suất 20kw cũng được tích hợp vào tháp pháo Oerlikon Gun Revolver thế hệ đầu.
Kỷ nguyên của vũ khí laser năng lượng cao sẽ không còn xa nữa với sự thành công của Rheinmetall. Ảnh: Defenceupdate |
Ngoài ra, một hệ thống module ngoài sẽ cung cấp công suất hỗ trợ đồng thời cho cả 2 hệ thống. Cả 2 hệ thống sẽ bắn tia laser đồng thời về phía mục tiêu, 2 chùm tia laser chạm đích sẽ đạt công suất tương ứng là 50kw.
Thử nghiệm đầu tiên, chùm tia laser công suất 50kw đã được phát đi từ khoảng cách 1.000m và cắt đứt một tấm thép dày 15mm.
Ở thử nghiệm thứ 2, hệ thống radar Skyguard đã phát hiện mục tiêu là một UAV ở cự ly 3km, dữ liệu được chuyển cho hệ thống vũ khí laser công suất 30kw. Hệ thống sẽ nhắm mục tiêu bằng các khí tài quang học trong khi các chùm tia laser ban đầu hình thành.
Khi mục tiêu tiến vào phạm vi công suất của tia laser, module vũ khí sẽ phát tối đa công suất tia laser về phía mục tiêu, mục tiêu lập tức bị phá hủy chỉ trong vài giây ở cự ly 2 km.
Ở thử nghiệm thứ 3, hệ thống mô phỏng việc rượt theo một mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo nhỏ thông qua sự hỗ trợ chỉ thị mục tiêu của radar Skyguard và hệ thống nhắm mục tiêu quang học.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng module kết hợp 2 trạm vũ khí laser sẽ làm tăng tối đa công suất và giảm thời gian tiêu diệt mục tiêu.
Thử nghiệm thành công lần này đã làm tiêu tan mọi hoài nghi về năng lực của hệ thống vũ khí laser năng lượng cao.
Rheinmetall đã chứng minh, các công nghệ hiện này và phát triển trong tương lai cho phép vô hiệu hóa tất cả mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.
Các thử nghiệm đã cho thấy Rheinmetall đã thành công trong việc tập trung năng lượng và làm mát hệ thống cũng như kích thước nhỏ gọn của hệ thống trong tương lai. Dự kiến công ty sẽ giới thiệu một modun vũ khí laser năng lượng cao 60kw trong năm 2013.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn đề xuất tích hợp thêm một khẩu pháo tốc độ cao 35mm vào cùng hệ thống vũ khí laser năng lượng cao để tăng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu.
Tương lai hệ thống sẽ được đặt trên khung gầm xe tải TM-170 để tăng khả năng cơ động. Vũ khí laser năng lượng cao thường được biết đến trong các bộ phim khoa học viễn tưởng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa nữa.
Theo Đất Việt