Philippines thay đổi chiến thuật đối đầu ngoại giao với TQ ở Biển Đông

06/11/2013 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Cách tiếp cận hiện tại của chính phủ Philippines đối với vấn đề Biển Đông chỉ càng kích thích Bắc Kinh theo đuổi chủ nghĩa diều hâu, hiếu chiến xiết chặt thòng lọng vào cổ Manila và đẩy mạnh các hoạt động quân sự (bất hợp pháp) ở Biển Đông và tiếp tục né tránh các giải pháp ngoại giao mang tính xây dựng.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Richard Javad Heydarian, một chuyên gia phân tích các vấn đề Biển Đông và an ninh quốc tế từ Manila ngày 5/11 phân tích, sau nhiều tháng đối đầu ngoại giao với Bắc Kinh, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang tìm cách làm giảm căng thẳng quan hệ song phương và thúc đẩy các hoạt động đối thoại, hợp tác với Bắc Kinh.
Đáng chú ý, những thay đổi trong cách tiếp cận của Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy bỏ chuyến công du Đông Nam Á, bao gồm cả chuyến thăm Manila để đàm phán một hiệp ước an ninh song phương mới. Thay vì chỉ trích gay gắt các động thái leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông, Aquino đã lựa chọn cách chào đón các thỏa thuận về nguyên tắc đàm phán bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc thông qua ASEAN. Tổng thống Philippines đã mâu thuẫn với các thành viên Nội các của mình, cụ thể là Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin khi ông Aquino phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc của thuộc cấp rằng Trung Quốc thả 75 khối bê tông bỏ móng công sự ngoài Scarborough.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Đồng thời chính phủ của ông đang tạo điều kiện hỗ trợ cho các cuộc đàm phán thỏa hiệp giữa các công ty Philippines với các đối tác Trung Quốc về việc thăm dò khai thác (bất hợp pháp) dầu khí ở Biển Đông (khu vực bãi Cỏ Rong nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam). Kể từ khi Mỹ chính thức thông báo chuyển trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm 2011, Philippines đã tỏ ra tự tin trong việc tăng cường nỗ lực bảo vệ yêu sách chủ quyền mà Manila tuyên bố ở Biển Đông, chống lại các yêu sách phi lý và hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh liên tục leo thang trong các cuộc tập trận quân sự ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, đồng thời cố tình trì hoãn tiến trình đàm phán COC, một công cụ pháp lý nhằm kiểm soát nguy cơ xung đột. Quan hệ Trung Quốc - Philippines đã có lúc sa sút xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì căng thẳng trên Biển Đông. Cho tới nay, chính sách của Philippines về Biển Đông chủ yếu do Bộ Ngoại giao hoạch định và được dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Albert del Rosario. Ông là một chính khách năng động và đôi khi gây ra những tranh cãi, Rosario được người dân Philippines ca ngợi cho những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Del Rosario cũng nổi lên như một chính khách trong khu vực cùng với lãnh đạo Nhật Bản và Singapore nhiệt liệt chào đón những chuyển ngoặt chiến lược của Mỹ về châu Á - Thái BÌnh Dương và những hứa hẹn trong chính sách của Washington. Nhiều người Philippines ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Aquino trong việc chống lại các tuyên bố yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong khi lực lượng vũ trang Philippines cũng đã tăng cường hiện đại hóa khả năng phòng thủ. Đối đầu ngoại giao với Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã mang lại cho Tổng thống Philippines những lợi thế nhất định đáng kể về chính trị, nhưng các nhà phân tích cho rằng lập trường của chính phủ Aquino hiện nay phần nhiều mang tính tình cảm mà thiếu một tư duy chiến lược lâu dài, có tính toán. Với những người chỉ trích cách tiếp cận hiện tại của Aquino, việc ưu tiên tăng cường hiện đại hóa lực lượng vũ trang sẽ chỉ làm gia tăng sự nhạy cảm chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiếu chiến đang ngày càng ảnh hưởng tới phương châm hoạt động của quân đội Trung Quốc. Trong khi đó những người ủng hộ cho rằng chủ nghĩa dân tộc quyết đoán của Del Rosario là đáng khen ngợi trong phạm vi mà nó phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng của nhiều người Philippines đối với Trung Quốc.
Giáo sư Richard Javad Heydarian.
Giáo sư Richard Javad Heydarian.
Những nhà phê bình lại nhận định, cách tiếp cận hiện tại của chính phủ Philippines đối với vấn đề Biển Đông chỉ càng kích thích Bắc Kinh theo đuổi chủ nghĩa diều hâu, hiếu chiến xiết chặt thòng lọng vào cổ Manila và đẩy mạnh các hoạt động quân sự (bất hợp pháp) ở Biển Đông và tiếp tục né tránh các giải pháp ngoại giao mang tính xây dựng. Đồng thời những người theo quan điểm này cho là có rất ít bằng chứng cho thấy Washington và Tokyo chắc chắn sẽ trợ giúp Philippines trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang với Trung Quốc ở Biển Đông. Làm thế nào để Mỹ sẽ hỗ trợ đồng minh Philippines của mình trong các hoạt động phòng thủ ở Biển Đông, các giá trị gia tăng của một thỏa thuận mới vượt quá khuôn khổ hiệp định Thăm viếng quân sự giữa 2 nước đã tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung hàng năm dường như đang là rào cản của các cuộc đàm phán quốc phòng giữa Manila với Washington.  Chính sách đối ngoại của Nội các Tổng thống Aquino 3 năm qua liên tục thay đổi. Giai đoạn 2010 - 2011 ông Aquino ủy quyền cho Ngoại trưởng Robert del Rosario, phần lớn tập trung vào tăng cường thương mại - đầu tư song phương. Khi xảy ra vụ Scarborough cuối tháng 4 năm ngoái, nội các Tổng thống Aquino đã thực hiện chiến thuật "ngoại giao cửa sau" thay vì thông qua Bộ Ngoại giao để tránh đối đầu vũ trang trực tiếp với Bắc Kinh.
Các cuộc tập trận (bất hợp pháp) của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng nhằm tạo sức ép với Philippines và các bên liên quan.
Các cuộc tập trận (bất hợp pháp) của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng nhằm tạo sức ép với Philippines và các bên liên quan.
Khi Trung Quốc cho thấy ngày càng rõ ràng ý đồ chiếm đóng lâu dài (bất hợp pháp) bãi cạn Scarborough, Aquino lập tức quay trở lại chính sách răn đe ngoại giao với sự tham gia chủ lực của Bộ Ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ và kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Điều này đã thúc đẩy một làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy hỗ trợ cho một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn của Bắc Kinh ở Biển Đông với những cuộc tập trận liên tục và những lời chỉ trích gay gắt trực tiếp nhằm vào Manila. Các kênh đối thoại hiệu quả giữa Manila với Bắc Kinh sụp đổ và giới chức cấp cao Trung Quốc từ chối đối thoại với Philippines, quan hệ ngoại giao giữa 2 nước xuống mức thấp nhất trong tháng 8 khi Bắc Kinh từ chối tiếp Tổng thống Philippines dự triển lãm quốc tế Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh, Quảng Tây, bất chấp Philippines là khách mời danh dự năm nay. Chính vì vậy ông Aquino đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc và tìm kiếm các kênh thỏa hiệp, hợp tác với Bắc Kinh mà đáng chú ý nhất là ý tưởng thăm dò khai thác chung (bất hợp pháp) trên Biển Đông với Trung Quốc. Những cuộc đàm phán như vậy đang tạo ra cho Manila cơ hội để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và vấn đề yêu sách chủ quyền phải tạm gác sang một bên để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại. Trong lúc Washington vẫn kỳ kèo mặc cả về một hiệp ước an ninh mới, Aquino dường như ngày càng quan tâm đến việc tham gia cùng chứ không phải đối đầu với Bắc Kinh, nổi bật là tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và hội nhập chứ không phải vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang càu nhàu, giận dỗi sẽ đón nhận nó.

Hồng Thủy