Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD nêu giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV

21/06/2023 06:32
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc tinh giản biên chế GD hiện nay còn bất cập; cần rà soát, cân đối biên chế và tăng cường chính sách thu hút nguồn tuyển.

Việc tinh giản biên chế hướng đến mục tiêu gắn tinh giản biên chế với đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có đức, có tài vào làm việc. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tại nhiều địa phương, số lượng học sinh vẫn liên tục tăng, trong khi vốn đã thiếu cơ sở vật chất, thiếu trường lớp, nay lại phải đối mặt với chuyện thiếu giáo viên, nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.

Trên thực tế, do số lượng giáo viên vẫn còn thiếu nhưng không được phép tuyển mới vì không có chỉ tiêu, cộng thêm việc phải thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình, nên chính quyền, ngành chức năng ở địa phương và các cơ sở giáo dục buộc phải triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo phương châm “có học sinh, phải có giáo viên dạy học”. Đứng trước áp lực thiếu giáo viên, sĩ số học sinh đông khiến các trường phải tính đến ký hợp đồng với theo từng năm, thuê thỉnh giảng theo tiết, tăng lượng học sinh trên một lớp học, sắp xếp, sáp nhập các trường... Mặc dù vậy, đây chỉ là những giải pháp trước mắt song, cũng còn nhiều bất cập trong triển khai.

Để có thêm góc nhìn xoay quanh nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để lắng nghe chia sẻ của bà về những khó khăn, áp lực đối với vấn đề đội ngũ trong ngành giáo dục, đồng thời đề cập đến những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Ngân Chi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Ngân Chi.

Giảm giáo viên, buộc nhiều địa phương phải dồn trường, nhập lớp

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức khiến ngành giáo dục một số nơi gặp khó. Qua hoạt động giám sát của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Đại biểu nhận thấy vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ không cần bàn về quan điểm, vì chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả làm việc là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015. Như vậy, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng tối thiểu 10%. Đây là thành tích đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn về cách làm, vì có tình trạng cào bằng; khó tránh khỏi bất cập trong thực tiễn.

Bất cập được đề cập nhiều trong dư luận, trên diễn đàn Quốc hội chính là câu chuyện tinh giản biên chế theo hướng cơ học ngành giáo dục nói chung, hệ thống giáo dục phổ thông nói riêng. Trên thực tế, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức theo lộ trình đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và khó khăn cho ngành. Cụ thể:

Hiện nay, công thức tính định mức giáo viên đang theo đơn vị lớp. Giảm giáo viên, buộc nhiều địa phương phải dồn trường, nhập lớp, tăng sĩ số học sinh. Đây là thách thức lớn đối với địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, có nhiều các điểm trường lẻ, các lớp ghép, rất khó để bố trí giáo viên đúng theo định biên. Như vậy, làm sao thực hiện được tinh thần là có học sinh, có lớp học phải có giáo viên.

Giảm giáo viên, buộc nhiều địa phương phải dồn trường, nhập lớp, tăng sĩ số học sinh. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Giảm giáo viên, buộc nhiều địa phương phải dồn trường, nhập lớp, tăng sĩ số học sinh. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Bên cạnh đó, cơ cấu giáo viên theo vị trí việc làm chủ yếu được tính theo môn học, ứng với số lớp và số tiết theo chương trình; tinh giản ở môn nào, vị trí nào phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Như vậy, biên chế giáo dục hiện nay vẫn đang giảm cơ học, ví dụ hai giáo viên nghỉ hưu thì được tuyển dụng thêm một người; khó bảo đảm cơ cấu vị trí việc làm hợp lý.

Phóng viên: Qua quá trình giám sát, Đại biểu nhận thấy còn những khó khăn, thách thức nào khác đối với đội ngũ giáo viên, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nên đội ngũ giáo viên phải tiếp cận chương trình mới, dành nhiều thời gian cho bồi dưỡng, tập huấn, nghiên cứu sách giáo khoa mới. Thêm cả đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập nữa. Ngoài ra, một số điều chỉnh trong chương trình mới đòi hỏi phải tăng giáo viên như chương trình tiểu học học 2 buổi/ngày; bổ sung môn mới vào chương trình chính thức: Môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học trong khi, biên chế giáo viên vẫn thực hiện lộ trình tinh giản. Nhiều trường còn có một số giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019, nên phải sắp xếp, bố trí thời gian cho giáo viên tham gia các khóa đào tạo nâng chuẩn.

Giáo dục mầm non tại các địa phương cũng gặp phải thách thức lớn về đội ngũ. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Giáo dục mầm non tại các địa phương cũng gặp phải thách thức lớn về đội ngũ. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Bên cạnh đó, đối với một số địa phương là khu đô thị lớn, khu công nghiệp đang đối mặt với áp lực gia tăng dân số cơ học (như Hà Nội , thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...), hoặc một số tỉnh đang có tình trạng tăng dân số do di dân không theo kế hoạch (nhất là khu vực Tây Nguyên...), dẫn tới nhu cầu tăng học sinh, tăng trường, tăng lớp; nhưng tổng biên chế giáo viên được phân bổ không tương ứng. Ở một số địa phương khác, nhất là khu vực nông thôn, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm do xu hướng rời quê đi tìm việc làm; xu hướng chung là giảm học sinh. Vấn đề thừa trường lớp, thừa biên chế giáo viên là khó tránh. Nhưng trên tổng thể, nơi thừa thì khó cắt biên chế; còn nơi thiếu thì việc tăng biên chế cũng không dễ.

Một thách thức nữa, đó chính là áp lực công việc lớn, yêu cầu ngày càng cao, trong khi lương giáo viên (so với cùng hệ thống công chức, viên chức nhà nước) còn rất thấp, dẫn tới hiện tượng giáo viên nghỉ việc đang có dấu hiệu gia tăng ở một số địa phương.

Thực tế, vấn đề tuyển dụng giáo viên đang gặp khó khăn ở nhiều địa phương, mỗi địa phương khó một kiểu: Do tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ nên không còn biên chế để tuyển; được bố trí biên chế nhưng phải để dành, trừ dần số cần tinh giản hằng năm; còn biên chế, cần tuyển dụng nhưng không có nguồn hoặc không có người đăng ký dự tuyển... Có nơi, số hồ sơ đăng ký dự tuyển ít hơn nhiều so với nhu cầu cần tuyển; thậm chí một năm tổ chức tuyển dụng hai lần vẫn không đủ giáo viên cần bổ sung. Qua giám sát, tôi thực sự rất chia sẻ với các thầy cô giáo và ngành giáo dục.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trên tổng thể, nơi thừa thì khó cắt biên chế; còn nơi thiếu thì việc tăng biên chế cũng không dễ. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trên tổng thể, nơi thừa thì khó cắt biên chế; còn nơi thiếu thì việc tăng biên chế cũng không dễ. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Cần đẩy mạnh cải cách cơ chế chính sách để thu hút người giỏi

Phóng viên: Trước những tồn tại, bất cập trên cần có những giải pháp như thế nào, thưa Đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong 5 năm tới cần phải được làm khẩn trương. Song, vấn đề đặt ra là, làm thế nào cho khoa học. Cần phải cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục và ngành y tế; đồng thời không nên cào bằng, mà cần tính tới yếu tố đặc thù của từng địa phương theo điều kiện kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần xem xét, điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn. Cần gắn với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương trong từng năm, bảo đảm mục tiêu đủ số lượng người làm việc và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhất là đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo, gắn với định mức, số lượng giáo viên mỗi cấp học.

Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, rà soát tổng thể toàn hệ thống các trường phổ thông, phân tích xu hướng tăng giảm số học sinh để cân đối số biên chế giáo viên trong toàn quốc. Từ đó, sắp xếp biên chế theo đúng nhu cầu vị trí việc làm.

Đặc biệt, về cơ chế chính sách, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã khẳng định sẽ quan tâm, rà soát hệ thống quy định; đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Cá nhân tôi ủng hộ những giải pháp này, cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách cơ chế chính sách, nhất là chính sách tiền lương, cải thiện môi trường làm việc để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Cùng với đó, ngành giáo dục cần thường xuyên nắm bắt tâm tư tình cảm của giáo viên, rà soát, cắt giảm hệ thống các quy định về thủ tục hành chính không cần thiết để giải phóng sức lao động cho giáo viên, xây dựng môi trường làm việc tốt nhất để giáo viên thỏa sức sáng tạo.

Cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách cơ chế chính sách, nhất là chính sách tiền lương, cải thiện môi trường làm việc để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách cơ chế chính sách, nhất là chính sách tiền lương, cải thiện môi trường làm việc để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc chuyển tải, cầu nối giữa diễn đàn Quốc hội với cử tri về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Trước hết, tôi đánh giá cao vai trò nòng cốt của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để chuyển tải tới toàn xã hội, các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh những thông điệp về tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là nhiệm vụ lớn và khó; có rất nhiều điểm mới so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006: Chuyển từ giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thực hiện một chương trình thống nhất trong cả nước, sách giáo khoa được sử dụng với vai trò là tài liệu; chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, cũng lần đầu tiên thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa... Về phía giáo viên và các cơ sở giáo dục, được trao quyền chủ động nhiều hơn: Chủ động chọn sách giáo khoa, chủ động xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch bài giảng...

Nữ đại biểu đánh giá cao vai trò nòng cốt của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để chuyển tải tới toàn xã hội, các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh những thông điệp về tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ảnh: Ngân Chi.

Nữ đại biểu đánh giá cao vai trò nòng cốt của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để chuyển tải tới toàn xã hội, các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh những thông điệp về tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ảnh: Ngân Chi.

Đương nhiên, cái mới thường không dễ được đón nhận ngay, cần có thời gian, cần có sự quyết tâm trong việc dứt bỏ lối tư duy cũ, cách làm cũ, kiến thức và kinh nghiệm cũ. Đặc biệt, để Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thành công, hiệu quả, cần sự đồng thuận trong toàn ngành giáo dục, các địa phương, cả cộng đồng xã hội.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội; cũng là thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do vậy, rất cần kênh thông tin kịp thời, sống động, đa chiều từ các cơ quan báo chí, truyền thông, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời các bước triển khai Nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống; ghi nhận và chia sẻ với những cố gắng nỗ lực của đội ngũ các nhà giáo và ngành giáo dục; đồng thời đồng hành cùng Chính phủ, ngành giáo dục và các địa phương triển khai thành công việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Cũng xin gửi gắm thêm đối với các phóng viên và các cơ quan báo chí là do truyền thông rất quan trọng, nên ngành giáo dục mong muốn truyền thông tích cực hơn trong tuyên truyền về cái mới, về cách làm hay, mô hình sáng tạo; và hơn cả là truyền cảm hứng và tinh thần đổi mới đến các nhà giáo, học sinh và toàn xã hội để công cuộc đổi mới giáo dục nhanh chóng thành công.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Đại biểu!

Ngân Chi