Phó Tổng thống Mỹ sẽ tận dụng quan hệ cá nhân gần gũi với Tập Cận Bình

02/12/2013 13:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Bằng uy tín của một nhà trung gian hòa giải trung thực và mối quan hệ cá nhân gần gũi với Tập Cận Bình, các nhà quan sát kỳ vọng rằng chuyến đi lần này của Biden có thể đem lại hiệu quả như mong đợi.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/12 đã khởi hành chuyến công du tới 3 cường quốc châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm cách xoa dịu căng thẳng đang bùng lên sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là "khu nhận diện phòng không" (ADIZ)  nằm "đè" lên lãnh thổ của láng giềng.

Ông Joe Biden được cho là có mối quan hệ cá nhân khá gần gũi với Tập Cận Bình.
Ông Joe Biden được cho là có mối quan hệ cá nhân khá gần gũi với Tập Cận Bình.

Chuyến công du lần này của ông Biden không chỉ làm dịu mối quan hệ với Bắc Kinh mà còn nhằm bày tỏ sự hỗ trợ đối với đồng minh Tokyo và Seoul trong khu vực và khẳng định kế hoạch chuyển trục chiến lược tới châu Á của Mỹ không hề bị xao lãng bởi sự nóng trở lại ở Trung Đông.
Tại Tokyo ngày 3/12, ông Biden có thể sẽ đảm bảo với Nhật Bản rằng liên minh quân sự giữa hai nước có từ năm 1950 vẫn có giá trị dù chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe đang phải đối phó căng thẳng với các động thái của Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku.
"Đó là một chuyến đi đặc biệt quan trọng, trong đó chúng tôi phải tiếp tục nhấn mạnh thông điệp của mình rằng chúng tôi vẫn đang và sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh và vẫn có cách để hai cường quốc lớn Mỹ và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ của thế kỷ 21", Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Obama cho biết.
Mặc dù Washington không chính thức phản đối Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, nhưng từng nhiều lần khẳng định với Tokyo rằng quần đảo Senkaku trên Hoa Đông vẫn nằm trong hiệp ước an ninh chung của hai nước và phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm thay đổi quyền kiểm soát nó của Nhật Bản.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đi thăm Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình còn là Phó chủ tịch nước.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đi thăm Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình còn là Phó chủ tịch nước.


"Tôi cho rằng (Biden) có thể sẽ công khai xác nhận lại cam kết của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ chung và các đảo được bảo vệ  theo 5 điều của hiệp ước và thừa nhận quyền kiểm soát chính của Nhật Bản, phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm suy yếu điều đó", Bonnie Glaser, một chuyên gia Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. "Điều quan trọng là ông ấy sẽ nói công khai điều đó."
Trong cuộc gặp gỡ tại Nhật Bản, NHK cho biết ông Abe có thể sẽ yêu cầu Mỹ tiếp tục giữ vững lập trường trước những yêu sách bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trên Hoa Đông. Và cùng nhau hai đồng minh cũng có khả năng "ép" Bắc Kinh tham gia vào các nỗ lực thiết lập một cơ chế khẩn cấp để tránh xung đột ngoài ý muốn hoặc đối phó với chúng nếu xảy ra.
Tuy nhiên, ông Biden cũng phải tìm cách làm dịu căng thẳng với Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 4/12.
"Những gì mà người Mỹ có thể hy vọng là cố gắng để nói với Trung Quốc rằng động thái đó không phải là hành động thông minh và sẽ phản tác dụng, không có lối thoát", Jonathan Eyal, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện An ninh Hoàng gia ở London cho biết.
Bằng uy tín của một nhà trung gian hòa giải trung thực và mối quan hệ cá nhân gần gũi với Tập Cận Bình, các nhà quan sát kỳ vọng rằng chuyến đi lần này của Biden có thể đem lại hiệu quả như mong đợi.
Mặc dù bế tắc quân sự, các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác với Trung Quốc từ biến đổi khí hậu đến tham vọng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện không rõ ông Biden có yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ gây áp lực với Bình Nhưỡng để trả tự do cho cựu chiến binh Mỹ 85 tuổi Merrill Newman bị bắt hồi tháng trước hay không.
Nguyễn Hường