Teen "ngoan" thời hiện đại

25/06/2011 06:46
So với khoảng hàng chục năm về trước, khái niệm “ngoan” của lứa tuổi teen hiện giờ đã thay đổi rất nhiều.

So với khoảng hàng chục năm về trước, khái niệm “ngoan” của lứa tuổi teen hiện giờ đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta hãy khám phá thế giới của những “bé ngoan” thời @.

Ngoan kiểu… hiện đại

Chăm học, siêng làm, thân ái với bạn bè, không ham chơi, ăn nói lễ phép với người lớn… là chuẩn mực của một cô cậu học trò tuổi teen ngoan ngoãn từ khoảng chục năm về trước.Nhưng giờ đây, hình ảnh một “teen ngoan” không còn hoàn toàn như vậy. Mặc dù về bản chất vẫn không có nhiều khác biệt nhưng quan niệm về “ngoan” hiện nay thoáng và hiện đại hơn hẳn.

Thanh Hằng là một học trò giỏi là gương mẫu của trường PTTH ND (quận Gò Vấp, TP.HCM). Năm lớp 11, vóc dáng cô chợt phổng phao, xinh đẹp hẳn khiến không ít bạn trai theo đuổi. Những lá thư tình ngây ngô tới tấp bay vào cặp sách của cô. Cuối cùng thì cô cũng xao xuyến trước một cậu khá đẹp trai, lại học giỏi nhất lớp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Là con nhà gia giáo, nên Hằng không ngần ngại nói chuyện với mẹ và còn đưa cả những lá thư của “đối tượng” ra để mẹ “mổ xẻ”. Bà mẹ mang chuyện con nói với bạn bè, tự hào rằng con mình ngoan!

Thúy Mai (lớp 10 trường PTTH HHT, quận Tân Bình, TP.HCM) lại là một trường hợp khác: Là con nhà khá giả nên cô rất sành điệu trong chuyện ăn mặc. Vào những ngày nghỉ, cô thường có thói quen cùng bạn bè đi “săn” hàng hiệu, có khi bát phố suốt cả ngày trời.

Nhiều người hàng xóm thấy Mai còn nhỏ mà đã thích chưng diện lấy làm ái ngại. Nhưng cha mẹ cô bé thì tỉnh bơ: “Chẳng sao cả, nó vẫn học giỏi nhất nhì trong lớp, chăm chỉ việc nhà, biết giúp cha mẹ chăm sóc em, ăn nói lễ phép, thế là ngoan rồi".

Quán cà phê Văn Khoa trong khuôn viên trường đại học KHXN&NV TP.HCM lúc nào cũng đông đúc, trong đó có mặt không ít bạn nữ sinh tuổi teen. Nhóm bạn của Hương Thủy có 6 người, trưa nào cũng tụ tập ngồi uống cà phê, nghe nhạc và tán gẫu. Họ ngồi trò chuyện với nhau rất thân mật, nhiều khi còn cầm tay, vuốt tóc nhau. Có người nhìn thấy… ngứa mắt, nhưng hỏi các thầy cô thì được biết nhóm bạn này đều là những cán bộ lớp, có thành tích học tập xuất sắc, hoàn toàn không có điều tiếng gì về tư cách đạo đức.

Cần một chuẩn mực mới?

Các nhà xã hội học đều thống nhát rằng: những biểu hiện như trên đều thuộc phạm trù sinh hoạt cá nhân, trong một chừng mực nào đó thì không hề ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức.

Vấn đề cốt lõi là phía sau những sinh hoạt khá “thoáng” ấy, các em có giữ được nền nếp gia phong, những tình cảm trong sáng, mối quan hện xã hội tốt đẹp, có nuôi dưỡng và thực hiện được những khát vọng, lý tưởng cho cuộc sống trong tương lai hay không?
Như vậy, có thể thấy chuẩn mực về đạo đức là không thay đổi, nhưng những chuẩn mực về hình thức, lối sống đã khác trước rất nhiều.

Cũng theo các nhà xã hội học, một điểm cần lưu ý, đó là ranh giới giữa sự “ngoan ngoãn” với sự bùng nổ, thậm chí là “nổi loạn” ở lứa tuổi teen đang ngày càng trở nên mong manh. Một teen ngoan có thể nổi loạn bất cứ lúc nào nếu có những tác động ngoạn cảnh phù hợp. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên đặc biệt quan tâm đến con cái trong lứa tuổi vô cùng nhạy cảm này.

Nhưng hãy nhớ rằng, quan tâm không đồng nghĩa với sự can thiệp thô bạo, với những định kiến áp đặt. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần định hướng bằng cách chia sẻ, tâm sự đối với những vấn đề trong cuộc sống của con cái. Hãy để các em phát triển một cách tự nhiên trên nền đất tốt, đó là nền nếp gia phong của gia đình, là môi trường xã hội và nhà trường. Khi có sự định hướng đúng và môi trường tốt, các teen đều sẽ ngoan. Nhưng là “ngoan” theo những cách riêng của mình.

Theo Phụ nữ Việt Nam