Theo thông tin từ một số phụ huynh Trường Tiểu học Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội), ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải 2 bài viết: "Phụ huynh Biên Giang bức xúc tiền sổ liên lạc điện tử, hiệu trưởng nói chưa thu" và "Trường cấp 1 Biên Giang báo cáo là phụ huynh nhờ cầm hộ tiền sổ liên lạc điện tử”, họ đã nhận được thông báo sẽ trả lại tiền cầm hộ sổ liên lạc điện tử từ giáo viên chủ nhiệm.
Ảnh minh họa: giadinh.net.vn |
Trước đó, như Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, một số phụ huynh của Trường Tiểu học Biên Giang phản ánh (Hà Đông, Hà Nội) về khoản thu 12.000 đồng một tháng tiền sổ liên lạc điện tử mà họ cho là lãng phí, không cần thiết.
Theo phụ huynh thống kê, tháng 9, phụ huynh nhận được 4 tin nhắn thông qua sổ liên lạc điện tử, tháng 10 nhận được 2 tin nhắn, tháng 11 nhận được 3 tin nhắn.
Tuy nhiên, khi phóng viên làm việc với cô Đặng Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội), cô Hằng khẳng định nhà trường chưa thu tiền sổ liên lạc điện tử. Cô Hằng nói, nhà trường mới đang dùng thử phần mềm sổ liên lạc điện tử từ công ty Công nghệ giáo dục và chưa ký hợp đồng với công ty này.
Để làm rõ khoản tiền 12.000 đồng một tháng mà phụ huynh phải đóng là tiền gì, phóng viên Tạp chí Điện tử Việt Nam đã liên lạc với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông.
Tại buổi làm việc vào ngày 10/12/2020, ông Bạch Ngọc Lợi, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết đã nhận được đơn giải trình của cô Đặng Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Biên Giang.
Trong đơn giải trình, cô Hằng cho biết: “Đầu năm học, căn cứ vào nguyện vọng của phụ huynh học sinh, nhà trường đã triển khai việc sử dụng thử miễn phí dịch vụ tin nhắn điện tử trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Công ty cung cấp là Công nghệ giáo dục, gói cước là 12.000 đồng một tháng. Trong thời gian chạy thử, tại tháng 9 nhà trường đã nhắn được 4 tin, tháng 10 nhà trường nhắn 2 tin, tháng 11 nhà trường đã nhắn 3 tin.
Trong thời gian dùng thử nghiệm thì nhà trường không thu tiền của phụ huynh học sinh. Sau thời gian chạy thử nghiệm nếu công ty Công nghệ giáo dục mà đáp ứng được yêu cầu của nhà trường đó là tin nhắn phải có dấu, số lượng tin nhắn phải đủ, nhanh gọn, thuận tiện và hiệu quả thì nhà trường mới ký hợp đồng với công ty Công nghệ giáo dục và lúc đó mới triển khai thu tiền.
Hiện nay, nhà trường cũng triển khai các phần mềm miễn phí khác. Tuy nhiên nhiều gia đình học sinh không có hệ thống mạng internet nên là không nhận được tin nhắn. Còn khi dùng dịch vụ tin nhắn điện tử của công ty Công nghệ giáo dục thì tất cả các loại điện thoại, kể cả điện thoại không phải là điện thoại thông minh đều nhận được tin nhắn.
Trong khi đó, hoàn cảnh của một số phụ huynh phải đi làm, đi chợ về rất là muộn nên không thể tháng nào cũng đến trường đóng tiền cho cô giáo được nên đã gửi tiền luôn cho cô giáo, nhờ cô giáo là sang học kỳ 2 nếu nhà trường thấy dùng dịch vụ tin nhắn điện tử của công ty Công nghệ giáo dục mà thấy tốt, muốn ký hợp đồng thì nộp hộ, còn nếu nhà trường không ký hợp đồng với công ty Công nghệ giáo dục thì cô giáo sẽ trả lại phụ huynh".