Trường Mẫu giáo Tân Xuân huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận trước đây vốn có 5 cơ sở nhỏ lẻ nằm rải rác quanh xã.
Bởi thế, khá khó khăn cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh nơi đây đặc biệt là công việc tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trong trường.
Năm 2018 nhà trường đã được xây dựng khang trang và rút gọn lại còn 2 cơ sở giáo dục.
Tuy thế, việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh cũng gặp nhiều khó khăn.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường mẫu giáo Tân Xuân huyện Hàm Tân (Ảnh tác giả) |
Cô Hồ Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Cái khó vì học sinh nơi đây quá nghèo cùng với việc phụ huynh chưa thật sự đặt niềm tin vào những bữa ăn học đường”.
Với 2 cơ sở giáo dục cùng nhiều học sinh là người dân tộc Rai với điều kiện sinh sống còn gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, bằng những cách làm đầy nhân văn và đảm bảo công khai, minh bạch mọi việc, Trường Mẫu giáo Tân Xuân huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức tốt bếp ăn bán trú cho gần ba trăm học sinh nơi đây.
Chia sẻ về điều này, cô Hiệu trưởng Hồ Thị Mỹ Linh cho biết:
“Để tổ chức được bếp ăn bán trú trong nhà trường, bước đầu vô cùng gian nan. Nhiều phụ huynh không chịu vì sợ tốn tiền, sợ chất lượng bữa ăn không đảm bảo”.
Cô Linh giải thích, một bữa ăn bán trú của các em chỉ có 17 ngàn/ngày, nhưng với phụ huynh nghèo nơi đây, họ có thể mua rau, mua mắm để ăn cả gia đình.
Bình Thuận cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú |
Có nói, có thuyết phục cũng không bằng phụ huynh phải được “mục sở thị”.
Vậy là, thời gian đầu tổ chức bữa ăn bán trú, nhà trường đã vận động tiền của một số Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho những học sinh nghèo.
Đồng thời, cho chính phụ huynh cùng tham gia vào bếp với nhà trường, cô Mỹ Linh cho biết.
Phụ huynh được xem thực đơn bữa ăn thay đổi hằng ngày của trường.
Xem hợp đồng, nghe các điều khoản cam kết của bên cung ứng.
Đáng chú ý ở những cam kết, đồ ăn mỗi ngày cung cấp phải là đồ tươi, sống, nếu nhà trường kiểm tra không đảm bảo theo yêu cầu, lần đầu nhắc nhở, lần hai cảnh cáo và lần ba cương quyết cắt hợp đồng.
Điều đặc biệt, phụ huynh chính là người giám sát. Họ được vào xem quá trình nhận thực phẩm chế biến, được nhìn, cảm nhận và trực tiếp kiểm tra xem có đúng là nguyên liệu tươi sống không?
Ngoài ra, còn vào tận bếp xem cách chế biến nguyên liệu có sạch? Có đảm bảo vệ sinh? Và được ăn cùng các con.
Những học sinh bị dị ứng với một số đồ ăn, nhà trường theo dõi (hoặc được phụ huynh thông báo) những học sinh này, sẽ có một thực đơn riêng trong ngày.
Cô hiệu trưởng cho biết, nhà trường sẵn sàng lắng nghe những góp ý, những phản hồi từ phụ huynh về chất lượng từng bữa ăn.
Bữa ăn trưa ở trường tiểu học chuẩn quốc gia được tổ chức ra sao? |
Ví dụ chỉ đơn gian, khi đi học về nghe con nói rằng “Mẹ ơi! Hôm nay con đói bụng lắm”. Hay “Hôm nay, con không ăn được nhiều!”…
Chính hiệu trưởng sẽ gặp giáo viên phụ trách để tìm hiểu “Bữa ăn hôm ấy, trẻ ăn thế nào?
Giáo viên cho các em chơi những hoạt động gì? (có khi trẻ mệt và biếng ăn, có những hoạt động cần sự vận động nhiều nên trẻ mau đói) và trả lời ngay để phụ huynh biết.
Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra bếp ăn bán trú và giờ ăn của trẻ một cách đột xuất. Nếu hôm ấy dư đồ ăn nhiều sẽ phải kiểm tra ngay vì sao trẻ lại ăn ít?
Với cách làm minh bạch và đầy nhiệt huyết, chỉ trong một thời gian ngắn 100% phụ huynh Trường Mầm non Tân Xuân đã đăng ký cho con được ăn bữa ăn bán trú tại trường.
Nói về điều này, Cô Mỹ Linh tỏ ra hồ hởi “Nhìn các em ăn ngon, gọn gàng (một số em còn xin thêm) nhiều đứa trẻ nơi đây, tiếp thu đồ ăn tốt nên đã thay đổi từng ngày.
Phụ huynh vui mừng vì sự đổi thay của con.
Còn tập thể giáo viên, công nhân viên của trường đã rất vui vì mình làm tròn trách nhiệm, làm đúng lương tâm nhà giáo.