Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ bởi tác động của công nghệ, dữ liệu, kinh tế số và biến đổi xã hội sâu sắc, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn không những không bị lu mờ, mà càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.
Những lĩnh vực tưởng chừng “mềm”, “truyền thống” như văn học, lịch sử, văn hóa, địa lí, báo chí, công tác xã hội hay tâm lí học… lại đang đóng vai trò cốt lõi trong việc định hướng giá trị, phát triển con người, giải quyết các vấn đề xã hội và đảm bảo phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước gần đây – từ chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, giáo dục toàn diện, cho đến bảo tồn di sản, bảo vệ chủ quyền văn hóa, gìn giữ môi trường… đều cần đến sự đóng góp thiết thực và sáng tạo từ đội ngũ những người làm công tác xã hội, truyền thông, văn hóa, giáo dục và nghiên cứu xã hội.
Trong bối cảnh ấy, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (UED) đã và đang đào tạo 9 ngành cử nhân khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn một cách bài bản, chính quy, gắn với thực tiễn vùng miền và tầm nhìn phát triển bền vững của đất nước.
Những ngành cơ bản, thiết yếu và bền vững
Các ngành đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng không chỉ là những ngành truyền thống mang giá trị học thuật lâu bền, mà còn được định hướng ứng dụng rõ nét, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như toàn quốc.
Mỗi ngành đều góp phần hình thành nền tảng nhân văn trong phát triển xã hội và nuôi dưỡng những năng lực thiết yếu của công dân hiện đại: tư duy phản biện, năng lực giao tiếp, khả năng thấu cảm, hành động vì cộng đồng và hướng tới cái đẹp.

Cử nhân Văn học: Giữ hồn ngôn ngữ và truyền cảm hứng sáng tạo
Ngành Văn học đào tạo đội ngũ có năng lực nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng ngôn ngữ – văn chương vào các lĩnh vực giáo dục, xuất bản, truyền thông, quảng bá văn hóa. Trọng tâm chương trình hướng đến phát triển năng lực tư duy biểu đạt, cảm thụ văn học, sáng tác và biên tập. Cử nhân Văn học có thể làm việc trong giáo dục, các cơ quan báo chí – truyền thông, nhà xuất bản, doanh nghiệp sáng tạo nội dung hoặc nghiên cứu về văn hóa – nghệ thuật Việt Nam.
Cử nhân Văn hóa học: Kiến tạo bản sắc – kết nối cộng đồng
Ngành Văn hóa học là nơi nuôi dưỡng tri thức liên ngành giữa nhân học, xã hội học, tâm lí học, nghiên cứu văn hóa và truyền thông. Người học được trang bị khả năng phân tích, đánh giá, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghiên cứu di sản, phát triển công nghiệp văn hóa và văn hóa cộng đồng. Đây là ngành học đặc biệt phù hợp với miền Trung – vùng đất giàu bản sắc văn hóa, đang vươn mình mạnh mẽ trong phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa...
Cử nhân Quan hệ công chúng: Kết nối giá trị – dẫn dắt truyền thông
Ngành Quan hệ công chúng (PR) ra đời trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ và nhu cầu xây dựng thương hiệu – truyền thông cộng đồng ngày càng gia tăng. Sinh viên được đào tạo các kĩ năng lập kế hoạch truyền thông, xây dựng hình ảnh, quản lí sự kiện, truyền thông nội bộ và xử lí khủng hoảng truyền thông. Chương trình đào tạo gắn với thực hành thông qua dự án truyền thông, kết nối với doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Cử nhân Báo chí: Truyền thông trong thời đại số
Ngành Báo chí của Nhà trường có gần 20 năm phát triển, đã được kiểm định chất lượng và khẳng định uy tín. Chương trình đào tạo hiện đại, kết hợp hài hòa giữa lí thuyết và thực hành, trang bị cho sinh viên kĩ năng viết báo, dựng hình, chụp ảnh, làm truyền hình, báo mạng, báo đa phương tiện. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, ngành Báo chí còn giúp người học làm chủ công cụ công nghệ và tư duy phản biện trước thông tin.
Cử nhân Lịch sử: Gìn giữ ký ức dân tộc, kiến tạo tương lai
Lịch sử là ngành nền tảng của tư tưởng – bản sắc dân tộc và chủ quyền quốc gia. Cử nhân Lịch sử được đào tạo không chỉ để giảng dạy, mà còn có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tàng, di sản, du lịch, truyền thông giáo dục và phát triển chính sách văn hóa. Ngành hướng tới việc nâng cao khả năng tư duy hệ thống, logic và phân tích dữ liệu lịch sử, đồng thời giúp sinh viên nhận thức sâu sắc về vai trò của lịch sử trong bối cảnh hiện đại.
Cử nhân Việt Nam học: Hiểu đất nước – làm chủ bản sắc
Ngành Việt Nam học (chuyên ngành Văn hóa – Du lịch) kết hợp giữa nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tâm lí dân tộc, di sản, địa phương học và nghiệp vụ du lịch. Đây là ngành có tính ứng dụng cao trong phát triển du lịch bền vững, quảng bá văn hóa và giáo dục công dân toàn cầu có hiểu biết sâu sắc về quê hương, đất nước.
Cử nhân Địa lí học: Tư duy không gian – phát triển bền vững
Ngành Địa lí học đào tạo sinh viên có khả năng phân tích, đánh giá và lập kế hoạch phát triển không gian, tài nguyên và dân cư. Chương trình kết hợp giữa địa lí tự nhiên, địa lí nhân văn, GIS và quản lí đô thị. Cử nhân Địa lí học có thể làm việc trong giáo dục, quản lí tài nguyên, quy hoạch, phát triển nông thôn và đô thị, du lịch và biến đổi khí hậu.

Cử nhân Tâm lí học: Chăm sóc sức khỏe tinh thần – thấu cảm xã hội
Ngành Tâm lí học đang trở thành xu hướng đào tạo quan trọng trong thời đại chú trọng sức khỏe tinh thần, phát triển cá nhân và hỗ trợ cộng đồng. Sinh viên được học các lĩnh vực tâm lí học giáo dục, tâm lí học lâm sàng, tâm lí học tổ chức – doanh nghiệp, được thực hành tại trung tâm tư vấn tâm lí, các cơ sở giáo dục và xã hội.
Cử nhân Công tác xã hội: Hành động vì cộng đồng – vì sự công bằng
Công tác xã hội là ngành học có tính nhân văn sâu sắc và tính ứng dụng rộng rãi. Chương trình đào tạo cung cấp năng lực hỗ trợ, tư vấn, can thiệp, kết nối và bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội. Cử nhân Công tác xã hội có thể làm việc tại trường học, bệnh viện, tổ chức phi chính phủ, trung tâm bảo trợ hoặc cơ quan nhà nước.
Gắn lí thuyết với thực hành – Gắn chuyên môn với cộng đồng
Một trong những điểm nổi bật trong đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Nhà trường là sự kết nối chặt chẽ giữa lí thuyết và thực hành. Các chương trình đều có học phần thực hành nghề nghiệp, kiến tập, thực tập tại các cơ sở như trường học, cơ quan báo chí, viện bảo tàng, tổ chức xã hội, doanh nghiệp truyền thông hoặc địa phương...
Nhà trường cũng phát triển các nhóm nghiên cứu ứng dụng liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tâm lí, truyền thông, di sản, công tác xã hội… với sự tham gia của sinh viên, giảng viên và cộng đồng. Nhiều dự án truyền thông cộng đồng, chương trình giáo dục di sản, hoạt động tư vấn học đường, hỗ trợ học sinh khuyết tật, hướng nghiệp cho thanh thiếu niên đã được thực hiện hiệu quả, góp phần kết nối Nhà trường với xã hội.
Cấu trúc khoa học – tổ chức liên ngành – tư duy mở
Các khoa đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Trường được tổ chức thành các đơn vị có tính tích hợp cao như Khoa: Ngữ Văn – Truyền thông, Sử - Địa – Chính trị, Tâm lý – Giáo dục – Công tác xã hội; tạo điều kiện cho học tập liên ngành, nghiên cứu và giao lưu học thuật. Chương trình đào tạo cũng khuyến khích sinh viên học song ngành, học tự chọn mở rộng và tích lũy tín chỉ đa dạng.
Chuẩn đầu ra của các ngành được xây dựng một cách lượng hóa, rõ ràng, bao gồm kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, năng lực tư duy và khả năng làm việc nhóm, làm việc trong môi trường liên văn hóa – liên ngành.
Hướng đến đại học nhân văn – hội nhập – đổi mới sáng tạo
Những đổi mới trong đào tạo các ngành khoa học xã hội – nhân văn tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng thể hiện rõ tầm nhìn của một trường đại học không chỉ gắn bó với truyền thống giáo dục, mà còn hội nhập vào xu thế toàn cầu. Trong thời đại phát triển nhanh, các ngành học này chính là trụ cột tư tưởng, nền tảng đạo đức và nguồn lực sáng tạo bền vững.

Nhà trường đặt mục tiêu xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, gắn kết doanh nghiệp và cộng đồng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục – xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát triển các trung tâm học liệu, không gian sáng tạo, trung tâm tư vấn, các diễn đàn học thuật – văn hóa, góp phần đưa tri thức khoa học xã hội đến gần hơn với đời sống.
Đào tạo người học – kiến tạo tương lai
Chọn học ngành khoa học xã hội và nhân văn là chọn đi vào chiều sâu của con người, văn hóa và xã hội. Đó không phải là lựa chọn “dễ” mà là lựa chọn “đúng” – khi người học muốn làm nghề tử tế, sống nhân văn và tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cam kết tiếp tục phát triển các ngành học này như những nền móng tri thức vững chắc, vừa gắn với văn hóa bản địa, vừa mở ra cơ hội hội nhập toàn cầu. Đó là hành trình của đổi mới – nhân văn – sáng tạo, hướng đến một đại học đổi mới sáng tạo đặc sắc và bền vững trong kỉ nguyên mới.