Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng chú ý, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.
Trước đây, đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các nhiệm vụ này do Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Tăng cường sự phối hợp thực chất giữa nhà trường và Sở Giáo dục Đào tạo
Chia sẻ về tình hình đội ngũ của nhà trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Quảng Ngãi) cho biết: "Hiện tại, đội ngũ giáo viên tại trường cơ bản đủ về số lượng để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Về chất lượng, phần lớn giáo viên đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động cập nhật đổi mới phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định khi một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới kiểm tra đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Việc bồi dưỡng năng lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần được tiếp tục thường xuyên, đặc biệt ở các môn mới tích hợp nội dung hoặc phân hóa mạnh như Khoa học, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm.
Cô Hạnh thông tin chi tiết, năm học 2022-2023 nhà trường thiếu cục bộ giáo viên ở một số bộ môn như Tin học, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất đặc biệt ở cấp Tiểu học do yêu cầu mới về dạy học phân môn bắt buộc.
Năm học 2023-2024, một số giáo viên nghỉ hưu dẫn đến thiếu giáo viên ở các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Giáo dục thể chất. Năm học 2024-2025, tình hình cơ bản ổn định hơn do đã có kế hoạch điều tiết, môn, bài, kiêm nhiệm và tuyển dụng bổ sung, song vẫn còn thiếu giáo viên ở các môn cần năng lực đặc thù như Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất.
Chia sẻ thêm về công tác tuyển dụng giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho hay, nhờ sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo trong việc rà soát, thống kê nhu cầu; nhà trường chủ động phối hợp với địa phương để thông tin, tiếp cận ứng viên, chính sách ưu tiên tuyển dụng giáo viên trẻ, đạt về trình độ đào tạo ở các trường sư phạm nên việc tuyển dụng có nhiều thuận lợi
Bên cạnh đó còn những vướng mắc như thiếu nguồn tuyển đối với các môn đặc thù hoặc yêu cầu năng lực liên ngành, nhiều giáo viên trẻ còn e ngại về môi trường làm việc tại vùng sâu, vùng xa hoặc trường có điều kiện khó khăn như Trường Tiểu học Bế Văn Đàn.

Đánh giá việc nhiệm vụ tuyển dụng giáo viên được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh bày tỏ: “Tôi đánh giá tích cực về chủ trương trên. Việc giao nhiệm vụ tuyển dụng giáo viên cho Sở Giáo dục và Đào tạo là một bước đi phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự thống nhất, công bằng và hiệu quả trong việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực giáo dục.
Điều này sẽ đem lại những tác động tích cực cho hoạt động của nhà trường như việc đảm bảo chất lượng chuyên môn ngay từ đầu vào; tăng tính công bằng, minh bạch trong tuyển dụng; phân bổ hợp lý, tránh thừa - thiếu cục bộ; giảm áp lực hành chính cho nhà trường; tăng cơ hội tiếp cận nguồn giáo viên trẻ, chất lượng.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chủ trương trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường trong việc xác định nhu cầu thực tế, mô tả vị trí việc làm, cũng như bố trí, phân công giảng dạy sau khi tuyển dụng.
Cụ thể, nhà trường cần chủ động rà soát định biên, thống kê số lượng giáo viên hiện có, những vị trí còn thiếu, những vị trí nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc nghỉ thai sản dài hạn... từ đó đề xuất nhu cầu tuyển dụng với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đội ngũ giáo viên tập trung, phối hợp xây dựng tiêu chí và vị trí việc làm sát thực tiễn, tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch hóa quy trình, hỗ trợ sau tuyển dụng, đảm bảo phân công hợp lý".
Để quy trình tuyển dụng vừa nhanh chóng, thuận tiện vừa đảm bảo chất lượng, vị Hiệu trưởng đề xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp hồ sơ, thi tuyển, theo dõi tiến độ xét tuyển nhằm rút ngắn thời gian và minh bạch hóa toàn bộ quy trình.
Rút gọn các thủ tục hành chính không cần thiết, song vẫn đảm bảo khâu đánh giá chất lượng đầu vào được thực hiện nghiêm túc, công khai.
Tổ chức thi tuyển kết hợp với phỏng vấn thực hành sư phạm, đặc biệt ở những môn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, tổ chức lớp học (Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm…).
"Việc giao nhiệm vụ tuyển dụng cho Sở là hợp lý, nhưng hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp thực chất giữa nhà trường và Sở - từ khâu xác định nhu cầu đến bố trí, sử dụng giáo viên sau tuyển dụng", cô Hạnh chia sẻ.
Cùng đề cập đến vấn đề tuyển dụng giáo viên, thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi) chia sẻ, số lượng các cơ sở giáo dục các cấp là rất lớn, đặc biệt sau sáp nhập nếu quy về đầu mối Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có phần quá tải.
Thầy Lộc nói: “Hiện nay giáo viên tốt nghiệp ra trường không thiếu so với nhu cầu tuyển dụng nhưng quy trình tuyển dụng còn rườm rà, chính vì vậy mà chưa kịp thời bổ sung giáo viên thiếu cho các cơ sở giáo dục.
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ Sở Giáo dục và Ủy ban nhân dân các xã giao số biên chế thực hiện hằng năm theo đề án vị trí việc làm cho Hiệu trưởng, Hiệu trưởng căn cứ vào tình hình thực tế của trường để tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) và Ủy ban nhân dân xã (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) ra quyết định tuyển dụng".

Cần giám sát chặt chẽ hơn quy trình đánh giá, thăng hạng chức danh
Bàn luận thêm về các vấn đề khác như thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn bày tỏ: "Hiện nay, trong nhiều trường hợp, nhà trường mới chủ yếu đóng vai trò tiếp nhận, sắp xếp giáo viên theo phân công từ cấp trên, chứ chưa thực sự chủ động trong việc quy hoạch – sử dụng – phát triển nhân sự theo định hướng riêng của mình.
Quy trình đào tạo - bồi dưỡng - thăng hạng vẫn còn mang tính hình thức ở một số nội dung, chủ yếu tập trung vào hồ sơ, chứng chỉ.
Để thực sự khuyến khích giáo viên phát triển chuyên môn, cần có những thay đổi như việc bồi dưỡng phải thiết thực, linh hoạt, gắn với thực tế giảng dạy; thăng hạng chức danh giáo viên phải dựa vào năng lực thực tế; có chính sách tạo động lực rõ ràng.
Như vậy, để đội ngũ giáo viên thực sự phát triển, nhà trường cần được trao quyền thực chất hơn trong quản lý nhân sự; còn giáo viên cần được đào tạo và đánh giá dựa trên giá trị nghề nghiệp chứ không chỉ là thủ tục hành chính. Khi ấy, chất lượng giáo dục sẽ chuyển biến từ gốc rễ"
Nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập, cô Hạnh đề xuất cần có thêm chính sách thu hút và giữ chân giáo viên chất lượng, đãi ngộ, nâng cao đời sống giáo viên; cơ chế tuyển dụng linh hoạt, hiệu quả; đổi mới chính sách bồi dưỡng và phát triển chuyên môn; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và xã hội.
Tóm lại, để đội ngũ giáo viên vừa đủ về số lượng, vừa vững về chất lượng, không thể chỉ trông chờ vào từng giáo viên tự nỗ lực. Cần có cơ chế tổng thể từ tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đến phát triển nghề nghiệp, và quan trọng hơn là trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục để chủ động xây dựng đội ngũ theo đặc thù của mình.
Dưới góc nhìn của thầy Nguyễn Phúc Lộc: “Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nên có sự liên kết giữa đơn vị tuyển dụng và cơ sở giáo dục đào tạo để để nắm bắt nhu cầu việc làm. Đơn vị tuyển dụng được quyền góp ý chương trình đào tạo thông qua các hội nghị, hội thảo.
Đối với việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp không chỉ căn cứ vào thâm niên công tác mà còn phải dựa vào năng lực thực hiện nhiệm vụ và thành tích đạt được. Có như vậy thì mới khuyến khích được đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn tốt".
Từ góc nhìn của thầy Nguyễn Xuân Chung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sán Chải (Lào Cai) cho biết: “Việc Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhận các nhiệm vụ tuyển dụng giáo viên là hợp lý vì có thể cân đối số lượng giáo, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị, tránh tình trạng trường thừa giáo viên trong khi trường khác lại thiếu.
Đối với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sán Chải, hiện đang không có tình trạng thiếu giáo viên nhưng vấn đề chất lượng giáo viên cần được cải thiện.
Theo dự thảo Thông tư, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Việc làm trên sẽ giúp giáo viên có nhiều cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn vì được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi với đồng nghiệp trong địa bàn tỉnh, không bó hẹp trong cấp huyện như trước.
Ngoài ra, đối với công tác đánh giá đội ngũ nhà giáo khi có sự thực hiện của Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch, tránh tình trạng nể nang vẫn còn đang tồn tại, cho thấy rõ năng lực và kết quả công tác của giáo viên
Chúng ta có thể cân nhắc áp dụng bài kiểm tra năng lực giáo viên để đánh giá. Cuối năm học 2024-2025 vừa qua, nhà trường đã tiến hành công tác này, kiểm tra giáo viên với bài thi về kiến thức chung và kiến thức chuyên môn cùng khả năng ứng dụng công nghệ thông. Qua đó đánh giá tương đối chính xác năng lực của giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng chuẩn đội ngũ”.

Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Xuân Chung cho rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm công tác đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý sẽ mang lại tính khách quan, công bằng và thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ.
Công tác đánh giá cần được thực hiện chặt chẽ, với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và yêu cầu cao nhằm phản ánh đúng năng lực thực tế, đồng thời hạn chế tình trạng thiếu thực tế như trước đây, khi hội đồng đánh giá cấp huyện đôi khi không trực tiếp làm việc tại trường, dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng năng lực của đội ngũ quản lý.
Điều này không chỉ giúp nhận diện những cá nhân xuất sắc để tuyên dương, khích lệ họ tiếp tục cống hiến, mà còn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể cho những người chưa đạt chuẩn, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý.
Ngoài ra, với vấn đề điều động, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên, theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sán Chải, khi giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm bảo tính công bằng, tránh việc giáo viên công tác quá lâu ở nơi có điều kiện thuận lợi ngược lại, cũng có những thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa nhiều năm muốn thay đổi môi trường để học hỏi thêm, phát huy năng lực.