Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo đề án quốc gia “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến 2045”.

Mục tiêu chung là tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu, làm việc, để từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, góp phần vào công cuộc phát triển và vươn mình của đất nước.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là một trong số ít các trường đại học Việt Nam sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ đào tạo chính thức, với mục tiêu không chỉ cung cấp kiến thức chuẩn quốc tế, mà còn trang bị cho sinh viên năng lực ngôn ngữ và tư duy học thuật toàn cầu.

Giảng dạy bằng 100% tiếng Anh là chủ trương nhất quán và chiến lược của USTH

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng USTH chia sẻ, USTH được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp, với mục tiêu xây dựng một trường đại học xuất sắc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong thời kỳ hội nhập. Vì vậy, việc triển khai giảng dạy 100% bằng tiếng Anh ở tất cả các bậc học - từ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ là một chủ trương nhất quán và chiến lược của nhà trường ngay từ những ngày đầu thành lập.

z6790381790931-d4f3a3f96cf21ba6361e672d29cc0245.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và xu hướng toàn cầu hóa, ngày càng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, đặt trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D) và nhà máy sản xuất.

Những doanh nghiệp này không chỉ yêu cầu năng lực chuyên môn vững vàng mà còn đòi hỏi ứng viên phải có khả năng làm việc, và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh trong môi trường quốc tế.

Vì vậy, việc trang bị năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành khoa học – công nghệ, trở thành nền tảng quan trọng để sinh viên Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và đáp ứng tốt yêu cầu từ các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, tài liệu chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ đều được công bố bằng tiếng Anh. Vì vậy, sở hữu khả năng ngoại ngữ tốt tạo tiền đề thuận lợi để sinh viên chủ động và tiếp cận nhanh với kiến thức và công nghệ hiện đại hay tham gia hội thảo, diễn đàn học thuật cũng như kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế.

z6790246759075-edead2ec225f6d8a9a3236d7b75da7ac.jpg
Ảnh minh họa: USTH.

Hiện nay, USTH đang đào tạo 20 chương trình trình độ đại học, bao gồm 17 chương trình đơn bằng và 03 chương trình cấp song bằng Việt - Pháp; 6 chương trình thạc sĩ, trong đó có 05 chương trình cấp song bằng Việt - Pháp, 01 chương trình cấp đơn bằng; 07 chương trình tiến sĩ đào tạo toàn thời gian tại USTH và chương trình liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ với đối tác Pháp.

Gần như toàn bộ các chương trình đào tạo của USTH được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chỉ riêng chương trình Dược học được giảng dạy 70% bằng tiếng Anh và 30% bằng tiếng Việt nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của Dược sĩ và quy định chuyên môn trong nước.

z6790246845367-f764e8372fa74f2e571e27e062cbdc11.jpg
Ảnh minh họa: USTH.

Việc triển khai các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh là một quyết định chiến lược của USTH, đón đầu định hướng của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, USTH cũng là một trong số rất ít trường đại học tại Việt Nam chỉ tập trung đào tạo chuyên sâu về các ngành khoa học và công nghệ - những lĩnh vực then chốt gắn liền với xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược trong thời kỳ mới, như: Công nghệ thông tin, Khoa học Vật liệu, Năng lượng tái tạo, Công nghệ Sinh học, Khoa học Môi trường, Cơ điện tử và Khoa học Vũ trụ. Đây cũng là những lĩnh vực đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ, giải quyết các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số toàn cầu.

Để trở thành công dân toàn cầu, sinh viên cần trang bị những gì?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng, để trở thành công dân toàn cầu, bên cạnh năng lực ngoại ngữ tốt, sinh viên cần phải có hiểu biết đa văn hóa, tư duy toàn cầu và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Nhận thức rõ điều này, USTH đã xây dựng phương pháp đào tạo chú trọng vào việc phát triển các kỹ năng thiết yếu cho sinh viên. Phương pháp đào tạo tại USTH đề cao tính thực hành, thực tiễn và nghiên cứu ngay trong suốt quá trình học. Mỗi môn học chuyên ngành đều dành tối thiểu 30% thời lượng cho thực hành, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên được tham gia trực tiếp vào các đề tài nghiên cứu khoa học cùng giảng viên và thực tập tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trong và ngoài nước.

z6790246950389-22dbf1388c1ac47e4709fecbcd5d65d7.jpg
Ảnh minh họa: USTH.

Phương pháp đào tạo này sẽ trang bị cho người học kiến thức chuyên môn vững vàng, đồng thời phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, và làm việc trong môi trường đa văn hóa. Đây chính là nền tảng để sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, những chuyên gia, nhà khoa học có khả năng đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của nền khoa học và công nghệ Việt Nam trong tương lai.

“Người trong cuộc” kể hành trình vượt giới hạn, mở cánh cửa hội nhập quốc tế nhờ chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh

Chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh của USTH giúp người học mở ra cánh cửa hội nhập sâu rộng với thế giới. “Người trong cuộc” – những cựu sinh viên, học viên USTH đã có những chia sẻ sâu sắc xoay quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên hiện đang công tác tại Khoa Dược, Trường Đại học Công nghệ Đông Á trải qua hành trình học tập bền bỉ kéo dài hơn một thập kỷ tại USTH – nơi ghi dấu từng bước trưởng thành cả về chuyên môn lẫn tư duy nghiên cứu của một nhà khoa học trẻ.

Ngay từ bậc đại học, cô Liên đã lựa chọn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học – Dược học (hiện nay là ngành Công nghệ sinh học – Phát triển thuốc). Tình yêu với khoa học tiếp tục dẫn lối cô học lên cao học với chuyên ngành Y sinh học. Không dừng lại ở đó, cô quyết định làm nghiên cứu sinh, chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học Nông – Y – Dược. USTH trở thành nơi đặt nền móng cho hành trình học thuật nghiêm túc, bền bỉ sau này của cô Liên.

z6790371631488-b35a6e863b77fb354215133eb4869eb7.jpg
Cô Nguyễn Ngọc Liên chia sẻ trong sự kiện Ngày hội tiến sĩ tại USTH.

Trao đổi với phóng viên, cô Liên cho biết việc được học hoàn toàn bằng tiếng Anh tại USTH đã mang đến cho cô nhiều lợi thế và có thể nói là “bước ngoặt nền tảng” quá trình học tập và phát triển sau này của nữ giảng viên trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên cho biết khi học trung học phổ thông, cô chỉ học tiếng Anh trong các tiết chính khóa, chưa có điều kiện học thêm vì không có định hướng du học hay học tập trong môi trường quốc tế. Vì vậy, trong giai đoạn đầu học tập tại USTH, cô cũng gặp không ít thử thách. “Thế nhưng vì phải học mọi môn học - từ Toán, Hóa, Sinh đến các môn chuyên ngành, hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên tôi bắt buộc phải thích nghi. Chính điều này đã rèn cho tôi khả năng tư duy bằng tiếng Anh trong chuyên môn, chứ không đơn thuần “dịch từng câu từng chữ”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên chia sẻ.

Với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên, USTH không chỉ là nơi trau dồi tri thức mà còn khơi mở cho cô tư duy học thuật hiện đại, bản lĩnh và khả năng thích nghi cao - những hành trang thiết yếu cho một thế hệ nhà khoa học trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và biến động.

“Khi tôi sang nước ngoài thực tập, nghiên cứu, tôi không hề cảm thấy bỡ ngỡ trước hệ thống tài liệu hay các ngôn ngữ học thuật, không mất thời gian chuyển đổi cách tiếp cận tài liệu. Tất cả đều đã trở nên quen thuộc trong suốt quá trình học tại USTH”, cô nói.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, điều mà Tiến sĩ Liên đặc biệt đánh giá cao là cách USTH đào tạo sinh viên, học viên về tư duy phản biện và phương pháp làm việc khoa học. Sinh viên không chỉ học để ghi nhớ, mà còn học để đặt câu hỏi, để phản biện, để kiến tạo tri thức mới.

Ngoài ra, USTH còn có một môi trường học tập cởi mở, giàu tính quốc tế. Tại đây, cô có cơ hội làm việc cùng các giảng viên nước ngoài, được tham dự seminar với các nhà khoa học quốc tế, và đặc biệt là học cách cộng tác hiệu quả trong các nhóm nghiên cứu đa quốc gia.

Không dừng lại ở việc đào tạo, USTH còn mang lại cho sinh viên, học viên một mạng lưới kết nối rộng khắp, từ giảng viên, chuyên gia, đến cựu sinh viên đang học tập và làm việc tại nhiều viện nghiên cứu, đại học, tổ chức quốc tế. Chính những kết nối này đã giúp tôi mở ra nhiều cánh cửa mới, không chỉ trong học thuật mà cả trong hành trình nghề nghiệp. Đó là giá trị mà không phải ngôi trường nào cũng có thể mang lại.

“Sau hơn 10 năm nhìn lại, tôi vẫn luôn cảm thấy quyết định chọn USTH là một trong những lựa chọn đúng đắn và quan trọng nhất của cuộc đời mình. USTH không chỉ trang bị cho tôi nền tảng kiến thức để vững vàng theo đuổi nghề nghiệp mà tôi yêu thích, mà còn rèn luyện cho tôi tôi bản lĩnh để bước ra thế giới. Và với tôi, đó là một hành trang vô giá và tôi luôn trân quý”, cô khẳng định.

Cùng trao đổi, Nguyễn Minh Hiếu - cựu sinh viên cử nhân khóa 8 và học viên thạc sĩ M20, khoa Nước - Môi trường - Hải dương học, USTH. Hiện tại, Minh Hiếu đang sinh sống tại Hà Nội và công tác tại EnviX – công ty tư vấn môi trường có trụ sở tại Nhật Bản.

Minh Hiếu chia sẻ nhờ chương trình học bằng tiếng Anh tại USTH đã rèn luyện cho anh nhiều kỹ năng quan trọng thích nghi với môi trường làm việc quốc tế. Hiện tại, Minh Hiếu hoàn toàn tự tin tiếp cận các tài liệu, bài báo quốc tế và làm việc cùng các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Theo anh Hiếu, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh không chỉ là một kỹ năng cần có, mà là yếu tố tiên quyết nếu muốn làm việc trong các doanh nghiệp FDI, tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc theo đuổi sự nghiệp toàn cầu.

z6790361659705-7c0f13b001573202cfc7218e05706315.jpg
Nguyễn Minh Hiếu – cựu sinh viên cử nhân khóa 8 và học viên thạc sĩ M20, khoa Nước - Môi trường - Hải dương học, USTH.

“Tiếng Anh giờ đây không còn là lợi thế, mà là điều kiện tối thiểu để hội nhập và phát triển”, anh khẳng định.

Theo anh Hiếu, tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung không chỉ là công cụ học tập hay làm việc, mà còn là "chiếc chìa khóa" giúp mở ra những kết nối rộng lớn, những trải nghiệm đa văn hóa và cả những cánh cửa nghề nghiệp xuyên biên giới.

“Tôi khuyến khích các bạn hãy chủ động sử dụng tiếng Anh cả trong và ngoài lớp học. Đừng bỏ lỡ cơ hội giao lưu với giảng viên, sinh viên quốc tế, hay tham gia vào các hoạt động, sự kiện ngoại khóa sử dụng tiếng Anh tại trường. Đó là những không gian quý giá để rèn luyện kỹ năng, mở rộng tư duy và nâng cao vốn sống”, cựu sinh viên USTH nhắn gửi.

Thi Thi