CSGDĐH kiến nghị phương án sắp xếp trường ĐH sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao

14/07/2025 06:37
Đình Nam
Theo dõi trên Google News

GDVN - Đại diện một số cơ sở đào tạo đại học đưa ra đề xuất để việc tổ chức lại các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, nghệ thuật đạt hiệu quả.

Tại Hội nghị triển khai các đề án về phát triển nguồn nhân lực và hợp tác "3 nhà" (Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, sắp tới sẽ sắp xếp thu gọn một số cơ sở giáo dục đại học công lập; tổ chức lại các trường đại học sư phạm về thể dục, thể thao, nghệ thuật. [1]

Nội dung này nhằm hiện thực hóa Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, các trường đại học sư phạm thể dục và thể thao, nghệ thuật sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập với một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản; sáp nhập, hợp nhất với nhau hoặc với các trường chuyên sâu thể dục, thể thao, nghệ thuật để phát triển thành một trường đại học đa ngành trong đó có ngành sư phạm thể dục, thể thao, nghệ thuật.

Bước phát triển nâng tầm, tiền đề để hình thành hệ sinh thái giáo dục đặc thù và chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội cho rằng chủ trương quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, trong đó có việc tinh gọn, giảm số lượng là một định hướng phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, việc sắp xếp lại các trường sư phạm về nghệ thuật, thể dục thể thao theo hướng đào tạo đa ngành được đánh giá là xu thế tất yếu, nhằm mở rộng quy mô, tăng cường hiệu quả đào tạo và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đa dạng hơn.

snapedit-1751191240232-6684.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

“Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội (tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Nhạc họa Trung ương) hiện đang đào tạo 3 ngành ở trình độ cử nhân gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, và Huấn luyện thể thao. Nhà trường có định hướng mở thêm ngành mới trong thời gian tới.

Ngoài ra, trường có Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 1 - một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh. Với diện tích, cơ sở vật chất và môi trường đào tạo hiện tại, trường hoàn toàn đáp ứng các điều kiện về chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, do đặc thù là trường đào tạo sư phạm nên chỉ tiêu tuyển sinh của trường phụ thuộc vào Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Năm 2025, mặc dù có gần 3.000 thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng Bộ chỉ giao cho trường 210 chỉ tiêu. Điều này cho thấy nhu cầu học tập của học sinh rất cao nhưng quy mô đào tạo hiện tại vẫn chưa tương xứng.

Vì vậy, nếu sắp xếp theo hướng gộp đầu mối để thành lập một trường đại học sư phạm đa ngành, chuyên sâu về thể dục, thể thao, nghệ thuật - chẳng hạn như "Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam" - thì đây sẽ là bước phát triển nâng tầm, hình thành một hệ sinh thái giáo dục đặc thù và chất lượng cao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết bày tỏ.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khẳng định chủ trương sắp xếp lại các trường đại học sư phạm về thể dục thể thao và nghệ thuật là một định hướng chiến lược phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học hiện nay.

Mục tiêu của chủ trương này nhằm tinh gọn mạng lưới, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Việc sáp nhập, hợp nhất là một bước đi cần thiết hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Điều đó được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể như: Việc sáp nhập hoặc hợp nhất các trường đại học đa ngành hoặc chuyên sâu sẽ giúp giảm sự phân tán nguồn lực, tránh trùng lặp trong đào tạo, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Các trường có thể chia sẻ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo, tạo ra môi trường học tập đa dạng và hiện đại hơn. Một trường đại học đa ngành hoặc chuyên sâu với quy mô lớn, cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên chất lượng cao sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực nghệ thuật, nơi mà sự sáng tạo và hội nhập văn hóa đóng vai trò cốt lõi.

Tuy nhiên, cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chủ trương mới này có nhiều lĩnh vực trọng điểm nhưng lại thiếu trọng điểm về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khi mà sự sáng tạo và hội nhập văn hóa ngày càng đóng vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển của đất nước.

z6750662201904-823c70a256ef3bd6552c6433088d7afd.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NVCC

“Qua khảo sát, hiện chưa thấy mô hình trường đại học nào trên thế giới chỉ đào tạo đồng thời hai lĩnh vực Thể dục thể thao và Văn hóa, Nghệ thuật. Thay vào đó, có hai mô hình phổ biến: một là đại học có các trường hoặc khoa đào tạo riêng biệt về văn hóa, nghệ thuật hoặc thể dục thể thao; hai là các trường chuyên biệt về đào tạo văn hóa, nghệ thuật, như Savannah College of Art and Design (SCAD) - một trong những trường nghệ thuật lớn và nổi tiếng tại Mỹ, hay Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) với hệ thống đào tạo chuyên sâu và được đánh giá cao trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.

Việc tổ chức lại các trường chuyên ngành cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở khác biệt về mục tiêu đào tạo, chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi. Giáo dục nghệ thuật đề cao tư duy sáng tạo và cảm xúc, trong khi giáo dục thể chất hướng đến việc rèn luyện thể lực và kỹ năng vận động.

Quá trình sáp nhập nếu không có lộ trình cụ thể, chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ dễ phát sinh lo ngại liên quan đến cơ cấu tổ chức, đội ngũ giảng viên, cán bộ và sinh viên.

Ngoài ra, đặc thù đào tạo cũng đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất riêng biệt. Nghệ thuật cần sân khấu, phòng thu âm, xưởng vẽ; thể thao lại yêu cầu sân bãi, nhà thi đấu, bể bơi, phòng tập thể lực…

Nếu sáp nhập vào một trường đại học đa ngành, điều kiện cơ sở vật chất chuyên biệt phải được đảm bảo và nâng cấp, tránh tình trạng thiếu hụt ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Với các môn năng khiếu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án cụ thể để các trường xây dựng và phát triển cơ sở vật chất phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng nhận định.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Kế Bình - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, các trường đại học đang trong giai đoạn chờ đợi văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, tinh gọn mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

Đây là một chủ trương lớn nhằm tái cơ cấu, sáp nhập các trường chuyên ngành vào các trường đa ngành hoặc quy tụ các trường cùng khối ngành về một đầu mối. Các trường đại học đang chủ động nghiên cứu và tìm hướng đi phù hợp để thực hiện chủ trương này, dù vẫn còn một số băn khoăn.

490722672-1197398892385208-1867532705375296593-n.jpg
Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo nhân lực giáo dục thể chất. Ảnh: website nhà trường

Việc tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học này được dự đoán sẽ có những tác động đáng kể đến công tác đào tạo giáo viên trong các lĩnh vực đặc thù như Thể chất và Nghệ thuật.

Trước đây, hai lĩnh vực này thường được đào tạo chung trong một khối. Tuy nhiên, trên thực tế, Thể chất và Nghệ thuật là hai ngành đặc thù và hoàn toàn khác nhau về chuyên môn.

Do đó, việc sáp nhập chung các ngành nghệ thuật nói chung đang khiến các trường băn khoăn và cần được xem xét lại một cách kỹ lưỡng để tránh gặp khó khăn trong quá trình đào tạo.

Trước khi sáp nhập toàn diện, nên thực hiện giai đoạn thí điểm thông qua hợp tác liên trường

Về chủ trương sắp xếp lại các trường đại học sư phạm về nghệ thuật và thể dục, thể thao trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng cho rằng khi tiến hành sáp nhập, cần phân định rõ ràng các lĩnh vực đào tạo chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao, đồng thời duy trì tính đặc thù trong đào tạo sư phạm các ngành này.

Việc tích hợp chương trình và chuẩn đầu ra giữa các trường cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách kỹ lưỡng, đồng thời tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận trong nội bộ và toàn xã hội.

509069470-1179216654245444-9048926017465022044-n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: website nhà trường

“Từ thực tiễn hoạt động của nhà trường, tôi đề xuất một số kiến nghị nhằm đảm bảo việc sắp xếp các cơ sở đào tạo đạt hiệu quả nhưng vẫn giữ được đặc thù chuyên môn và chất lượng đào tạo.

Trước hết, việc xây dựng lộ trình sắp xếp cần minh bạch, có tham vấn sâu rộng. Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương với bề dày kinh nghiệm đào tạo giáo viên nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, biểu diễn) có những đặc thù riêng cần được lắng nghe.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức tham vấn với những trường đại học sư phạm chuyên ngành nghệ thuật, thể dục thể thao và cơ sở giáo dục đại học đa ngành liên quan, thu thập ý kiến từ các nhà quản lý, giảng viên, sinh viên và chuyên gia.

Việc thành lập một hội đồng tư vấn chuyên môn với đại diện các trường, chuyên gia và nghệ sĩ để đánh giá tác động và đề xuất mô hình tổ chức phù hợp là rất cần thiết.

Tiếp theo, cần bảo tồn bản sắc chuyên ngành thông qua mô hình khoa hoặc viện chuyên biệt. Với kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã đào tạo đội ngũ giáo viên nghệ thuật chất lượng cao.

Nếu thực hiện sáp nhập, cần thành lập các đơn vị chuyên biệt về âm nhạc, mỹ thuật, biểu diễn và thể thao trong cơ cấu tổ chức mới, có quyền tự chủ về chương trình, ngân sách và cơ sở vật chất, đồng thời được ưu tiên bố trí nguồn lực, bao gồm giảng viên chất lượng cao và hệ thống trang thiết bị phù hợp.

Một yếu tố quan trọng khác là đầu tư trọng điểm vào cơ sở vật chất chuyên biệt. Đào tạo nghệ thuật đòi hỏi các không gian riêng như phòng thu âm, xưởng vẽ, sân khấu biểu diễn - khác biệt với các ngành đào tạo khác.

Nếu không có sự đầu tư tương xứng, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu kỹ năng thực hành cao đối với giáo viên nghệ thuật.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ưu tiên ngân sách cho việc duy trì và nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng quỹ đầu tư quốc gia cho giáo dục nghệ thuật và thể thao, cho phép sử dụng ngân sách sáp nhập để đầu tư vào công nghệ, thiết bị và không gian giảng dạy hiện đại.

Về chương trình đào tạo, cần phát triển mô hình linh hoạt, kết hợp liên ngành nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên sâu. Các chương trình hiện nay đã tích hợp học phần về trải nghiệm sáng tạo và giáo dục tích hợp, nhưng nếu tích hợp quá nhiều lĩnh vực trong một chương trình chung, dễ dẫn đến giảm hiệu quả đào tạo.

Do đó, cần hướng dẫn các trường xây dựng chương trình vừa linh hoạt vừa giữ vững chiều sâu chuyên ngành, đặc biệt trong đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và giáo dục thể chất.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phù hợp cho giảng viên, sinh viên và cán bộ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng cho hay.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn miễn phí, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên đang học, đồng thời hỗ trợ tài chính hoặc tái định hướng nghề nghiệp cho những cán bộ có thể bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, trước khi sáp nhập toàn diện, nên thực hiện giai đoạn thí điểm thông qua các hoạt động hợp tác liên trường - ví dụ như tổ chức chương trình đào tạo chung, chia sẻ cơ sở vật chất, hoặc thành lập trung tâm nghiên cứu liên ngành về nghệ thuật và thể thao. Sau 2-3 năm thí điểm, cần tiến hành đánh giá để quyết định mô hình tổ chức phù hợp nhất.

Cuối cùng, cần tăng cường vai trò của các trường đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhà nước cần có chiến lược phát triển đặc thù đối với các cơ sở đào tạo có bề dày lịch sử và thành tích trong lĩnh vực nghệ thuật, chỉ định một số trường làm trung tâm đào tạo và nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên đầu tư, nhằm nâng cao vị thế giáo dục nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cùng đưa ra đề xuất để việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, nghệ thuật, thể dục thể thao hiệu quả, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội có một số kiến nghị cụ thể.

Thứ nhất, việc sáp nhập hoặc giải thể nên thực hiện theo quy định, nhưng cần dựa trên tiêu chí chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Trường nào chưa đạt chuẩn thì mới xem xét sắp xếp, còn những trường đặc thù và đạt chuẩn thì nên được đầu tư phát triển.

Thứ hai, ngành giáo dục thể chất và nghệ thuật hiện chỉ có hai trường đào tạo chuyên sâu trên cả nước, vì vậy việc giữ vững và nâng cao vai trò của những cơ sở này là rất cần thiết.

Thứ ba, quy hoạch sáp nhập phải có lộ trình, đề án rõ ràng đến năm 2030 để tránh xáo trộn và đảm bảo hiệu quả đào tạo. Đồng thời, nhà trường cũng sẵn sàng thực hiện cơ chế tự chủ, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững trong giáo dục đại học đặc thù.

79.jpg
Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Tạp chí khoa học Giáo dục thể chất và thể thao trường học chuyển mình cùng kỷ nguyên số”. Ảnh: website nhà trường

“Trong bối cảnh hiện nay, dù xu thế chung là tái cấu trúc ngành nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa, nhưng riêng đối với lĩnh vực thể thao - đặc biệt là giáo dục thể chất và hoạt động thể thao phong trào thì không thể thay thế con người bằng máy móc hay công nghệ.

Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự tương tác trực tiếp, kỹ năng thực hành và sự truyền cảm hứng từ chính những người thầy được đào tạo bài bản. Nếu thiếu đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững vàng, được đào tạo đúng chuẩn, thì sự phát triển thể chất của thế hệ trẻ - từ bậc mầm non đến trung học sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm lệch hướng mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực khỏe mạnh cho đất nước trong giai đoạn phát triển vàng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã và đang dành sự quan tâm đúng mức đến vai trò của thể dục thể thao trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân. Nếu được triển khai đồng bộ và đầu tư đúng hướng, giáo dục thể chất không chỉ góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam mà còn đóng vai trò thiết thực trong việc giảm tải cho hệ thống y tế, giảm thiểu tình trạng bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết nói thêm.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm ban hành thông báo định hướng rõ ràng hơn, cho phép các trường chủ động tính toán phương án sáp nhập phù hợp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện tại, các trường đang tập trung vào việc sắp xếp lại cơ cấu bộ máy tổ chức nội bộ, chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo để sẵn sàng cho những thay đổi. Dự kiến vào đầu tháng 7, Bộ sẽ tổ chức đợt tập huấn đầu tiên về tinh gọn bộ máy trong các đơn vị công lập, mở đường cho những bước đi tiếp theo.

Dù vậy, việc sắp xếp các trường chuyên ngành vào các trường đa ngành có thể hợp lý về mặt quản lý, nhưng cần phải làm rõ hơn về mặt chuyên môn để tránh gặp khó khăn trong quá trình đào tạo đặc thù.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-truong-dai-hoc-nao-sap-phai-tinh-gian-sap-nhap-20250614110305755.htm

Đình Nam