EMagazine

Ngành SP Lịch sử-Địa lý của HPU2: “Đưa giảng đường đến gần nhất với trường phổ thông”

Ngành SP Lịch sử-Địa lý của HPU2: “Đưa giảng đường đến gần nhất với trường phổ thông”

14/07/2025 09:38
Mộc Trà
Theo dõi trên Google News

GDVN-Ngành SP Lịch sử-Địa lý của HPU2 với phương châm “Đưa giảng đường đến gần nhất với trường phổ thông” giúp SV khi vừa tốt nghiệp có thể đáp ứng công việc.

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã mở ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, nhằm đào tạo và cung cấp đội ngũ giáo viên môn này trong giai đoạn tới.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đã điểm lại một số ưu thế đào tạo cũng như cơ hội việc làm đa dạng, rộng mở của ngành này.

sp-lich-su-dia-ly-7-3809.png

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý ra đời như một sứ mệnh, một sự đáp ứng kịp thời và tiên phong của nhà trường trước yêu cầu từ chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tích hợp hai môn học Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở (trước đó) đã tạo ra một nhu cầu lớn về đội ngũ giáo viên, những người có đủ năng lực giảng dạy liên môn, có khả năng kết nối kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để bồi dưỡng cho học sinh một thế giới quan toàn diện.

Do đó, vị thế của ngành học này hiện nay là rất quan trọng, trực tiếp góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý đang ngày càng trở nên hấp dẫn và có nhiều sức hút.

Thầy Dũng chia sẻ: “Có thể nhận thấy, sự quan tâm dành cho các ngành sư phạm nói chung đang ngày một tăng. Năm 2023, nhà trường tuyển đủ số lượng chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao là 75 thí sinh; năm 2024 tăng lên có 143 thí sinh trúng tuyển. Căn cứ nhu cầu của các địa phương, năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo ngành này cho trường là 252 chỉ tiêu”.

Theo đó, sức hấp dẫn đặc biệt của ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý đến từ cơ hội việc làm đa dạng và rộng mở. Sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội, đáp ứng yêu cầu của các trường trung học cơ sở trên cả nước.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học tích hợp, trong đó có môn Lịch sử và Địa lý, nhưng nguồn giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy lại vẫn đang rất thiếu.

Thầy Dũng nhìn nhận: “Với tấm bằng cử nhân Sư phạm Lịch sử - Địa lý, người học sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng đúng và trúng yêu cầu tuyển dụng của các cơ sở giáo dục. các em hoàn toàn đủ năng lực để giảng dạy đơn môn tại bậc trung học phổ thông. Bởi, chương trình đào tạo không chỉ tích hợp mà còn trang bị kiến thức chuyên sâu ở cả hai lĩnh vực. “Học một ngành, cơ hội nhân đôi” - giúp các em có sự lựa chọn nghề nghiệp linh hoạt hơn rất nhiều.

Chưa hết, với nền tảng kiến thức khoa học xã hội vững chắc, các em còn có thể làm việc trong các lĩnh vực khác như: Nghiên cứu tại các viện, làm việc tại các bảo tàng, khu di tích, các cơ quan quản lý văn hóa - du lịch, hoặc làm biên tập viên tại các nhà xuất bản”.

“Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí của Nhà nước dành cho sinh viên sư phạm cũng giúp người học yên tâm học tập và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi tin tưởng rằng, với một định hướng đào tạo rõ ràng và gắn liền với thực tiễn, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý sẽ chắp cánh ước mơ cho những nhà giáo tài năng, tâm huyết trong tương lai” - vị Trưởng khoa đề cập.

sp-lich-su-dia-ly-8.png

Chia sẻ thêm về những ưu thế đào tạo vượt trội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng cho hay, điều đó đến từ sự kết hợp của ba yếu tố cốt lõi: Nền tảng - Tiên phong - Thực tiễn.

Cụ thể, thầy Dũng phân tích: “Một là, nền tảng sư phạm vững chắc, với bề dày truyền thống, là một trong những trường uy tín hàng đầu trong việc đào tạo giáo viên; đội ngũ giảng viên tâm huyết, trình độ cao (2 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, 3 thạc sĩ). Chúng tôi không chỉ dạy cho sinh viên kiến thức, mà quan trọng hơn, chúng tôi đào tạo ra những người thầy thực thụ. Sinh viên được trang bị bài bản về tâm lý học giáo dục, các phương pháp giảng dạy hiện đại, kỹ năng quản lý lớp học và năng lực phát triển chương trình.

Hai là ưu thế của người tiên phong. Ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý của nhà trường được xây dựng như một lời giải chiến lược, đáp ứng trực tiếp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó không phải là một “phép cộng cơ học” giữa hai chuyên ngành, mà là một chương trình được thiết kế tích hợp một cách khoa học. Sinh viên ra trường sẽ có năng lực tư duy liên môn, có khả năng kiến giải các vấn đề xã hội trong một thể thống nhất của không gian và thời gian. Đây chính là lợi thế cạnh tranh khi các em ứng tuyển vào các trường trung học cơ sở hiện nay.

Ba là, ưu thế về tính thực tiễn. Chương trình học được thiết kế với thời lượng lớn dành cho các hoạt động thực hành, thực tế. Sinh viên không chỉ ngồi trên giảng đường, mà còn được trực tiếp tham gia các chuyến điền dã, khảo sát thực địa tại các di tích lịch sử, các vùng địa lý đặc trưng, đặc biệt, được thực tập tại các trường phổ thông”.

sp-lich-su-dia-ly-4.png

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, một trong những điểm hấp dẫn nhất của ngành học là chương trình đào tạo sống động, truyền cảm hứng. Thay vì kiến thức khô khan, sinh viên được tiếp cận lịch sử qua những câu chuyện, những di tích; và học địa lý qua những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế.

“Phương châm của Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) là “Đưa giảng đường đến gần nhất với trường phổ thông”. Nhà trường và khoa hiện thực hóa điều này thông qua một chương trình học hiện đại, được cập nhật liên tục để phát triển tối đa năng lực cho sinh viên” - thầy Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, ngay từ năm thứ hai, sinh viên được tham gia Kiến tập sư phạm để làm quen với môi trường. Lên năm thứ ba và thứ tư, các em sẽ có hai đợt Thực tập sư phạm chuyên sâu, với tổng thời lượng lên đến 150-250 giờ trực tiếp tại các trường phổ thông. Đây là khoảng thời gian vàng để các em áp dụng lý thuyết vào thực tế.

Ngoài các kỳ thực tập chính thức, sinh viên còn được rèn luyện chuyên môn qua các học phần chuyên biệt như “Thực tế chuyên môn Lịch sử - Địa lý”, học cách thiết kế bài giảng sáng tạo qua môn “Tổ chức hoạt động trải nghiệm” và trau dồi kỹ năng đứng lớp, chủ nhiệm qua học phần “Thực hành sư phạm”. Nhờ đó, việc học tập trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị, giúp sinh viên nuôi dưỡng và lan tỏa niềm đam mê của mình đến với học sinh sau này.

Trực tiếp giảng dạy tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), Tiến sĩ Thân Thị Huyền chia sẻ: “Để đáp ứng chuẩn đầu ra, mục tiêu của chương trình đào tạo, cùng với hình thành, phát triển cho sinh viên năng lực, phẩm chất chung, phương pháp giảng dạy còn hướng đến hình thành, phát triển năng lực đặc thù của lịch sử, địa lý.

Nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại được giảng viên lựa chọn, thiết kế hoạt động và tổ chức cho sinh viên học tập như phương pháp dạy học theo dự án; dạy học theo hợp đồng; học theo góc, tổ chức hội thảo, seminar; phương pháp tranh biện, phương pháp SMART,...

Việc vận dụng hệ thống các phương pháp, kỹ thuật dạy học có ưu thế với nội dung lịch sử, địa lý vừa bảo đảm trang bị hiệu quả kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vừa phát huy tính tích cực, chủ động, hướng đến rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy và nhiều kỹ năng thiết yếu khác hiện nay cho sinh viên...”.

sp-lich-su-dia-ly-1.png

Chia sẻ về một minh chứng cụ thể cho hiệu quả của việc đổi mới dạy học tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), Tiến sĩ Đặng Thị Thuỳ Dung - giảng tại khoa - rất tâm đắc với phương pháp dạy học dựa trên dự án.

Cô Thùy Dung cho biết: “Đó là một trong những giờ giảng đặc biệt, khi không gian không diễn ra trong bốn bức tường, mà là cả một sự kiện triển lãm. Triển lãm đầy ấn tượng do chính sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý thực hiện trong năm học vừa qua. Dự án mang tên “Bình minh rực rỡ” đã biến toàn bộ khuôn viên khu giảng đường thành một bảo tàng sống động với 16 không gian trưng bày, tái hiện các nền văn minh cổ - trung đại trên thế giới.

Thay vì chỉ tiếp cận lịch sử qua các sự kiện chính trị, quân sự, sinh viên đã tự mình nghiên cứu và “kể chuyện” lịch sử qua những góc nhìn vô cùng gần gũi và đời thường. Các em đã tạo ra những không gian trải nghiệm về: “Thời trang và làm đẹp”, “Thức ăn và đồ uống”, “Âm nhạc và nhảy múa”, hay thậm chí là “Luật lệ khắt khe” và “Thể thao rèn luyện sức khỏe” của người xưa.

sp-lich-su-dia-ly-17.png

Hoạt động này đặc biệt ở chỗ, sinh viên là người kiến tạo. Các em không phải là người nghe giảng, mà là người chủ động nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và thuyết trình về sản phẩm của mình. Giảng viên chỉ đóng vai trò người cố vấn, định hướng.

Đồng thời, có thể biến lý thuyết thành thực tiễn. Toàn bộ kiến thức khô khan trong sách vở về các nền văn minh đã được các em “vật chất hóa” thành các mô hình, hiện vật, trang phục và các hoạt động tương tác.

Quan trọng nhất, thông qua việc tổ chức một sự kiện giáo dục quy mô như vậy, sinh viên đã được thực hành kỹ năng tổ chức dạy học và hoạt động trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất. Đây chính là bước chuẩn bị không thể thiết thực hơn cho công việc giảng dạy tại trường phổ thông sau này.

Có thể nói, dự án “Bình minh rực rỡ” chính là một giờ học lớn, một bài kiểm tra tổng hợp, nơi giảng viên không chỉ đánh giá kiến thức, mà còn đánh giá được năng lực giải quyết vấn đề, sự sáng tạo và tâm huyết của các giáo viên tương lai. Đó cũng chính là hướng đi mà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đang theo đuổi”.

sp-lich-su-dia-ly.png
sp-lich-su-dia-ly-3.png

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng cũng chia sẻ thêm về việc nhà trường luôn xác định, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác là nhiệm vụ “then chốt”.

Thầy Dũng chỉ ra: “Hằng năm, nhà trường đều tổ chức các Hội nghị về công tác thực tập sư phạm với lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (trước đây) và các trường phổ thông. Việc này không chỉ giúp mở rộng địa bàn thực tập cho sinh viên, mà còn là kênh đối thoại trực tiếp để chúng tôi lắng nghe phản hồi, từ đó, cải tiến chương trình.

Ở cấp độ chuyên môn, Khoa Lịch sử chủ động kết nối, đồng hành cùng giáo viên cốt cán tại các trường phổ thông để tổ chức những buổi trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho sinh viên.

Mô hình hợp tác này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như sinh viên được tiếp xúc sớm với môi trường thực tế, giúp các em nhanh chóng phát triển các kỹ năng sư phạm cốt lõi như quản lý lớp học, giao tiếp, tư vấn học đường; lý thuyết và thực hành được kết nối chặt chẽ, xóa bỏ khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm trên giảng đường và thực tiễn giảng dạy sinh động tại trường phổ thông.

Quan trọng nhất là giúp tăng cơ hội việc làm. Mạng lưới hỗ trợ từ các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường đối tác giúp sinh viên có lợi thế lớn, nhanh chóng tìm được vị trí công tác phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp.

Về sự đổi mới trong chương trình đào tạo, định kỳ hai năm một lần, khoa đều rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo để bám sát chuẩn đầu ra và yêu cầu xã hội. Cụ thể, với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, nhà trường đã đa dạng hóa và tích hợp nhiều học phần mang tính ứng dụng cao như: “Khởi nghiệp”, “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử và Địa lý”, “Các hình thức tổ chức dạy học Lịch sử và Địa lý”, hay chuyên đề liên ngành “Đô thị: Lịch sử và hiện tại”…

Đặc biệt, trước vấn đề thời sự về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, chúng tôi xem đây là một cơ hội để cập nhật. Chương trình của nhà trường vốn đã có các học phần nền tảng như “Biển đảo Việt Nam”, “Làng xã Việt Nam”, “Địa lý kinh tế xã hội Việt Nam”. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên sẽ cập nhật ngay những thay đổi này, phân tích tác động của chúng để sinh viên không chỉ nắm bắt tri thức, mà còn nâng cao nhận thức về sự biến đổi không gian hành chính thực tế của đất nước”.

sp-lich-su-dia-ly-7.png

Ngoài ra, theo vị Trưởng khoa, nhà trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trang bị kỹ năng công nghệ thông tin chuyên sâu cho sinh viên qua học phần “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử - Địa lý”. Đội ngũ giảng viên của khoa, đặc biệt các giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu về năng lực số và xây dựng bộ công cụ hiệu quả để hướng dẫn sinh viên.

Khoa cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số trong việc kết nối với các trường phổ thông thông qua các hội thảo, seminar về số hóa bài giảng. Hệ thống quản lý học tập LMS-HPU2 đang vận hành rất hiệu quả, trở thành một không gian học tập số nơi sinh viên có thể truy cập tài liệu, nộp bài tập và tương tác mọi lúc, mọi nơi.

Hiệu quả của những nỗ lực này rất rõ rệt: Sinh viên chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc tự học. Đồng thời, giúp giảng viên thuận lợi hơn trong việc đánh giá, cải tiến bài giảng, tăng cường kết nối giữa đào tạo và thực tiễn.

“Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đang xây dựng một mô hình đào tạo giáo viên Sư phạm Lịch sử - Địa lý năng động, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn và bắt kịp xu thế của thời đại” - thầy Dũng chia sẻ.

Từ góc độ đại diện một đơn vị trực tiếp tiếp nhận sinh viên đến thực hành đồng thời cũng là nhà tuyển dụng trong tương lai, Thạc sĩ Ngọ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Châu Minh (xã Xuân Cẩm, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Sự hợp tác này được triển khai rất thực chất: chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý đến kiến tập, dự giờ và cùng tham gia vào các dự án giáo dục của nhà trường. Đây là một vòng tròn tương tác hiệu quả, nơi sinh viên mang đến phương pháp mới, còn chúng tôi cung cấp những tình huống sư phạm thực tiễn”.

sp-lich-su-dia-ly-3.png

Mặt khác, Thạc sĩ Ngọ Văn Tuấn cũng nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, kỳ vọng của Trường Trung học cơ sở Châu Minh ở thế hệ giáo viên tương lai tập trung vào ba trụ cột chính. Cụ thể:

Về tư duy và kiến thức chuyên môn, sinh viên tốt nghiệp phải có nền tảng kiến thức vững vàng và đặc biệt là năng lực tư duy liên môn, có thể kết nối kiến thức lịch sử và địa lý một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn để tạo ra các bài giảng tích hợp hấp dẫn.

Về kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm, cần những giáo viên giỏi kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục hiện đại như dạy học dự án, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, phải thành thạo các kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp, quản lý lớp học, xử lý tình huống sư phạm và làm tốt công tác chủ nhiệm.

Về phẩm chất và tác phong nhà giáo, điều không thể thiếu là một thái độ cầu tiến, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực và khả năng thích ứng cao. Chúng tôi cần những nhà giáo luôn sẵn sàng đổi mới, yêu nghề, yêu trẻ và là tấm gương cho học sinh.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và cơ sở đào tạo chính là con đường đúng đắn để cung cấp cho ngành giáo dục một thế hệ giáo viên mới, đáp ứng những gì các trường phổ thông đang cần” - thầy Tuấn chia sẻ.

sp-lich-su-dia-ly-9.png
Mộc Trà