Trước chuyến thăm, Putin nói với truyền thông Trung Quốc rằng phát triển quan hệ Nga - Trung là "ưu tiên vô điều kiện". |
Bloomberg ngày 20/5 phân tích, chuyến thăm 2 ngày của Putin tới Trung Quốc với hợp đồng khí đốt được ký kết sau hơn 10 năm tranh luận giá cả cho thấy ông chủ điện Kremlin đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc kể từ khi Nga xa rời Mỹ và EU sau khủng hoảng Ukraine.
Quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga sau khi tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tăng 7 lần trong 10 năm, lên đến 94 tỉ USD năm ngoái đang ngày càng quan trọng hơn khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đe dọa đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái.
"Khi mối quan hệ của Nga và phương Tây xấu đi, quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ cần phải phát triển mạnh mẽ", Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow bình luận.
Bắc Kinh chứ không phải Moscow sẽ là quyền lực toàn cầu. Vai trò đảo ngược được nhấn mạnh bởi sự chênh lệch về phát triển kinh tế của họ trong 35 năm qua. Năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách kinh tế, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 40% của Nga (thuộc Liên bang Xô Viết lúc đó). Đến năm 2010, nền kinh tế Trung Quốc đã có kích thước gấp 4 lần Nga.
Sự háo hức của Nga trong làm ăn với Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đầy biến động của mối quan hệ giữa các quốc gia. Nga và Trung Quốc là 2 trong số 5 cường quốc hạt nhân có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hợp tác với nhau trên vũ đài chính trị quốc tế.
2 bên thường xuyên phối hợp lực lượng để chống lại những gì họ gọi là sự thống trị của Mỹ. Nga, Trung Quốc cần nhau nhiều hơn bình thường khi Bắc Kinh đang trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận quốc tế về xung đột trên Biển Đông, Lý Lập Phàm, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và châu Á từ Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhận xét.
Như dấu hiệu thể hiện tình đoàn kết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành khách mời danh dự tại Olympic mùa Đông Sochi vào tháng Hai năm nay. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đã hủy chuyến đi này.
Trong khi khủng hoảng leo thang hơn tại Ukraine, Trung Quốc đã không thể hiện lập trường dứt khoát. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo An về một dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý xác nhận sự ly khai của bán đảo Crimea khỏi Ukraine.