(GDVN) - Sau rất nhiều ồn ào của dư luận về tuyên bố “ngăn mây đuổi mưa” dịp Đại lễ 1.000 năm và tuyên bố dự báo chính xác động đất mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh vẫn bình thản và tự tin đi con đường của mình. Ông bảo: “Nếu tôi không kiên định và tin vào chính mình, thì bây giờ tôi đã trở thành một kẻ lang bạt hè phố từ lâu rồi, chứ không phải là một nhà nghiên cứu, tác giả của hàng chục cuốn sách khoa học”. Hãy cùng nhìn thêm những chiều khác cuộc sống của ông, để hiểu thêm tại sao “Dị nhân” vẫn có rất nhiều đề tử và người yêu mến.
{iarelatednews articleid='6261,6216,6165,6126,6076,5967,5960,5962,5961,5963'}
7 tháng trong bụng đã được đem cho
Gặp "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong một quán cà phê nhỏ ven hồ Tây (Hà Nội), tôi dễ dàng có cảm tình với người đàn ông xuề xòa, luôn tươi cười và có khiếu hài hước này.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh |
Có lẽ cũng chưa có ai hỏi ông kỹ càng về thuở hàn vi như tôi, nên ông phải trầm ngâm một lúc lâu như để nhớ và sắp xếp lại ký ức rồi ông mới bắt đầu câu chuyện: "Tôi là con trai của nữ sĩ Ngân Giang. Thế nhưng từ lúc sơ sinh tôi đã đi làm con nuôi một nhà giàu ở Hà Nội vì bố mẹ tôi ở chiến khu nên không thể nuôi nổi 6 đứa con nheo nhóc.
Năm 1949, mẹ tôi mang bầu tôi. Khi tôi được 7 tháng trong bụng thì bà về Hà Nội và quyết định gửi tôi cho một gia đình giàu có. Mẹ sinh tôi được 4 ngày thì tôi được bố mẹ nuôi đón về. Để cho chính danh là con ruột nên cùng thời điểm đó mẹ nuôi tôi cũng giả vờ vào nhà hộ sinh để sinh con rồi ẵm tôi về.
Bố mẹ nuôi tôi không có con trai, ông bà sinh 6 lần thì 3 người con trai đều mất. Bố đẻ tôi họ Nguyễn, bố nuôi tôi họ Vũ ghép lại thành họ Nguyễn Vũ của tôi.
Ngày đó, bố mẹ nuôi tôi có mấy cửa hàng tạp hóa lớn ở Hà Nội. Tri thức của tôi có được ngày hôm nay là do bố mẹ nuôi tôi đem lại, lúc nào tôi cũng biết ơn các cụ về điều này.
Lúc tôi còn nhỏ, tủ sách cá nhân của tôi dễ phải bằng cả thư viện thiếu nhi quận Hoàn Kiếm bấy giờ. Truyện thiếu nhi của NXB Kim Đồng tôi nhét đầy gầm giường. Cũng vì thế mà lớn lên tôi rất ham đọc sách. Đến nhà bạn chơi mà thấy có quyển sách hay là tôi ôm lấy đọc quên cả bạn. Nếu bạn cho mượn về thì tôi chỉ ngồi nhanh nhanh chóng chóng vài phút rồi về ngay".
Tại sao đến giờ vẫn không có bằng Đại học?
Kể về những thăng trầm đã trải qua trong hơn 60 năm cuộc đời, "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh hít sâu một hơi thuốc rồi nhả khói: "Trường đầu tiên tôi học là trường cơ khí chế tạo máy nhưng tôi bỏ dở.
Về sau cuộc đời xô đẩy, tôi vào nam và thi đỗ Đại học Văn khoa Sài Gòn khi đã hơn 40 tuổi. Tôi đọc nhiều sách nên kiến thức là tự học và thuộc nhiều lĩnh vực .
Trong thời gian theo học tôi thường ít lên lớp học mà cứ ở lì tại Bến Tre, chỉ đến kỳ thi mới lên thi. Dẫu vậy nhưng lần nào tôi cũng đậu thứ nhất, tệ lắm cũng nhì. Bạn bè cứ thấy tôi vào thi là biết tôi sẽ được nhất, nhì rồi. Tôi thích khoe những thành tích này hơn là “đuổi mưa”.
Số báo danh của tôi khi đi thi thì ngồi giữa một ông sư và một nữ tu sĩ. Tôi có dặn bà nữ tu sĩ và cả ông sư là khi nào đến kỳ thi thì gửi thư về nhà báo giúp tôi một tiếng để tôi lên đóng tiền dự thi.
Nghi án lúc bấy giờ hình như bà xã tôi vẫn nghi ngờ người phụ nữ gửi thư cho tôi có tình cảm với tôi. Chữ bà tu sĩ rất đẹp. Nghi ngờ nên một lần vào kỳ thi tôi không được vợ cung cấp tiền dự thi đúng hạn, khi tôi lên đến nơi thì lớp tôi đang thi rồi. Tôi buồn quá bỏ về và đó cũng là lý do vì sao đến giờ tôi cũng không có tấm bằng đại học nào. Nhưng như thế mới là cơ hội để tôi phải lăn lộn tìm hiểu nghiên cứu cuộc đời này!
Rất đẹp trai nhưng ít được phụ nữ yêu, vì nghèo
Lận đận đường học hành, "dị nhân" lúc đó đành dựa vào nghề chế tạo phụ tùng máy may, máy vắt xổ kiếm sống.
Thời điểm vào Bến Tre làm công nhân cơ khí bậc cao, ông đã quen với người vợ hiện nay mà ông cho rằng yêu thương ông nhất mực. Nhắc đến thời trai trẻ, người đàn ông tóc đã bạc trắng như trẻ lại mấy chục tuổi để hồ hởi khoe với tôi những chuyện yêu đương.
Ông bảo: "Ngày xưa tôi rất đẹp trai, nhưng phụ nữ ít người yêu tôi vì tôi nghèo quá. Lúc tôi lớn lên thì gia đình bố mẹ nuôi tôi đã sa sút về kinh tế rồi. Tôi không đủ tự tin để yêu và những người yêu tôi cũng tự rút lui. Là công nhân cơ khí, tôi hay ra uống cà phê ở một quán cóc gần xưởng. Vợ tôi lúc đó bán cà phê ở đấy. Tính tôi hay lãng mạn nên thấy cô nào xinh xắn thì tôi bắt chuyện. Chuyện qua chuyện lại thế là yêu.
Khi tôi 34 tuổi thì chúng tôi quyết định kết hôn. Ngày đó tôi nghèo lắm, vợ tôi cũng nghèo. Không biết lấy đâu tiền để tổ chức đám cưới, tôi liền tập hợp tất cả học trò học nghề cơ khí của tôi lại hỏi xem định mừng tôi bao nhiêu. Tôi lấy trước tiền mừng để làm một bữa tiệc ngọt mời những người không thân thiết lắm. Sau đó tôi lấy tiền mừng của những người đó để làm tiệc mặn ngày hôm sau. Thế là đám cưới vẫn hoàn chỉnh như thường, chỉ tội cưới xong trong túi vợ chồng tôi chẳng có xu nào".
(còn nữa)
Nguyễn Huệ