Đột nhập “thủ phủ quan thánh”
Nghe lời đồn về kiểu chữa bệnh hết sức kỳ quái của “Quan Thánh”, PV quyết mục sở thị. Mất gần ba giờ đồng hồ từ TPHCM, cặp “vợ chồng hờ” chúng tôi đã có mặt tại “thủ phủ” ở tổ 8, ấp 3, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai vào những ngày cuối tháng 5-2012.
Trong vai một giám đốc trẻ còn nữ đồng nghiệp của mình là cô vợ hờ, chúng tôi xuất phát từ TPHCM từ sáng sớm, mất gần 1 giờ 30 phút mới đến ngã 3 Tân Phong thuộc địa phận TX Long Khánh, Đồng Nai. Theo chỉ dẫn của người quen, chạy thêm 4 km nữa thì đến ngã ba Bảo Định.
Quẹo phải, men theo con đường nhựa rợp bóng cây ăn trái, mất gần 40 phút “vợ chồng” tôi mới đến được khu chợ thuộc xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ - nơi trước đây “Quan Thánh” cũng từng bán buôn. Thấy chúng tôi đến hỏi mua trái cây và nhang đèn, người bán hàng nhanh nhảu hỏi: “Hai vợ chồng đến coi cô Hằng hả? Sao đi trễ vậy, có hẹn trước không, bà lên đồng coi mới linh...”. Sau khi tính tiền, chúng tôi lần theo con đường nhỏ để đến “thăm” ngài.
Đường vào nhà “Quan Thánh” |
Trước mắt chúng tôi là một dinh cơ khá bề thế. Thấy khách lạ, người đàn ông với ánh mắt đầy soi mói, hất hàm hỏi: “Tìm ai? Hôm nay không coi, cô chuẩn bị đi Núi Bà rồi, bữa sau tới...”. “Bà xã” tôi năn nỉ một hồi, ông ta mới cho vô nhà và kêu cô Hằng (Quan Thánh) ra tiếp.
Cận cảnh “ngài”, chúng tôi ước chừng bà ta khoảng ngoài 50 tuổi, hai mắt thâm quầng, trên đôi môi tái nhợt là điếu thuốc đầu lọc rẻ tiền: “Hôm nay cô bận rồi, ít nhất 5 ngày đến một tuần mới về, khi nào muốn coi thì gọi điện trước để còn sắp xếp...”, “ngài” phán.
Nữ đồng nghiệp đi cùng tôi òa lên khóc: “Cô ơi! Cô giúp con, chứ không anh ấy bỏ thì tội cho con lắm...”. Vừa khóc vừa kể lể, đến tôi cũng không thể ngờ rằng “bà xã” lại nhập vai mùi đến vậy. Sau một hồi năn nỉ ỉ ôi và hơi tốn... nước mắt, chúng tôi được một nữ đệ tử của “Quan Thánh” dẫn sang cái am thờ bên trái căn nhà. Nhìn từ phía trước, ít ai thấy vì nó được che lấp bởi hàng cây xanh cao hơn 5m.
Cửa mở, bên trong được bài trí hết sức lạ lùng. Chính giữa thờ Phật Tổ Như Lai, bên trái là Phật Quan Âm và bà Chúa Xứ, bên phải là Quan Thánh (Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc) phía dưới thờ “ông hổ”. Ngoài ra bên trong còn có một tủ quần áo, nón mão đầy đủ màu sắc, đây chính là y phục “ngài” mặc mỗi khi lên đồng để coi bói, “chữa bệnh” cho những người dính... căn.
Thấy chúng tôi lớ ngớ không biết cách cúng bái, nữ đệ tử chỉ bảo một cách tận tình. Khi quay ra “bà xã” tôi làm quen với một phụ nữ cũng khoảng ngoài 50 tuổi có vẻ rất thân thiết với “Quan Thánh”. Bà này tỏ vẻ thông cảm cho hoàn cảnh của “hai vợ chồng”: “Tại mấy đứa không có duyên nên đến mà cô Hằng phải đi. Nhưng cứ yên tâm, bữa sau vợ chồng bay đến, cô sẽ làm phép cho. Muốn gì được đó, công danh, tiền tài, con cái... cầu gì được nấy”.
Nhìn ánh mắt đầy vẻ dò xét của gia chủ, chúng tôi biết không thể thay đổi được ý định của “ngài” nên xin phép ra về và không quên xin số điện thoại để tiện liên lạc.
Những cuộc gặp trị giá bạc triệu
Sau lần “hội ngộ” này, “bà xã” tôi nhiều lần liên lạc với “ngài” nhưng bất thành. “Ngài” luôn cho rằng vì không có duyên nên rất khó gặp, mà nếu diện kiến thêm lần nữa cũng không thể giải quyết vấn đề.
Theo chị X. - một đệ tử của bà Hằng, cách đây vài năm vì làm ăn thua lỗ, chị từ TPHCM tìm gặp bà theo lời chỉ dẫn của người quen. Lần đầu gặp, “ngài” phán một câu lạnh lùng: “Con đã dính căn, nếu không giải thì suốt đời này việc làm ăn hay chuyện gia đạo chồng con đều gặp bất an...”.
Đối với một phụ nữ chưa đầy 30 tuổi lại đang gặp chuyện trắc trở trong gia đình và công việc, chị X. như vớ được phao, tin tưởng tuyệt đối vào “ngài”. Cũng lần gặp gỡ này vì "thương” chị X. bị dính căn nhưng lại có thần thánh “tương trợ” và có “tuệ căn” nên bà Hằng chỉ yêu cầu cúng giải 2,6 triệu đồng.
Tiền đưa nhưng công việc vẫn gặp khó khăn, gia đình liên tục xào xáo, chị X. lại lặn lội về gặp “ngài”. Vừa thấy mặt, “Quan Thánh” đã phùng mang trợn má nói: “Đệ tử căn rất nặng, cần phải thành tâm hơn nữa thì mới dứt...” và yêu cầu đưa tiếp 3,6 triệu đồng để giải hạn, nếu không cuộc đời sẽ “sạch sành sanh mới ra manh áo đỏ...”.
Vợ chồng “Quan Thánh” trong một lần “ra căn” cho đệ tử |
Sau hai lần “giải căn” không hiệu quả, chị X. định bái biệt nhưng lần này chính bà Hằng lại gọi điện bảo: “Nếu không cúng thì công việc làm ăn sẽ chẳng ra gì, chồng con lận đận, bệnh tật liên miên. Làm theo lời ngài thì sẽ được sung sướng, chỉ có ngài mới cứu được mày...”.
Chị X. một lần nữa lại mê muội, mượn tiền người thân đưa cho vợ chồng bà Hằng với mong muốn công ăn việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc. Nhưng cuộc đời chị ngày càng lận đận khi lún sâu vào những trò buôn thần bán thánh này.
Trường hợp bà Y. lại càng thê thảm hơn. Hai vợ chồng già nuôi đứa cháu nội thường ốm đau lặt vặt. Nhiều người cho rằng cháu bị người âm ám nên xúi bà Y. đưa đến gặp “Quan Thánh”. Bản chất hiền lành, dễ tin người, bà Y đưa cháu đến gặp để “ngài” chữa bệnh và nghe phán: “Thằng bé còn nhỏ và dính căn rất nặng nhưng có “chân mạng đế vương” nên hàng tháng chỉ cần mua nhang đèn, hoa quả cúng là hết thôi”.
Thế nhưng con bệnh không phải là đứa cháu tội nghiệp mà chính là... đôi vợ chồng già! Vẫn với “kịch bản” cũ, bà Hằng liên tục “chẩn trị”, nói bà Y có “chân tướng đế vương”, nếu giải căn, trình căn và ra căn sẽ là thần, thánh cứu nhân độ thế. Còn cãi lời bản thân bà Y cũng như gia đình sẽ gặp nhiều tai ương, tiền tài tiêu hao, bệnh tật triền miên vì bị bề trên trừng phạt.
Nghe vậy bà này vội vàng bán chiếc xe máy đem nộp cho “ngài” hơn 7 triệu đồng để được đội bát hương, tiếp đó lại thêm 7,6 triệu “trình căn”. Số tiền ngày càng lớn và đến lần “ra căn”, “Quan Thánh” nhập về buộc phải đưa 17,6 triệu bà Y. mới thật sự choáng. Cũng vì làm theo lời “ngài” mà gia đình bất hòa, nợ nần chồng chất lên đến hàng trăm triệu, trong khi khả năng “cứu nhân độ thế” của hai vợ chồng chỉ là con số... 0!
Những kiểu hành lễ kỳ quái
“Cuộc lễ đại hội điện” do Huỳnh Thánh Nhiên làm chủ diễn ra vào ngày 9-7 hàng năm. Trong khói nhang nghi ngút, tiếng nhạc ai oán, người phụ nữ mặc áo choàng xanh đỏ, mắt nhắm nghiền múa như lên đồng, bên trái là người đàn ông cũng ngoài 50 tuổi, mặc áo lam, hai mắt láo liên hướng dẫn cho các “con bệnh” và “đệ tử” làm theo ý “ngài”. 18 giờ, trời lờ mờ tối, phía ngoài điện đã tập trung khá nhiều người chờ tham gia hội điện.
Nữ chủ điện sau khi làm thủ tục lên đèn đã thay đổi xiêm y, áo mão chuẩn bị cho phần “rước ngài” về làm việc. Sau khi “Quan Thánh” nhập vào xác nữ chủ điện, “ngài” phán: “Hãy chuẩn bị tất cả cho ta, nhận ấn lịnh và cho các đệ tử ra căn” bằng cái giọng ồm ồm.
Người đàn ông “phụ việc” răm rắp tuân theo yêu cầu của ngài. Trên bàn trải miếng vải màu vàng do các đệ tử giữ, tay cầm viết lông màu đỏ, “ngài” bắt đầu viết những ký hiệu nguệch ngoạc như giun, hết tấm vải màu vàng lại đến tấm màu đỏ để làm phép “ra căn” và đưa cho người đàn ông đem lên để trên bàn thờ.
Một nữ đệ tử có lẽ sắp được “ra căn” (thành chánh quả), được ngài yêu cầu thắp nhang và quỳ lạy bề trên. Nữ chủ điện vừa làm phép vừa... huýt sáo để đệ tử nhận ấn lịnh và khuyên: “Đệ tử phải cẩn thận để thay đổi con đường công danh, nhận ấn lịnh, để cứu nhân độ thế, mỗi sáng phải thắp 3 cây hương và giữ vững ấn lịnh nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn...”. Sau khi đã chỉ bảo đầy đủ cho nữ đệ tử đã ra căn để... hành đạo, ngài nói “thôi ta đi” và “thăng” về trời (!?).
Chữa bệnh bằng việc xoa khói thuốc và phun rượu vào mặt |
Tiếp đó là phần rước “Quan đệ” về thăm điện, rồi tiếp đến là “Ông Quận 7, Thái Công Công và Lão Bà Bà”, mỗi lần rước bề trên là mỗi lần nữ chủ điện thay đổi mũ áo, có lẽ để cho giống với người mình mời. Mỗi lần nhìn “bề trên” nhập vào nữ chủ điện, thay đổi từ giọng nói cho đến tính cách mới thấy được khả năng “siêu phàm” của “ngài”.
Với phần nhập của “Ông Quận 7”, “ngài” luôn bắt các đệ tử rót rượu và châm thuốc hút với cái giọng ái nam ái nữ và cả giọng em bé: “Thêm rượu đi, thêm chút nữa đi mà uống vậy sao say được...”. Không hiểu vì xỉn hay tại “ngài” có máu nghệ sĩ, trong lúc lên đồng, “ngài” cao hứng hát: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”.
Sau tiết mục trữ tình ấn tượng, “ngài” chuyển sang tiết tấu sôi động. “Tiếng chày trên sóc bom bo” được bật lên cũng là lúc “ngài” đã thay đổi trang phục và giả làm thôn nữ múa minh họa trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ của các đệ tử và những người tham gia hội điện.
Hấp dẫn và cao trào nhất có lẽ chính là phần rước “Tề Thiên Đại Thánh”, với phụ họa của một nữ đệ tử, cả hai thầy trò bỗng rùng mình biến thành... khỉ. Ngoài việc múa may quay cuồng, hai người còn bắt chước tiếng khọt khẹt của “lão tôn” và nhảy nhót liên tục. Bỗng nhiên nữ đệ tử như bị ma nhập, hai mắt trợn tròn, toàn thân cứng ngắc. “Lão Tôn” cao giọng: “Yêu quái kia sao ngươi dám vào đây? Hãy coi phép thuật của ta...”.
Miệng nói tay cầm chai nước uống đổ đầy miệng, “Tề Thiên Đại Thánh” phùng mang trợn má phun nước như mưa vào mặt nữ đệ tử bị ma ám. Có lẽ gặp phải tài phép của “Đại Thánh”, nữ đệ tử rùng mình, yêu quái hoảng hồn, chạy một mạch không dám nhập vào xác của nữ chủ kia (!?). Đồng thời nhằm ra tay nghĩa hiệp, cứu rỗi chúng sinh, “Tề Thiên Đại Thánh” phun nước vào tất cả những người tham gia để trừ tà khí ma đạo và ngăn ngừa bệnh tật.
Sau khi mệt nhoài vì “cứu nhân độ thế”, “Đại Thánh” được các đệ tử mời ăn trái cây để lấy lại sức. Vớ ngay trái đào, “khỉ ngài” ăn ngấu nghiến rồi sau đó nhả hạt cho “người giúp việc”, y cúi đầu lễ phép nhận lấy nhai ngon lành như một cách cảm tạ bề trên.
Những lá bùa được “ngài” ban phát |
Những bệnh nhân (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em) và cả đệ tử đang theo hầu “ngài” cũng được chữa bệnh theo cách “độc nhất vô nhị” này. Tay cầm 5 điếu thuốc gắn lên mũi và miệng, “ngài” hít lấy hít để sau đó nhả vào khăn tay đem xoa lên mặt, đầu và những nơi bị đau của người bệnh. Ngoài ra còn dùng “nước thánh” (rượu) phun vào mặt bệnh nhân để xua tà khí, bệnh tật.
Một số gia đình có con em bị bệnh, được “ngài” cho lá bùa, bảo đem đốt pha với nước uống để trị. Nhìn đứa bé mặt mày nhăn nhó uống ly nước đen ngòm mới thấy được “tài năng” của ngài.
Các cuộc hành lễ diễn ra liên tục trong suốt nhiều giờ liền. Rất đông đệ tử tham gia và được “ngài” cho “ra căn”. Vài đệ tử lấy làm mãn nguyện vì ước mơ “cứu nhân độ thế” của mình đã thành hiện thực. Rồi đây mỗi lần “bề trên” về nhập vào xác sẽ có rất nhiều người, nhiều gia đình được cứu rỗi, làm ăn phát tài, bệnh tật tiêu tán.
Để đạt được điều này, phần đông đệ tử đã phải tốn kém rất nhiều tiền bạc vào việc cúng quả, hành lễ cho “Quan Thánh”. Cuối buổi lễ “ngài” lấy hoa quả, tiền (chủ yếu là các mệnh giá 1, 2 và 5 ngàn đồng) phân phát hết cho những người tham gia để lấy “lộc” và hẹn vào buổi hành lễ sau.
Không biết vì thần thánh nhập về quá nhiều trong “lễ đại hội điện” đã làm tổn thương “nguyên khí” hay vì hút thuốc, uống rượu và múa may quay cuồng nên nữ chủ điện mệt nhoài, thở không ra hơi, mặt mày xám ngoét?
Căn nhà được cho là xây từ tiền của các đệ tử, bệnh nhân |
Theo điều tra của chúng tôi thì người luôn xưng mình là “Quan Thánh, ngài” chính là Nguyễn Thị Mỹ Hằng, còn người “giúp việc” - trợ thủ đắc lực không ai khác là Huỳnh Thánh Nhiên (còn gọi là Khánh), chồng sau của Hằng. Hai vợ chồng và đám đệ tử đã hành nghề khá lâu.
Với thủ đoạn “lên đồng nhập xác”, “bắt mạch” cho con bệnh và phán bị dính căn, kiếp trước ăn ở ác bị người âm theo, ma ám..., hầu hết nạn nhân của vợ chồng “Quan Thánh” đều là trẻ em và những phụ nữ lớn tuổi, trình độ học vấn giới hạn và ở các vùng nông thôn hẻo lánh. Không ít chị em vì tin vào lời tiên đoán của “Quan Thánh” đã bỏ bê việc làm, chồng con để giúp việc cho... bề trên.
Tiếp cận với nhiều nạn nhân, chúng tôi còn biết được một vài người vì bị “ngài” phán dính căn do kiếp trước làm nhiều việc ác, muốn giải và được bề trên giúp đỡ phải đi làm massage để lấy tiền cúng mới mong thoát khỏi nạn kiếp. Kiểu buôn thần bán thánh lừa đảo người dân thế này, không hiểu chính quyền sở tại có biết chăng?
Hành nghề mê tín, dị đoan là loại tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội), quy định tại điều 247 Bộ luật Hình sự năm 1999, nội dung cụ thể như sau:
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Để nhận biết “tội hành nghề mê tín, dị đoan” cần nắm một số vấn đề liên quan đến tội phạm này. Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm, theo các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999, người phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan là người dùng những thủ đoạn lừa bịp, lợi dụng sự lạc hậu của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc các mục đích khác. Hành nghề mê tín dị đoan là hành nghề dưới các hình thức như bói toán, lên đồng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác, gây ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, trật tự công cộng hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác (bói toán là đoán những việc của quá khứ, hiện tại và tương lai của người khác, không có căn cứ khoa học; lên đồng là hình thức mê tín dị đoan mà người nào đó làm giả như có thần thánh, ma quỷ nhập vào mình rồi phán bảo những điều nhảm nhí để người khác tin theo; các hình thức mê tín dị đoan khác như: xem số, gọi hồn, xem tướng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang...). Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm, tội hành nghề mê tín, dị đoan được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp (mục đích, động cơ phạm tội là vụ lợi cá nhân). Chủ thể của "tội hành nghề mê tín, dị đoan" là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định (đủ 16 tuổi trở lên).
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Để nhận biết “tội hành nghề mê tín, dị đoan” cần nắm một số vấn đề liên quan đến tội phạm này. Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm, theo các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999, người phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan là người dùng những thủ đoạn lừa bịp, lợi dụng sự lạc hậu của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc các mục đích khác. Hành nghề mê tín dị đoan là hành nghề dưới các hình thức như bói toán, lên đồng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác, gây ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, trật tự công cộng hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác (bói toán là đoán những việc của quá khứ, hiện tại và tương lai của người khác, không có căn cứ khoa học; lên đồng là hình thức mê tín dị đoan mà người nào đó làm giả như có thần thánh, ma quỷ nhập vào mình rồi phán bảo những điều nhảm nhí để người khác tin theo; các hình thức mê tín dị đoan khác như: xem số, gọi hồn, xem tướng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang...). Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm, tội hành nghề mê tín, dị đoan được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp (mục đích, động cơ phạm tội là vụ lợi cá nhân). Chủ thể của "tội hành nghề mê tín, dị đoan" là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định (đủ 16 tuổi trở lên).
Theo Hiếu Thanh/Công an TPHCM