Quái hình trên linh quy

14/04/2011 12:09

Qua xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, tình cờ chúng tôi nghe câu chuyện về ông Quách Văn Diệt ở thôn Phi Long nhặt được rùa lạ bằng đá trắng với những vết đẽo gọt như vô tình, như  hữu ý khiến ai nấy đều rất tò mò. Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Diệt để tận mắt chứng kiến và ghi lại những câu chuyện ly kỳ xung quanh rùa đá.


Tình cờ hay hữu ý?

Ông Diệt cho biết đã nhặt được "thạch quy" từ cuối năm 2010, lúc đó ông lên đồi Bò Đái để phát rẫy. Trong lúc lia dao phát vào một bụi cây thì bỗng nhiên nghe tiếng đá vỡ, một mảnh đá trắng văng ra. Khi nhìn lại ông thấy con dao bị sứt mẻ không thể tiếp tục công việc. Sau đó, ông ngồi tại chỗ mài dao và chợt thấy một hòn đá nhỏ bằng bao thuốc lá có hình con rùa.

Thấy lạ, ông nhặt lên xem rồi bỏ vào túi mang về nhà để vào tủ kính cho đẹp. Lúc đó, ông không để ý kỹ những hình khắc trên mai rùa đá nên chỉ mang về chơi cho vui.

 

Rùa đá chỉ bé bằng bao thuốc lá
 

Tuy nhiên, đêm mồng 1 Tết Tân Mão, có một người khách đến đi chơi, người khách xin ông Diệt cho coi rùa rồi mới phát hiện trên mình của nó có những vết như đẽo, gọt, đồng thời rất nhiều kỳ hình cũng xuất hiện khiến cho ông Diệt mất ăn mất ngủ lo sợ. Đặc biệt, những hình ảnh này bằng mắt thường rất khó phân biệt, hình chỉ hiện rõ khi nhìn qua một tấm gương (cách mà nhiều dân săn đồ cổ địa phương hay dùng) hoặc chụp ảnh độ nét cao rồi phóng to lên.

Theo một số cụ cao niên trong vùng, phải có duyên và vận máy mới gặp  được linh vật như vậy. Trong dân gian từ xưa  đến nay, những vật như vậy không thường xuyên xuất hiện. Ông Diệt lại cho rằng, mình nhặt được chẳng qua là do tình cờ, bỗng dưng phát phải chứ không chủ ý đi tìm kiếm.

Kỳ hình

Chỉ có một viên  đá nhưng có rất nhiều kỳ hình, nếu nhìn bằng mắt thường thì đó là một con rùa có đầu có đuôi, nhưng khi chúng tôi chụp hình thì lại nhìn thấy hình của một con vật gì đó khác con rùa.

Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi đưa máy ảnh chụp mọi góc cạnh. Từ đầu chụp xuống là hình của một người trong tư thế đang quỳ gối. Trên mai rùa phần phía trên cổ có một dấu cộng (+) và một nhân ảnh bán thân. Trên sườn phải của rùa đá bằng mắt thường có thể thấy đó chỉ là những vết dao đẽo gọt vô tình, nhưng khi chụp hình thì những vết đẽo này hiện hình của một đàn chuột trắng, có người lại cho rằng những hình đó còn giống với một đàn cá ở dưới nước. Phía mai trái có thể nhìn các hình khắc rõ hơn, một số hình giống với nét chữ tượng hình.

Ngoài ra, phần mảnh đá bị  phát vỡ ra, lại có hình của hai người đàn bà tựa đầu vào nhau, cạnh đó là hình của một người trọc đầu giống như là ông sư trong chùa. Phần đuôi lại là hình của một bãi đá, lởm chởm...

Vứt đi rồi lại gặp

Quá hoảng hốt vì những quái ảnh trên rùa đá, ông Diệt đã đem vứt ngay trong đêm mồng 1 Tết Tân Mão. Biết tin đó, anh Quách Bá Ngôn ở thôn Báy, một người hay chơi với dân "săn" đồ cổ trong huyện nói rằng, phải tìm lại rùa đá, vì vật này nằm trong bộ tứ linh là Long, Ly, Quy, Phụng, đó là sự thèm muốn của bao nhiêu người, nó sẽ mang lại điềm lành vì thế không nên vứt.

 

Dấu cộng và hình người trên mai rùa. (ảnh tròn)

 

Nghe theo lời anh Ngôn, hai hôm sau ông Diệt lọ mọ đi tìm lại, ông cứ nhằm hướng ném hôm trước rồi ước chừng theo đó mà  đi tìm, ông vừa loay hoay được một lúc ở vườn cây keo trước nhà thì thấy chân cồm cộm, ông nhấc chân lên lại thấy rùa đá đang nằm dưới chân mình và ông mang về cất tiệt từ đó đến nay.

Theo ông Diệt thì ngay từ  trong Tết đã có vài người thấy lạ đã  đòi mua, nhưng ông không bán. "Con rùa nó chỉ  bé bằng cái nắm tay. Bán đi làm gì, tôi để  đó bỏ vào tủ làm cảnh thôi", ông Diệt cho biết.
 
Theo quan niệm về Quy trong văn hóa Trung Hoa thì Quy tượng trưng cho sự trường tồn, nếu sống được 5.000 năm gọi là Thần Quy, 10.000 năm gọi là Linh Quy. Thông thường phương bắc tôn sùng Hắc Quy và có một con rắn cuộn quanh, còn ở Thanh Hóa là Bạch Quy.

Nhà khảo cổ học Lê  Đình Phụng giải thích rằng, rùa đá là biểu tượng văn hóa của mỗi vùng. Trong sách Kinh Dịch thì  Hà đồ và Lạc thư là hai phần có  nguồn gốc xuất phát từ những hình vẽ trên mai rùa. Theo quan niệm của người phương bắc thì quái hình rùa và rắn gọi là huyền vũ thường đi kèm với nhau, biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn. Tuy nhiên, về chất liệu thì mỗi cư dân, tộc người có một chất liệu sử dụng để đẽo gọt khác nhau, không phân biệt đá đen, đá trắng, đồng hay vàng...

Giải thích về việc xuất hiện nhiều hình thù trên mai rùa, ông Phụng cho rằng: "Thanh Hóa là vùng giao thoa văn hóa giữa văn hóa Trung Hoa với Ấn Độ giáo, tượng trưng cho thần Vishinu. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chính xác niên đại và nguồn gốc văn hóa thì phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ các hình vẽ trên mai rùa, và có thể đây sẽ là một Linh Quy của người Việt.

Theo Dương Huyền Vũ/KH&ĐS