"Quan điện" vừa giữ 1,7 tỷ đồng của doanh nghiệp vừa "la làng"

25/04/2013 14:32
Nhóm PV điều tra
(GDVN) - "Với thế độc quyền, Điện lực Phú Thọ vẫn cố “sáng tác” ra một con số “chênh lệch thiếu” và ép doanh nghiệp phải đóng hơn 1,7 tỷ đồng để được đóng điện sản xuất trong khi “chờ phân xử”. Nhưng sau hơn 4 tháng giám sát chặt chẽ từng giờ một, Điện lực không phát hiện ra được “kẻ cắp”, nhưng không chịu trả lại số tiền trên cho doanh nghiệp...".
Kỳ trước trong bài “Tình tiết bất ngờ về vụ Quan điện hành doanh nghiệp suốt  mấy năm”, chúng tôi đã giới thiệu cùng bạn đọc việc Điện lực Phú Thọ tự dưng “phát hiện” ra “4 đầu dây lạ” được đấu “chỏng trơ”trong một hòm công tơ của trạm biến thế của Nhà máy xi măng Hữu Nghị trong khi cả 7 niêm phong xung quanh hòm công tơ bao gồm cả niêm khóa vẫn còn nguyên vẹn và “4 đầu dây lạ “ không được đấu nối vào bất cứ thiết bị nào của Nhà máy. 

Biên bản nghiệm thu hòm bao bọc thiết bị đếm điện và hệ thống đo đếm điện năng với nhiều điều khoản "lạ lùng" của Điện lực Phú Thọ
Biên bản nghiệm thu hòm bao bọc thiết bị đếm điện và hệ thống đo đếm điện năng với nhiều điều khoản "lạ lùng" của Điện lực Phú Thọ


Trong khi Điện lực cố gắng đưa ra con số “chênh lệch thiếu” thì Doanh nghiệp và nhiều người lại nghi vấn rằng rất có thể là “chênh lệch thừa” vì “4 đầu dây lạ” không ai có thể đấu vào được ngoài sự cho phép của phía Điện lực. Ở đây họ chưa muốn nói rằng chỉ có Điện lực mới đấu được vì bằng chứng là chìa khóa hòm do Điện lực giữ  và 7 niêm phong trong đó có cả niêm phong khóa vẫn còn nguyên vẹn. Nếu nghi vấn đúng thì Điện lực mới là người “ăn cắp”.
    
Vô cùng bức xúc vì bị ức hiếp và bôi nhọ, doanh nghiệp liên tục gửi đơn lên các cơ quan chức năng để yêu cầu can thiệp. UBND tỉnh Phú Thọ, Ban quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ cùng nhiều ban ngành chức năng của Tỉnh đã tiến hành hòa giải. Hai bên đã tạm thời bắt tay nhau “nối lại tình xưa”, nhưng vấn đề trả lại cho doanh nghiệp hơn 1,7 tỷ đồng thì Điện lực vẫn cứ “đội mũ phớt”.

Nhiều lần doanh nghiệp đã làm công văn “đòi nợ” nhưng Điện lực không hồi âm. Có lẽ để “dằn mặt” ông “Thượng đế” không biết sợ “Quan” này, Điện lực đã liên tục “ra đòn” để khẳng định vị thế của mình.

Dư luận chắc vẫn chưa quên được vào tháng 01/2007, tức là sau khi hai bên cùng hợp tác “truy lùng” “lũ sai lệch” nhưng cả hai thằng “sai lệch thừa “và “sai lệch thiếu” đều không thấy, Điện lực Phú Thọ quyết định thay đổi công tơ đo đếm mới.

Trong biên bản nghiệm thu, đoạn gần cuối, mọi người đều giật nảy mình khi đọc được câu “Mọi sai lệch so với hiện trạng khi nghiệm thu lắp đặt hệ thống đo đếm điện đã được ghi trong biên bản này (bất kể nguyên nhân lý do gì) về giấy niêm phong, chì niêm phong, khóa hòm, hòm bao bọc, dây đấu nhị thứ công tơ điện, máy biến dòng điện, máy biến áp đo lường đều được coi là bên Mua điện vi phạm hợp đồng mua bán điện và coi đó là hành vi gian lận, trôm cắp điện năng”.

Như vậy, nếu cứ theo điều khoản này thì Doanh nghiệp sẽ liên tục phải giữ vai “ăn cắp” vì có thể do thời tiết mưa bão, chuột gặm, dán nhấm, trẻ con nghịch hoặc kẻ xấu xé rách niêm phong, sét đánh đứt dây v.v. bất kể nguyên nhân và lý do gì thì Doanh nghiệp cũng sẽ phải ra tòa vì “tội ăn cắp”.

Mặc cho doanh nghiệp “phùng má trợn mắt” lên cãi, ông Trưởng phòng kinh doanh của Điện lực Phú Thọ vẫn khăng khăng nói rằng không thể sửa đổi điều khoản này vì đó là qui định của “Luật Điện lực”. Chỉ đến khi Đại diện doanh nghiệp yêu cầu Giám đốc Điện lực xuống nói chuyện và trước mặt Giám đốc Điện lực Phú Thọ, đại diện Doanh nghiệp đưa máy điện thoại của mình cho Giám đốc Điện lực nói chuyện với “Trợ lý” của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thì “ Quan” mới hạ giọng và chấp nhận xóa bỏ điều khoản có một không hai này. (Tất nhiên là Giám đốc Điện lực Phú Thọ xua tay không nhận chiếc điện thoại để trực tiếp nói chuyện với Trợ lý của Bộ trưởng).

Cũng trong tháng 01/2007, sau khi Nhà máy xi măng Hữu Nghị được phép mở rộng đồng nghĩa với việc sẽ phải lắp đặt thêm trạm biến thế tại khu A. Như vậy là “ông không thể tránh khỏi tay tôi”, Điện lực lại được một cơ hội vàng để thể hiện năng lực. Trong quá trình lắp đặt trạm biến thế mới 6.500KVA, Điện lực đã gây biết bao phiền toái.

Theo ông Chủ tịch Hội đồng cố vấn của doanh nghiệp thì nhiều lúc hai bên phải “cãi nhau” hơn cả “mổ bò”. Ví dụ sau khi lắp đặt xong trạm biến thế, hai bên chỉ còn việc lắp công to đo đếm và đóng điện. Để đảm bảo về mặt “tâm linh”, doanh nghiệp xin được chọn ngày một chút để sau này làm ăn cho thuận tiện. Hai bên đã thống nhất ngày đóng điện.

Nhưng khi sắp đến giờ “Tí-Sửu” thì mọi người phát hiện ra hòm công tơ bị hỏng bản lề, thế là phải hoãn để đi chữa bản lề hòm công tơ. Tất nhiên mọi người đều sẽ đoán được rằng việc Điện lực đi chữa chiếc bản lề này sẽ không thể xong trong một ngày (!). Đúng là như vậy, thời gian để chữa một chiếc bản lề đã dài hơn cả việc làm mới một chiếc hòm công tơ (!).

Mấy ngày sau, khi chiếc bản lề đã được chữa xong, chuẩn bị đến “giờ tốt’ để đóng điện thì đùng một cái, một vị cán bộ “nhớn” phòng thí nghiệm  “phát hiện” ra một “tình tiết quan trọng” là “tôn chế tạo hòm công tơ mỏng quá” không đảm bảo đủ điều kiện đóng điện. Thế là việc đóng điện phải “hoãn lại ít ngày” để “đi thửa” một cái hòm khác đủ tiêu chuẩn.

Ông cán bộ “nhớn”  này quên rằng cái hòm công tơ đó là do Điện lực chế tạo và nó là tài sản của Điện lực. Một lần nữa Doanh nghiệp lại phải làm công văn phàn nàn, nhưng ai hơi đâu mà quan tâm đến cái việc “nhỏ như con thỏ” này.

Bức xúc, nhưng “Quan điện” đã quyết thì dân còn làm gì được nữa!, thế là việc đóng điện lại phải hoãn lại vài ngày nữa. Nhưng dù sao đi nữa thì cuối cùng cái trạm biến thế “không được mùa sinh” này vẫn được nghiệm thu để đóng điện và nó vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Nhưng có lẽ do “không được mùa sinh” (bị lệch giờ vào ngày “Tí – Sửu” do những sự cố “quan trọng” trên) cho nên trong quá trình sử dụng trục trặc lại xẩy ra liên miên.

Đóng được điện, ký được Hợp đồng mua bán điện, tưởng là hai bên đã đến lúc lập lại được “quan hệ ngoại giao bình thường”. Nhưng không, Điện lực Phú Thọ lại giở “tuyệt chiêu” mới. Nếu như các hàng “Đại ca siêu đẳng võ Việt” gặp trường hợp sau đây thì chắc chắn cũng sẽ suy tôn  Điện lực Phú Thọ lên hàng “ Đại Sư phụ”.

Đó là việc tự ý liều mạng đấu chết tất cả các cầu dao đóng ngắt điện của trạm biến thế của Nhà máy. “Từ lúc đó trở đi, nếu có xẩy ra sự cố về điện như chập điện, cháy nổ hoặc thậm chí cháy nhà chết người” thì chỉ có “giương mắt” mà chờ đến khi Điện lực Phú Thọ ngắt cầu dao tổng thì mới được vào cứu. Nếu sự cố xẩy ra trong Nhà máy mà Điện lực không cắt cầu dao tổng thì có mà chỉ có “Trời cứu”.

Sự thể thế nào, hai bên giải quyết sự cố này ra làm sao, chúng tôi xin đăng tải trong các kỳ tiếp theo, mời các bạn đón đọc.


Nhóm PV điều tra