Xuất thân từ những người dân với ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó.
Có thể thấy, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” chính là bản chất và quy luật phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại lễ thành lập Đội trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng ngày 22/12/1944. Ảnh: TL |
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu
Cách đây 76 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Ðảng và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Dân quân tự vệ "chia lửa" cùng bộ đội, anh dũng chiến đấu với máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Vì “từ nhân dân mà ra” nên ngay từ buổi đầu thành lập, Quân đội Nhân dân đã lấy tư tưởng “dân là gốc” làm nguồn cội; lấy truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam làm cơ sở tinh thần để xây dựng; lấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm động lực và sức mạnh để cùng toàn dân đấu tranh, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người chủ đất nước.
Cũng vì “từ nhân dân mà ra” nên trong thời chiến hay thời bình, nhân dân luôn là người chở che, nuôi dưỡng và xây dựng quân đội.
Trong kháng chiến, nhân dân các dân tộc Việt Nam luôn sát cánh cùng quân đội chiến đấu và chiến thắng.
Trong hòa bình, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, nhân dân lại ra sức lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh.
Đáp lại tấm lòng, tình nghĩa của nhân dân, “vì nhân dân mà chiến đấu” đã trở thành nét đặc trưng nổi bật trong bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đặc trưng này được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Dù trong chiến tranh hay hòa bình thì mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đều là vì dân.
Khi vừa mới thành lập, cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng với các đoàn thể cách mạng tích cực vận động nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau đó, vừa chiến đấu chống các thế lực phản cách mạng, vừa chiến đấu chống quân xâm lược, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân; thực hiện kháng chiến, kiến quốc; cùng nhân dân “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”…
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: TTXVN |
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội nhanh chóng xây dựng, phát triển.
Vừa chiến đấu chống thực dân Pháp và tay sai, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan kháng chiến, vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng, phối hợp đánh địch... cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các cán bộ, chiến sĩ quân đội không quản gian khổ, hy sinh, vừa chống địch càn quét, bảo vệ cơ sở cách mạng, vừa hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh; dẫn dắt, xây dựng, huấn luyện dân quân du kích, tự vệ; bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình trong cả nước.
Khi cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các đơn vị quân đội tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh; tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng, chỉ đạo hoạt động các khu vực phòng thủ, khu kinh tế-quốc phòng; Đồng thời, giúp đỡ nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng đời sống mới; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai...; đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ cho đất nước được yên bình.
Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 82 (Quân khu 2) giúp dân gặt lúa tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Không chỉ chiến đấu vì nhân dân Việt Nam, Quân đội ta còn chiến đấu vì nhân dân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam sát cánh với nhân dân và quân đội các nước Lào, Campuchia, hy sinh xương máu đánh kẻ thù chung, góp phần giành độc lập cho dân tộc bạn, góp phần xây dựng tình đoàn kết gắn bó Việt Nam-Lào-Campuchia.
Trong hòa bình, quân đội ta vẫn nắm chắc tình hình, làm tròn nhiệm vụ trong nước, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với nhân dân, quân đội các nước.
Có thể khẳng định, sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh to lớn, giúp Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược trước đây và gặt hái được những thành tựu vượt bậc trong giai đoạn đổi mới hiện nay.
Thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân-dân
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
Trẻ em trong thôn, làng biên giới tỉnh Gia Lai có nước sạch để tắm nhờ sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên Công ty 72, Binh đoàn 15 tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN |
Ở những nơi có sự cố hoặc những lúc khó khăn nhất thì quân đội bao giờ cũng có mặt đầu tiên. Trong đại dịch COVID-19, hàng nghìn chiến sỹ, sỹ quan trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, ngày đêm chăm sóc, hỗ trợ hàng vạn người cách ly tập trung, dù ban đêm hay ban ngày, dù trời nắng hay trời mưa, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và cả khả năng lây nhiễm cao của bệnh dịch…
Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn lối mở, không quản ngại ăn lán, ngủ rừng để kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tiếp nhận công dân trở về từ vùng có dịch và tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trấn an người dân, kết thành “bức tường ngăn dịch” vô cùng vững chắc.
Cán bộ Đồn biên phòng Làng Mô thăm hỏi, tặng quà gia đình anh Hồ Văn Biên ở thôn Trung Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Hay trong số hơn 100 người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua, có hơn 30 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân, để lại lòng biết ơn và tiếc thương vô hạn, nhưng cũng là niềm tự hào, là động lực để đồng chí, đồng đội không chùn bước, quyết tâm vượt mọi khó khăn, hiểm nguy bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Lực lượng bộ đội hóa học với xe chuyên dụng tiến hành phun hóa chất tẩy độc, khử trùng Bệnh viện Bạch Mai sau khi phát hiện nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-COV-2 có liên quan đến Bệnh viện. Ảnh: Dương Giang/TTXVNN |
Có thể thấy, khi Tổ quốc và nhân dân cần, những người lính luôn sẵn sàng lên đường, chấp nhận mọi gian khổ, hiểm nguy ở phía trước, dù phải hy sinh tính mạng.
Cứu giúp nhân dân đã trở thành một trong những nhiệm vụ chiến đấu hàng đầu giữa thời bình của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim.
Tinh thần ấy dường như đã đúc kết trong câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 (một trong 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh) trong đoạn clip cuối cùng của đoàn được ghi lại trước khi gặp nạn: "Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm".
Trước khi lên đường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cũng đã nói với các đồng đội của mình rằng: nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh.
Có thể nói, ở mọi thời kỳ, Quân đội Nhân dân luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chiến đấu; đồng thời Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng luôn lấy sự phụng sự nhân dân làm mục tiêu lý tưởng, luôn là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.
Đánh giá về Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng ghi nhận sâu sắc rằng: Quân đội Nhân dân đã, đang, sẽ và mãi xứng đáng là điểm tựa, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bởi lẽ, thành quả lớn nhất của quân đội là làm cho dân tin, dân yêu, dân kính trọng và tự nguyện giúp đỡ quân đội, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đắp bồi thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
Lực lượng hải quân bảo vệ quần đảo Trường Sa được trang bị phương tiện tuần tra hiện đại, luôn đề cao cảnh giác, tuần tra theo dõi, nắm chắc tình hình trên biển, dự báo đúng tình hình để có kế hoạch và chủ động ứng phó với mọi diễn biến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Để Quân đội Nhân dân mãi xứng đáng là điểm tựa, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, trong mọi tình huống, luôn phải đề cao trách nhiệm, gương mẫu trong lời nói và hành động, nhằm giữ gìn mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tạo dựng lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân.
Các đơn vị quân đội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn…
Từ đó góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.