Căn cứ hải quân vịnh Á Long - Tam Á |
Tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông vừa có bài viết dẫn các phương tiện truyền thông nước ngoài trong đó có "Strategy Page" Mỹ và "Cảng hàng không" Nga phỏng đoán, lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc liên tiếp tiến hành huấn luyện và diễn tập liên hợp ở các vùng biển xung quanh, đánh dấu Quân đội Trung Quốc đang thử nghiệm mô hình tác chiến "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" phiên bản Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc có thể lấy đảo Hải Nam làm trận địa tuyến đầu hình thành năng lực tác chiến liên hợp với mục đích vô hiệu các hệ thống tấn công hỏa lực đường không được các nước xung quanh phát triển nhằm vào Biển Đông.
Máy bay chiến đấu Hải quân trang bị thiết bị chuyên dụng
Hãng Kyodo, Nhật Bản phỏng đoán, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng một mô hình "tuần tra" mới, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền (bất hợp pháp) đối với tất cả các đảo đá, bãi cạn ở Biển Đông.
Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc cũng đã xây dựng rất nhiều công trình quân sự ở đá Vành Khăn (thuộc chủ quyền của Việt Nam)... Trung Quốc đang "nhanh chóng tăng cường khả năng kiểm soát quân sự đối với Biển Đông".
Tờ "Strategy Page" Mỹ cho rằng, hiện nay Quân đội Trung Quốc đã có điều kiện tăng cường kiểm soát Biển Đông. Không quân và lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc đều đã trang bị nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, đồng thời đã triển khai lực lượng tác chiến ở các căn cứ duyên hải của Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu Su-30MKK2 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện trong đêm. |
Lực lượng hàng không Hải quân và Không quân đều không ngừng tăng cường huấn luyện tác chiến cho phi công, giữa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đã hình thành trạng thái tác chiến hiệp đồng.
Nhưng, trước đây, giữa lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc ít có huấn luyện liên hợp và diễn tập liên hợp, điều này cho thấy họ vẫn chưa xây dựng được mô hình hành động hiệp đồng ở tầng nấc cao.
Theo bài báo, từ đầu năm đến nay, lực lượng hàng không Hải quân và Không quân triển khai ở các căn cứ duyên hải Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành huấn luyện và diễn tập liên hợp, đã “mở ra cánh cửa lớn” để Hải-Không quân Trung Quốc tác chiến liên hợp.
Máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc áp dụng phương thức biên chế hỗn hợp tiến hành diễn tập chiến đấu thực tế, chú trọng xây dựng năng lực tác chiến hiệp đồng. Tướng lĩnh hai lực lượng này còn phối hợp xây dựng kế hoạch hành động và tác chiến, giúp cho các cuộc diễn tập liên hợp “có hiệu suất tác chiến tương đối cao”.
Tạp chí "Cảng hàng không" Nga phỏng đoán, máy bay chiến đấu lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc phần lớn đã trang bị thiết bị chuyên dụng có thể tìm kiếm và tấn công tàu chiến, vì vậy năng lực bắt được và "khóa" các mục tiêu trên biển, năng lực tiến hành tấn công đối hải khá mạnh. Trên phương diện này, Nga có ưu thế so với Không quân Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu dòng Su của Không quân Trung Quốc |
Thế mạnh của máy bay chiến đấu Không quân là chiến đấu trên không, chúng có thể tiến hành phối hợp chặt chẽ trong các hành động tấn công đối hải, tiến hành bảo vệ cần thiết cho máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không Hải quân. Máy bay chiến đấu Không quân cũng hỗ trợ bảo vệ cho máy bay ném bom của Hải quân khi bám theo "tàu địch".
Báo Trung Quốc cho rằng, lực lượng máy bay chiến đấu Hải, Không quân Trung Quốc thông qua phương thức tác chiến liên hợp này, có thể tiến hành kiểm soát hiệu quả hơn đối với các vùng biển xung quanh.
Hai căn cứ lớn dưới lòng đất đảo Hải Nam
Tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ cho biết, quân Mỹ đưa ra tư tưởng tác chiến hoàn toàn mới "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" thực chất là yêu cầu quân Mỹ sử dụng ưu thế trên các phương diện như hàng không-vũ trụ, mạng, công nghệ điện tử, lấy Guam và các căn cứ tác chiến và hậu cần của các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc làm chỗ dựa, đẩy nhanh thực hiện phối kết hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tác chiến, hình thành hệ thống tác chiến lập thể đa tầng trong không gian-trên không-trên biển.
Theo bài báo, tư tưởng tác chiến mới này của quân Mỹ chủ yếu sử dụng thích hợp với các chiến dịch ở khu vực tác chiến Tây Thái Bình Dương, mục đích chính là tiêu diệt năng lực "chống can dự/ngăn chặn khu vực" của đối thủ (Trung Quốc).
Máy bay chiến đấu J-8II của lực lượng hàng không Hạm đội Nam Hải tiến hành tiếp dầu trên không. |
Tờ "Strategy Page" phỏng đoán, đối mặt với sức ép từ sự điều chỉnh phương án tác chiến của quân Mỹ, Hải quân và Không quân Trung Quốc ý thức được rằng, chỉ có tiến hành hợp tác lâm thời trong thời chiến hoàn toàn không đủ, cần thiết phải xác định, thiết lập hệ thống huấn luyện và tác chiến liên hợp.
Điều này có nghĩa là Quân đội Trung Quốc bắt đầu tìm cách thử nghiệm mô hình "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển" phiên bản Trung Quốc, hình thành tác chiến liên hợp giữa lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc chính là nền tảng để xây dựng mô hình này.
Bài báo còn phỏng đoán, Hải quân Trung Quốc đã lấy khu vực duyên hải làm khu vực trọng điểm để thực hiện tác chiến liên hợp. Trong các căn cứ quân sự xây dựng mới trên đảo Hải Nam, đã xây dựng xong một sân bay có thể dùng chung cho lực lượng hàng không Hải quân và Không quân.
Điều này có nghĩa là, các căn cứ trên đảo Hải Nam trở thành trận địa tuyến đầu của tác chiến liên hợp thử nghiệm tác chiến liên hợp trên biển-trên không của Quân đội Trung Quốc, khu vực mục tiêu mà họ muốn kiểm soát chính là Biển Đông.
Tờ "Cảng hàng không" Nga cho rằng, những hình ảnh vệ tinh cho thấy, Không quân Trung Quốc có thể đã xây dựng xong một sân bay và hầm cỡ lớn ở đảo Hải Nam, hầm này và căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất ở đảo Hải Nam đều có hiệu quả như nhau, máy bay chiến đấu của Không quân và lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc dều có thể triển khai ở sân bay này.
Máy bay chiến đấu ném bom Su-30MKK2 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc |
Theo bài báo, những máy bay chiến đấu này đều đã tiến hành diễn tập tiếp dầu trên không, có năng lực thâm nhập Biển Đông thực hiện nhiệm vụ tầm xa. Trong diễn tập liên hợp, hàng trăm máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc đều có thể tiến hành kết nối thông tin với sở chỉ huy ở căn cứ ven bờ và hạm đội, năng lực thực hiện tác chiến tấn công đường không tiếp tục tăng lên.
Theo tạp chí "Aviation Week" Mỹ, cuộc đấu đá giữa các nước ven Biển Đông đang có xu thể lập thể hóa (ba chiều), tức là từ mặt nước và dưới mặt nước mở rộng lên trên không. Hiện nay, cuộc chạy đua vũ trang này phần lớn giới hạn ở các nước Đông Nam Á (?).
Nhưng, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sức ép lớn hơn ở Biển Đông. Trong tình hình đó, lực lượng hàng không Hải quân và Không quân Trung Quốc tìm cách phối hợp hành động ở Biển Đông rõ ràng ẩn chứa những ý đồ rất đáng quan tâm.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-10 của Trung Quốc |