Bài báo trên cho biết Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An ngoài 1 giám đốc còn có 6 phó giám đốc. Riêng Phòng Tài chính kế toán có 15 người có 1 trưởng phòng và 6 phó phòng. Sở Nội vụ tuy chỉ có 31 biên chế nhưng có tới… 19 lãnh đạo gồm: 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng Công chức viên chức của Sở hiện có 4 nhân viên thì có 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng. Độc đáo hơn, Phòng Tài chính kế toán của UBND huyện Anh Sơn có 4 biên chế thì tất cả đều là “quan”, gồm 1 trưởng phòng và 3 phó phòng. Tình trạng “thừa quan, thiếu dân” này có lẽ không chỉ ở Nghệ An mà có ở nhiều nơi. Đã từng có xã mà theo báo chí, chỉ 10 ngàn dân có đến hơn 500 cán bộ.
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Trong khi đó, Nghị định 13/2008 qui định cụ thể số lượng Phó Giám đốc sở không quá 03 người; riêng số lượng Phó Giám đốc các sở thuộc UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh không quá 04 người. Đúng là… “loạn quan”. Nhiều quan thế, dân không khổ mới lạ. Khổ không chỉ bởi phải còng lưng đóng thuế nuôi quan mà khổ vì nhiều quan thế sẽ không có người làm. “Một người lo bằng kho người làm”, nhưng kho người lo thì… không có ai làm. Làm quan cả nên ai cũng oai, cũng oách rồi nảy sinh ra công việc bị chồng chéo, bì tị, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đó là chưa kể là rất dễ dẫn đến tình trạng tranh danh, giành lợi mà kiện tụng, bè phái đấu đá lẫn nhau gây mất đoàn kết… Trong khi đó thì gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải kêu lên: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Đã lắm quan lại còn “không có cũng được… sáng cắp ô đi, tối cắp về” thì công việc trì trệ là phải. Ở đời, cái gì hiếm mới quí. Đông quan khiến cái danh quan cũng… nhảm nhí. Ở cái phòng mà 3 lãnh đạo chỉ có một nhân viên như đã nói ở trên thì nhân viên trở thành… hàng độc. Ví như việc lấy phiếu tín nhiệm từ quần chúng chẳng hạn. Nếu nhân viên này “lắc” ai là người đó coi như 100% không có tín nhiệm. Tết này, có khi các sếp đua nhau mà… quà cáp ấy chứ?! Nói thế cho vui thôi, còn để xảy ra tình trạng này lỗi chính vẫn thuộc về khâu tổ chức cán bộ. Nó thể hiện sự trì trệ của một khâu rất quan trọng này. Dân gian có câu: “Đa quan thì tàn dân”. Nhiều quan dân đã khổ rồi mà quan lại nhiều hơn dân thì dân không khổ mới lạ!
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bùi Hoàng Tám/Dân trí