Dân phản đối sáp nhập trường
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, trong các tối ngày 21, 22, 23/8, một bộ phận nhân dân (từ 100- 200 người) tại xã Quảng Phúc đã tổ chức thành đoàn đi cổ động từ thôn này sang thôn khác để lôi kéo bà con nhân dân phản đối việc sáp nhập trường.
Trong các ngày 23, 24/8, một số người kéo đến trường trung học cơ sở Quảng Phúc (cũ) và trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quảng Phúc gây sức ép với Ủy ban nhân dân xã phản đối việc sáp nhập trường, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn xã Quảng Phúc.
Tại buổi họp báo hôm 25/8 thông tin về sự việc trên, ông Trần Thế Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương cho biết, việc sáp nhập hai cơ sở giáo dục này được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…
“Các trường trung học cơ sở quy mô dưới 8 lớp sẽ tiến hành sáp nhập với trường khác. Hiện tại trường trung học cơ sở Quảng Phúc có 5 lớp, dự báo đến năm 2020 có quy mô dưới 8 lớp.
Việc sáp nhập này cũng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và để thuận lợi hơn trong quản lý”, ông Lưu thông tin.
Ông Trần Thế Lưu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương tại buổi họp báo. Ảnh: Xuân Quang. |
Lãnh đạo huyện Quảng Xương nhận định:
"Trong thời gian tới một số đối tượng quá khích sẽ lợi dụng việc chuẩn bị đại hội chi bộ ở các thông trong xã sẽ tập hợp người dân ký vào đơn kiến nghị, sau đó sẽ tập trung vào nhà văn hóa các thôn tiếp tục phản đối chủ trương sáp nhập trường.
Sự việc có thể ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn xã Quảng Phúc”, ông Lưu nói.
Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, việc sắp xếp lại các trường, lớp đặc biệt là đối với tiểu học, trung học cơ sở là việc làm cần thiết,.
Tuy nhiên việc sắp xếp này phải đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, và sự đồng thuận của phụ huynh.
“Nếu chúng ta cứ để tồn tại trường trung học cơ sở dưới 8 lớp, nhưng có những trường 1 cấp học có 1 lớp thì việc sinh hoạt chuyên môn, bố trí tiết dạy cho giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học sẽ gặp khó khăn.
Trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện sáp nhập là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ mục đích của việc sáp nhập trường.
Tạo mọi điều kiện cho con em chúng ta học tập tốt nhất và nâng cao được chất lượng giáo dục", bà Hằng nói.
Học sinh bị dọa "cấm" đến trường nếu không đi học thêm dịp hè |
Trước đó, nhiều ý kiến người dân cho rằng, việc sáp nhập trường trung học cơ sở Quảng Phúc với trường trung học cơ sở Quảng Vọng thành trường trung học cơ sở Phúc Vọng sẽ khiến học sinh vất vả hơn khi đi học khác xã.
Các vấn đề khác như an ninh trật tự, an toàn giao thông có thể xảy ra và ảnh hưởng tới con cái họ.
Vệ việc này, ông Trần Thế Lưu cho rằng, huyện đã phối hợp với địa phương, hỗ trợ phương tiện cho học sinh để thuận lợi cho các em di chuyển…
Bên cạnh đó, trường mới đặt tại trường Trung học cơ sở Quảng Vọng cũ, cách điểm dân cư xa nhất chỉ 3,5 km. Quãng đường này không phải là dài.
Quá trình học sinh Quảng Phúc tới Quảng Vọng học, huyện sẽ chỉ đạo lực lượng công an xã Quảng Vọng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu.
Tóm lại, để xử lý dứt điểm tình trạng nói trên, chính quyền huyện Quảng Xương cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân khi sát nhập trường.
Đối thoại với dân là cách làm hay nhất lúc này để tháo gỡ khó khăn.
Sáp nhập trường thì cơ cấu tổ chức thế nào?
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sắp xếp lại Ban giám hiệu nhà trường khi sáp nhập? ông Trần Thế Lưu cho rằng, vấn đề này đã được khắc phục và nhận được sự đồng thuần từ phía lãnh đạo hai trường.
“Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Quảng Vọng khi sáp nhập được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Phúc Vọng.
Hiệu trưởng trường Quảng Phúc đầu năm 2018 sẽ nghỉ chế độ. Hiệu trưởng này cũng đã đồng ý nghỉ chờ.
Còn Hiệu phó của trường Quảng Phúc sẽ về làm Hiệu phó trường trung học cơ sở Phúc Vọng. Chúng tôi chấp nhận thừa Hiệu phó một thời gian sau đó sẽ điều chuyển”, ông Lưu nói.
Trước đó, nhiều người dân xã Quảng Phúc kéo lên Ủy ban xã để phản đối việc nhập trường. Ảnh Hồng Đức/danviet.vn. |
Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cùng một số đại diện cơ quan báo chí đặt câu hỏi về phương án sắp xếp nhân sự đặc biệt là đội ngũ giáo viên khi sáp nhập trường?
Bởi lẽ, theo khảo sát của chúng tôi, việc sáp nhập trường sẽ dẫn tới việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ (thừa giáo viên môn Toán trong khi bộ môn Hóa Học và Sinh học lại thiếu giáo viên).
Câu chuyện này đặt ra vấn đề xử lý số giáo viên dôi dư sẽ như thế nào?
Về việc này, ông Trần Thế Lưu, cho biết, hiện nay huyện chưa có phương án cụ thể về việc sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhưng sẽ tiếp thu ý kiến của phóng viên và cam kết đưa ra phương án sắp xếp trong thời gian tới.