Ngày 2/9/1945, Hà Nội tưng bừng màu đỏ; một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa; cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ cả mặt hồ.
Biểu ngữ bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga chăng các đường phố: "Nước Việt Nam là của người Việt Nam", "Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp", "Ủng hộ Chính phủ lâm thời", "Độc lập hay là chết", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Hoan nghênh phái bộ Đồng minh"...
Từ các cửa ô, các ngả đường, những dòng người đủ mọi màu sắc tiến về vườn hoa Ba Đình; đội ngũ của những người thợ quần xanh áo trắng, tràn đầy sức mạnh và niềm tin.
Phần diễu binh của các lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: vov.vn). |
Người lao động bình thường hôm nay đến ngày hội với tư thế đàng hoàng của những người làm chủ đất nước, làm chủ tương lai.
Hàng chục vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào; những chiến sĩ dân quân mang theo côn, kiếm, mã tấu.
Có những người vác theo cả những quả chùy đồng, những thanh long đao rút từ những giá vũ khí bày để trang trí các điện thờ.
Trong hàng ngũ các chị em phụ nữ nông thôn với những bộ quần áo ngày hội, có những người vấn khăn vàng, mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lý.
Cũng chưa bao giờ người nông dân ở những làng xóm nghèo quanh Hà Nội đi vào thành phố với một niềm tự hào như ngày hôm ấy.
Những cụ già vẻ mặt nghiêm trang, những cô gái Thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.
Rộn ràng nhất là các cháu thiếu nhi. Theo nhịp còi của các anh, các chị phụ trách, các em khua trống rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng.
Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước |
Những nhà sư, những vị linh mục cũng rời nơi tu hành, xuống đường, xếp thành đội ngũ đến dự ngày hội lớn của dân tộc.
Nắng mùa thu rất đẹp trên quảng trường Ba Đình, từ giây phút này đã đi vào lịch sử; đội danh dự đứng nghiêm trang chung quanh lễ đài mới dựng.
Các chiến sĩ quân giải phóng bữa trước theo Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, từ Tân Trào tiến về phía Nam "đánh vào các đô thị và trọng trấn của địch".
Hôm nay, họ đã sát cánh cùng các đội tự vệ của công nhân, thanh niên và lao động Thủ đô bảo vệ Chính phủ lâm thời.
Vừa mới ra đời trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Sở Liêm phóng Bắc Bộ (Công an nhân dân Bắc Bộ lúc đó) được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt là: Bảo vệ an toàn cho ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945.
Đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ là người trực tiếp chỉ đạo lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ và các thành viên của Chính phủ, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự cho buổi mít tinh chống sự phá hoại của kẻ thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (Ảnh: infonet.vn). |
Lực lượng liêm phóng và cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài, bảo vệ tiếp cận và bảo vệ từ xa.
Các chiến sĩ trinh sát được trang bị vũ khí đứng thành hàng rào rải suốt từ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ xuất phát đến quảng trường Ba Đình; một số đứng bảo vệ xung quanh lễ đài.
Cảnh sát còn mang súng ngắn mặc quần cộc đến đầu gối, đội mũ cát trắng đạp xe hộ tống cho đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ tới tận Quảng trường.
Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ Chu Đình Xương và một số trinh sát được bố trí ngồi cùng xe với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ trong quá trình Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, đồng chí Chu Đình Xương đã trực tiếp đứng bên cạnh để bảo vệ Người.
Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát |
Nhằm biểu dương sức mạnh công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân mới ra đời, lực lượng công an được bố trí thành một khối tham dự mít tinh.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã ra mắt quốc dân đồng bào và đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Cũng trong thời gian này, tại Sài Gòn, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng tổ chức mít tinh tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà với hàng vạn đồng bào đến nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thông qua máy thu thanh.
Lực lượng quốc gia tự vệ (Công an nhân nhân Nam Bộ) đã bố trí phương án bảo vệ an toàn cho Đoàn chủ tịch và nhân dân dự mít tinh.
Lúc này, bọn phản động núp trên lầu cao bắn lén vào đoàn người dự mít tinh.
Lực lượng Quốc gia tự vệ đã kết hợp với với lực lượng vũ trang kịp thời vây bắt bọn phản động, tước vũ khí của chúng bảo vệ an toàn cho cuộc mít tinh chào mừng ngày độc lập của nhân dân Sài Gòn - Gia Định.
Trước đó, lực lượng liêm phóng Bắc Bộ đã bắt một số tên phản cách mạng nguy hiểm tay sai của Pháp, Nhật và những tên quan lại có nhiều nợ máu với nhân dân.
Ở Bắc Bộ, ta bắt các tên: Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu bọn bù nhìn trong Ủy ban chính trị của địch; Cung Đình Vận, tuần phủ Thái Nguyên; Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, thủ lĩnh Quốc dân Đảng và Đại Việt quốc gia liên minh do Nhật lập ra; Võ Văn Cầm, thủ lĩnh của tổ chức "Thanh niên ái quốc" cũng do Nhật lập ra.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể về cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn |
Ở Trung Bộ, Sở trinh sát (lực lượng công an Trung Kỳ) đã bắt: Trần Trọng Kim, thủ tướng bù nhìn; Trần Văn Lý, tổng đốc Lâm Viên; Ngô Đình Khôi, tuần phủ Quảng Nam; Tôn Thất Hối, trùm mật thám Trung Kỳ; Ngô Đình Diệm, Phan Văn Giáo, Nguyễn Tiến Lãng là những viên quan lại nguy hiểm của chính quyền Bảo Đại.
Ở Nam Bộ, Quốc gia tự vệ (lực lượng công an Nam Bộ) bắt các tên: Phan Đình Cương, Thái Phi, tay sai đắc lực của Pháp, Nhật.
Việc bắt và trừng trị những tên phản cách mạng nguy hiểm, tay sai của Pháp, Nhật đã góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, ổn định an ninh chính trị, giữ vững thành quả cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được.
* Tài liệu tham khảo:
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Tổng tập Hồi ký", Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội, 2006.
- "Đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.