Ngày 22/10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/3/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (27 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 35 thông tư).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo. Ảnh: N.Khánh |
Trong năm 2020, Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019. Đáng chú ý, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (27/27 thủ tục), kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Năm 2020, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận, giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã chấp hành truy đóng số tiền 145,5 tỷ đồng (đạt 98%). Sau kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã khắc phục 831/1.358 tỷ đồng còn phải thực hiện (tương đương 61%); đã thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội 5 tỷ đồng (đạt 96%); thu hồi về quỹ bảo hiểm thất nghiệp 271 triệu đồng (đạt 11%).
Đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hết ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 16,2 triệu người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu năm 2020. Tuy nhiên, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 nghìn tỷ đồng (tương ứng 19,9%) so với năm 2019, chiếm 4,4% số phải thu.
Năm 2020 có hơn 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, với tổng số tiền thu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đạt gần 4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,3 triệu người, giảm hơn 54,4 nghìn người (tương ứng 0,4%) so với năm 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số kết dư đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội đến 31/12/2020 khoảng 898 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019). Năm 2020, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cắt giảm, tiết kiệm được hơn 1.689 tỷ đồng so với dự toán kinh phí được giao.
Báo cáo cũng nêu rõ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước
Liên quan đến tình hình triển khai thực hiện BHXH tự nguyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, mặc dù công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đến năm 2021 đạt 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện nhưng vẫn còn cách xa so với tiềm năng. Mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện đang có xu hướng giảm trong cả giai đoạn 2016 - 2020, mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện của năm 2020 đã giảm 34,66% so với mức bình quân của năm 2016.
Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.
Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các luật
Về một số tồn tại, vướng mắc, Ủy ban kiến nghị Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu nghe trình bày báo cáo thẩm tra. |
Tại phiên thảo luận Tổ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu những năm trước khi nhắc đến Bảo hiểm xã hội, nhiều người có câu cửa miệng là “vỡ quỹ”. Nhưng đến giờ này bảo hiểm xã hội có kết dư tương đối tốt. Đây là điều đáng mừng. Cụ thể, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm thai sản… đều đang đảm bảo chi đúng mục tiêu, mục đích và cơ bản thực hiện tốt như Chủ tịch Quốc hội đánh giá".
Phát biểu thảo luận tại Tổ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho biết, qua theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các dân tộc, trong đó có công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Đại biểu nêu, Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cấp tỉnh, huyện và tiến tới thành lập đến cấp xã để thống nhất chỉ đạo thực hiện.
Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị, Chương trình hành động, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế, qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số người tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng, góp phần quan trọng trong công tác an sinh của tỉnh.
Tại Lào Cai, công tác quản lý, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, phù hợp với xu thế như cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, mở rộng chi trả qua ATM, triển khai ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động giảm đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ giảm đóng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP, mở rộng, linh hoạt các hình thức chi trả lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp với các biện pháp phòng, chống COVID-19.
Các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đã kịp thời hỗ trợ thu nhập cho số lượng lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
Từ thực tiễn và một số khó khăn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề xuất Quốc hội và các bộ, ngành Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung, quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Cụ thể, đối với pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, kiến nghị sửa đổi một số quy định về đối tượng, phương thức, căn cứ đóng theo hướng mở rộng, linh hoạt để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu nêu ví dụ như bổ sung thêm lựa chọn phương thức đóng 3 tháng cho các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh nhỏ để phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị; sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.